1. Tất nhiên là các con số không chỉ để tham khảo. Đôi khi nó mang tính động viên rất lớn, về khía cạnh tinh thần. Ví dụ như khi HLV Park Hang-seo nhậm chức, lời hứa đầu tiên là sẽ đưa Việt Nam vào Top 100 của thế giới.
Có lẽ chẳng ở đâu lại có một mục tiêu như vậy dành cho một tân HLV, nhưng rõ ràng trong một thời điểm cụ thể, khi bóng đá Việt Nam khi đó vẫn rất mông lung về tương lai của mình, hóa ra con số Top 100 mang đến những hứa hẹn khá… cụ thể.
Bây giờ, khi đã ở quá lâu trên đỉnh thì chẳng mấy ai quan tâm đến cái cột mốc đó nữa, nhưng như đã nói, có lúc các con số khá hữu dụng, nhất là với những ai đang trong… cơn tuyệt vọng, hoặc ở trong cảm giác mất phương hướng.
Một ví dụ khác. Năm 2015, bầu Đức đưa một nhóm cầu thủ U19 lên đá V-League sau khi họ vừa tạo ra những cơn “địa chấn” về khả năng trình diễn thứ bóng đá tấn công vốn không quen nhìn thấy ở sân cỏ nội địa.
Khi đó, con số U19 thật sự gây choáng ngợp vì có lẽ sau thời hoàng kim của Thể Công thì mới có một CLB thoải mái sử dụng những cầu thủ tuổi teen cho sân chơi khắc nghiệt như vậy. Điều tuyệt vời hơn là dàn cầu thủ trẻ của HAGL vẫn trụ hạng thành công và phô diễn thứ bóng đá lôi cuốn khán giả đến mức tạo ra vô số cơn sốt, thiết lập các cột mốc về lòng hâm mộ trên khắp cả nước.
Nhưng qua thời gian, ở thời điểm hiện tại, liệu còn ai nhớ đến con số U19 của 7 năm trước? Có thể là “Những đứa trẻ của bầu Đức” hiện vẫn là… những đứa trẻ nên không ai quan tâm đến chuyện bao năm qua HAGL vẫn chưa có một thế hệ kế tiếp, dù lứa năm 2015 đã đi gần hết chu kỳ của sự nghiệp.
Cũng có thể là màn trình diễn hiện tại của HAGL vẫn còn khiến nhiều người say mê nên họ muốn giữ nguyên những thứ đang có. Tuy nhiên, nếu nhớ lại thời điểm năm 2015, thì cái con số U19 thật sự là một cánh cửa hy vọng cho bóng đá Việt Nam.
2. Nhưng sự thật là con số cũng chỉ là… con số. Sự vượt trội của bóng đá trẻ Việt Nam trước Thái Lan chỉ mang tính chất củng cố cho vị trí số 1 Đông Nam Á trên bảng xếp hạng FIFA nhưng cả 2 chi tiết đó đều không nói lên được nhiều điều.
Trong xu hướng mở rộng số lượng đội tham dự ở những giải bóng đá thế giới cũng như châu Á hiện nay, thì chuyện các tuyển U Việt Nam dự vòng chung kết châu Á không còn là chuyện khó khăn, nhất là khi AFC vẫn đang chia những trận vòng loại theo khu vực địa lý khiến cho các thử thách không thường xuất hiện. Vấn đề là số lượng chưa chắc đi kèm chất lượng. Dù lạc quan nhưng cơ hội để các tuyển trẻ Việt Nam giành quyền dự các kỳ World Cup trẻ vẫn còn khá xa vời.
Năm 2017, chúng ta đã có một thế hệ đá World Cup và như đã biết, những nhân tố đó mới thật sự mang đến thay đổi lớn lao mà bóng đá Việt Nam đang có. Nói cách khác, cái quan trọng nhất vẫn là kiểu cột mốc như vậy chứ không phải là con số thống kê về đối đầu hay số lần dự giải châu Á.
Vấn đề là kể từ sau kỳ tích của ông Hoàng Anh Tuấn và các học trò, thì chưa thấy có một mục tiêu cụ thể nào để tái lặp điều tương tự. Không có những kết quả đột phá ở tuổi U, thì làm sao có thể nghĩ đến chuyện dự World Cup của đội tuyển trong tương lai.
Bóng đá là một trò chơi có tính khoa học cao, mọi thứ cần có lộ trình. Không thể có chuyện xây dựng ra một nhóm cầu thủ U17, gởi đi du học ở châu Âu, sau đó hy vọng 7 - 10 năm sau họ sẽ đại diện Việt Nam dự World Cup.
Năm năm qua, người Thái không thắng được Việt Nam ở các giải U, nhưng chính họ đã lật đổ ngôi vương của chúng ta tại AFF Cup 2020 và chiến thắng rõ ràng trong một trận đấu chính thức cụ thể.
Trên cái cán cân quyền lực tại Đông Nam Á, với một bên là ngôi số 1 Đông Nam Á cùng các thành tích trẻ và một bên là danh hiệu vô địch AFF Cup, thì chúng ta sẽ muốn nghiêng về phía bên nào?
Không phải tự nhiên mà HLV Park Hang-seo trong thời gian cuối nhiệm kỳ 2 của mình, chỉ nói về việc sẽ vô địch AFF Cup 2022. Không có nó, mọi thứ mà ông làm suốt 5 năm qua sẽ trở nên mông lung nếu thất bại vào cuối năm nay.
3. Nhân nói chuyện con số, tuần qua có 2 con số. Đầu tiên là chuỗi 6 trận đá không biết thắng của HAGL và bàn thắng đầu tiên của Quang Hải tại Ligue 2. Đây là những con người đại diện cho một thế hệ tài năng bậc nhất của bóng đá Việt Nam, cũng là thành quả của một giai đoạn thăng hoa nhất của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam vừa tròn 20 năm ra đời của V-League.
Chúng ta đã có độ trễ thời gian vừa đủ để cần phải tiến hành những đánh giá sâu sắc về cơ hội và tiềm năng. Nói cách khác, đây không phải là lúc để các con số đánh lừa.
Ví dụ như chuyện Quang Hải ghi bàn đầu tiên không hẳn là cột mốc lớn, vì hơn 10 năm trước Lê Công Vinh cũng đã có bàn ở Cúp quốc gia Bồ Đào Nha rồi. Hoặc như thành tích của HAGL hiện nay có gì khác so với năm 2015 khi họ chỉ là những chàng trai 19 tuổi, có khác gì thành tích lần cuối mà Kiatisuk làm HLV ở phố Núi.
Chúng ta đã ở Top 100 FIFA gần 5 năm rồi, đã là số 1 Đông Nam Á cũng khá lâu rồi, nên đâu có gì đáng nói nếu như các tuyến trẻ phát triển về mặt thành tích so với các đội cùng khu vực, bao gồm Thái Lan.
Cứ cho là điều đó duy trì được sức mạnh của bóng đá Việt Nam, nhưng cái chúng ta cần là một sự đột phá ở trình độ cao hơn chứ không phải là kiểu kéo dài những thống kê với các con số đôi khi chẳng nói lên được điều gì.
Nói cho cùng, dù không thắng Việt Nam thì các tuyến trẻ của Thái Lan hay một vài đội Đông Nam Á vẫn đều đặn dự các vòng chung kết châu Á. Cũng chẳng vì các tuyến U kém cỏi mà bóng đá Thái Lan đã thụt lùi thành tích ở cấp độ đội tuyển quốc gia.
Họ vẫn đang đợi chúng ta ở AFF Cup 2022 với sự tự tin không nhỏ…