Yongbyon - Trái tim của chương trình hạt nhân Triều Tiên

Sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên tại Hà Nội kết thúc, Tổng thống Donald Trump nêu rõ trở ngại giữa ông và Chủ tịch Kim Jong-un chỉ duy nhất một vấn đề: Bình Nhưỡng sẽ nhận được gì nếu phá hủy cơ sở hạt nhân Yongbyon. 

Trung tâm nghiên cứu khoa học hạt nhân Yongbyon là khu tổ hợp chủ yếu phục vụ sứ mệnh quân sự: sản xuất nguyên liệu phân hạch để chế tạo vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Cơ sở này được khởi công xây dựng từ năm 1961 sau khi Bình Nhưỡng ký hai thỏa thuận hạt nhân với Liên Xô cũ. 

Sông Kuryong chảy xuyên qua khu phức hợp này và dòng nước của nó được dùng để làm mát các lò phản ứng. Bên trong Yongbyon có nhiều lò phản ứng và những công trình khác mà Mỹ mong muốn được phá dỡ trong khuôn khổ một thỏa thuận giải trừ hạt nhân. Chúng bao gồm:

“Chỉ vài gram để tăng hiệu suất đầu đạn”

Chú thích ảnh
Hình ảnh vệ tinh chụp cơ sở hạt nhân Yongbyon, cách thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên 100km về phía Bắc, ngày 29/9/2004. Ảnh: EPA/TTXVN

Lò phản ứng IRT-2000 là lò nhỏ và cũ nhất ở Yongbyon. Nó được hoàn thành năm 1985 dưới sự giám sát của chuyên gia Liên Xô và sử dụng urani làm giàu cấp độ thấp cho mục đích khoa học cũng như sản xuất chất đồng vị dùng cho y tế. 

Đến năm 1973, Liên Xô cung cấp các thanh nhiên liệu để vận hành lò phản ứng, song Triều Tiên sau đó đã chuyển đổi lò phản ứng để phù hợp với urani làm giàu cấp độ cao hơn. Dù riêng IRT-2000 không thể sản xuất nhiều nguyên liệu phân hạch, một số người lo ngại rằng nước này có thể sản xuất chất đồng vị như hợp chất tritium và lithium deuteride bằng phòng thí nghiệm sản xuất đồng vị gần đó. Chỉ cần vài gram tritium đã có thể tăng hiệu suất của một đầu đạn, nhờ vậy cho phép thiết kế tên lửa nhẹ hơn và nhỏ hơn. 

“Hai nỗ lực đóng cửa thất bại”

Lò phản ứng 5 megawatt là lò phản ứng nổi tiếng nhất của tổ hợp hạt nhân Yongbyon. Nó được xây dựng dựa theo các thiết kế dùng cho lò phản ứng Calder Hall của Anh và hoàn thành năm 1986.

Lò phản ứng 5 megawatt sản xuất lượng lớn plutoni dùng cho vũ khí của Triều Tiên. Lò phản ứng này từng là trọng tâm của nhiều vụ đối đầu cũng như căng thẳng ngoại giao. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã vài lần tiếp cận lò phản ứng này nhờ sự cho phép của phía Triều Tiên. 

Trước đây, đã có hai nỗ lực nhằm đóng cửa lò phản ứng, những sau đó đều bị Triều Tiên đảo ngược quyết định sau khi các mối quan hệ gặp trục trặc. 

“Không người ngoài nào được tiếp cận”

Tháng 9/2010, hình ảnh vệ tinh hé lộ phần đầu của công trình mới ở phía Nam của lò phản ứng 5 megawatt. Mặc dù ban đầu không rõ cấu trúc là gì, một nhóm nhà khoa học Mỹ khi đến thăm đã được thông báo đây là một lò phản ứng nước nhẹ thử nghiệm để sản xuất điện vào năm 2010.

Hiện nay, lò phản ứng dường như đã hoàn thiện phần thô nhưng chưa có bằng chứng cho thấy dấu hiệu vận hành. Không người ngoài nào được đặt chân vào cơ sở này kể từ khi hoàn thành.

Chú thích ảnh
Ảnh: EPA/TTXVN

“Phòng thí nghiệm hóa học phóng xạ”

Cơ sở này thực chất là một cơ sở tái xử lý plutoni, được sử dụng để biến các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng từ các lò phản ứng thành vật liệu để chế tạo vũ khí. Triều Tiên ban đầu tuyên bố với IAEA rằng cơ sở này đang đào tạo các nhà khoa học hạt nhân song IAEA kết luận đây thực sự là cơ sở tái xử lý hạt nhân.

Cơ sở lớn này được thiết kế để xử lý plutoni từ lò 5 megawatt và 50 megawatt gần đó, vốn đã bị bỏ trống từ khi chưa hoàn thiện. Ảnh vệ tinh cho thấy các phương tiện di chuyển và hoạt động xây dựng quanh cơ sở. Tuy nhiên, nhà máy tái xử lý này hầu như không để lộ dấu hiệu cho người bên ngoài thấy lúc nó vận hành, hay số lượng plutoni nó đã tái chế. 

“Diện tích sàn tăng gấp đôi”

Các chuyên gia từng đến tổ hợp Yongbyon ước tính cơ sở này chứa gần 2.000 máy ly tâm. Năm 2013, diện tích sàn đã được xây rộng gấp đôi, song không rõ số lượng máy ly tâm có nhân đôi hay không. Mỹ nghi ngờ Triều Tiên đang thúc đẩy một chương trình làm giàu urani bí mật. 

Các cơ sở khác bên ngoài Yongbyon?

Trong khi Yongbyon là tổ hợp hạt nhân duy nhất Triều Tiên công khai, có nhiều người nghi ngờ nước này còn sở hữu ít nhất hai cơ sở khác. Năm 2018, nghiên cứu nguồn mở xác định một địa điểm khả nghi gần Kangson có thể cũng là nơi Bình Nhưỡng phát triển chương trình hạt nhân. 

Thỏa thuận đóng cửa Yongbyon – hoặc một phần tổ hợp này – sẽ áp dụng đối với những cơ sở làm giàu hạt nhân khác của Triều Tiên. Những cơ sở này vô cùng khó phát hiện. Có thông tin cho rằng Iran đã xây những nhà máy làm giàu urani của nước này ngầm dưới đất và bên trong một ngọn núi. Rất có thể Triều Tiên cũng không ngoại lệ.

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Những lệnh trừng phạt chính của Liên hợp quốc áp đặt với Triều Tiên
Những lệnh trừng phạt chính của Liên hợp quốc áp đặt với Triều Tiên

Từ năm 2006, sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã thông qua nghị quyết số 1718 nhằm phản ứng với hành động của Bình Nhưỡng và áp đặt một số biện pháp trừng phạt đối với quốc gia này. Từ đó cho tới nay, HĐBA đã thông qua một số nghị quyết nhằm tăng cường trừng phạt quốc gia Đông Bắc Á sau những vụ thử tiếp theo. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN