Ngày 29/11, chính phủ Xyri đã đề nghị tổ chức tiến trình đàm phán hòa giải dân tộc và đề xuất Nga làm trung gian hòa giải. Tại cuộc họp báo ở thủ đô Đamát, Ngoại trưởng Xyri Walid al- Moallem cho biết: “Một cuộc đàm phán thực chất cần phải dẫn tới hòa giải dân tộc. Chúng tôi cho rằng, đối thoại là giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay ở Xyri. Nếu Nga đồng ý, chúng tôi sẵn sàng để Nga làm trung gian hòa giải”.
t
Ngoại trưởng Moallem cũng đồng thời cảnh báo, các lệnh trừng phạt của Liên đoàn Arập (AL) đối với Xyri chính là "sự mở đầu cuộc chiến tranh kinh tế" chống lại nước này. Theo ông, AL đang muốn "quốc tế hóa cuộc khủng hoảng Xyri và làm leo thang xung đột" khi "đóng mọi cánh cửa" giúp giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.
Cho rằng, chính các nhóm vũ trang đang gây tình trạng bạo lực tại Xyri, ông Moallem kêu gọi các nước láng giềng ngừng cung cấp vũ khí và tài chính qua biên giới, đồng thời ngừng mọi chiến dịch truyền thông khiêu khích trên các kênh truyền hình Arập. Ông cho biết, các nhóm khủng bố có vũ trang đã đẩy mạnh các hành động tội ác của mình sau khi quân đội và các lực lượng an ninh Xyri rút khỏi các thành phố.
Trong khi đó, phát biểu với báo giới ngày 29/11 tại Mátxcơva, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố, cuộc khủng hoảng chính trị tại Xyri có thể giải quyết theo kịch bản Yêmen.
Ngoại trưởng Nga nêu rõ, tất cả các nước hiện đang yêu cầu một hành động chống lại Xyri đã thể hiện cách tiếp cận hoàn toàn khác đối với Yêmen, nơi mà các cuộc đàm phán về kế hoạch hòa bình do Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đề xuất kéo dài nhiều tháng. Theo ông, cuộc khủng hoảng hiện nay ở Xyri có thể được tháo ngòi theo hướng này vì việc nhiều nước ra tối hậu thư với Đamát không giải quyết được vấn đề. Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh, việc quan trọng nhất là ngừng hành động theo kiểu ra tối hậu thư và tìm cách xúc tiến đối thoại chính trị.
Lê Hải