Những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Ebola tại một số nước Tây Phi đã buộc nhiều nước láng giềng có thêm các biện pháp phòng ngừa.
Phóng viên TTXVN tại khu vực Trung Đông dẫn mạng tin "Afrik" ngày 11/8 cho biết để ngăn chặn virus Ebola lây lan, chính quyền Zambia đã cấm người dân bản địa du lịch tới Guinea, Sierra Leone và Liberia - là những nước mà dịch bệnh đang hoành hành. Trước đó, nước này đã ban bố lệnh đóng cửa biên giới.
Trong khi đó, Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf thừa nhận sự lơ là trong khâu kiểm soát dịch bệnh, xin lỗi người dân và đội ngũ y bác sỹ, trong đó có gần 40 người nhiễm bệnh. Bà cam kết chính phủ sẽ cấp kinh phí 18 triệu USD để đối phó với dịch bệnh Ebola.
Nhân viên y tế chuẩn bị thức ăn cho các bệnh nhân nhiễm Ebola bị cách ly riêng biệt ở Kailahun thuộc quốc gia Tây Phi Sierra Leone. Ảnh: Reuters |
Nigeria vừa gia nhập các quốc gia có dịch bệnh và đã khẩn trương tiến hành các bước để đối phó với sự lây lan của virus này làm hai người tử vong cuối tuần qua. Tổng thống nước này Goodluck Johnathan đã thông qua một kế hoạch đặc biệt và giải ngân ngay lập tức 1,9 tỷ naira (tương đương 11,67 triệu USD) để ngăn ngừa dịch bệnh lan rộng.
Cũng trong một diễn biến có liên quan, Bộ Y tế Rwanda đã ra thông báo cho biết đang áp dụng các biện pháp cách ly một sinh viên người Đức có những triệu chứng nhiễm Ebola. Các xét nghiệm cần thiết đang được tiến hành và dự kiến phải chờ 48 giờ mới có kết luận chính thức. Đây là ca nghi nghiễm Ebola đầu tiên tại Rwanda kể từ khi dịch bệnh này bùng phát ở khu vực Tây Phi. Bộ trên cho biết bệnh nhân nghi nghiễm Elola là một sinh viên y khoa người Đức và vừa có thời gian lưu trú ngắn tại Liberia.
Giống như mọi quốc gia Tây Phi khác, Rwanda tuyên bố đã áp dụng các biện pháp phòng ngừa cần thiết đối với căn bệnh chết người này. Bộ Y tế nước này đã triển khai hệ thống giám sát và quản lý tình trạng khẩn cấp, mở các lớp tập huấn cho nhân viên y tế trên phạm vi toàn quốc về bệnh do virus Ebola, các triệu chứng và cách phòng ngừa.
Dịch Ebola đã cướp đi sinh mạng của gần 1.000 người tại khu vực Tây Phi và được xem là dịch bệnh tồi tệ nhất trong hơn 4 thập kỷ qua. Tuần trước, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với bệnh Ebola.
TTXVN/Tin tức