Theo Bloomberg, khi châu Âu và Mỹ tìm cách ngừng phụ thuộc vào sản phẩm dầu mỏ Nga, họ đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung trong nước. Điều đó đang mở ra cơ hội cho các nhà máy lọc dầu lớn ở những nơi như Trung Quốc và Kuwait để đưa nhiên liệu vào các thị trường phương Tây.
Bà Eugene Lindell, Giám đốc bộ phận các sản phẩm tinh chế tại công ty tư vấn công nghiệp FGE (Anh), nhận định: “Khi quay lưng lại với các sản phẩm dầu mỏ của Nga, châu Âu và Mỹ đang ngày càng phụ thuộc vào dầu vận chuyển đường dài từ Trung Đông và châu Á”.
Cuộc xung đột ở Ukraine đang tạo ra chênh lệch lớn hơn giữa hai khu vực sau khi các quốc gia phương Tây cắt giảm đáng kể công suất lọc dầu trong những năm gần đây, trong khi nửa kia thế giới ngày càng mở rộng.
Theo FGE, cụ thể, các thị trường phương Tây đã giảm công suất lọc dầu 2,4 triệu thùng/ngày trong 3 năm qua, trong khi Trung Đông và châu Á tăng thêm 2,5 triệu thùng/ngày.
Mức chênh lệch đó sẽ mở rộng. Theo ước tính của Rystad Energy, sẽ có thêm khoảng 8 triệu thùng mỗi ngày trong ba năm tới, trong đó châu Á bổ sung nhiều nhất và châu Âu ít nhất.
Ông Mukesh Sahdev, đại diện công ty Rystad Energy cho biết: “Chúng ta sẽ thấy châu Á và Trung Đông ngày càng trở thành những nhà cung cấp nhiên liệu cho thế giới”.
Thay đổi lớn trong ngành lọc dầu toàn cầu đã diễn ra nhanh chóng trong thời kỳ đại dịch, khi các nhà máy cũ bị đóng cửa vì nhu cầu dầu mỏ giảm trong đợt phong tỏa toàn. Kể từ đó, Trung Quốc đã xây dựng các nhà máy lọc dầu lớn hơn và tinh vi hơn để đáp ứng nhu cầu dầu ngày càng tăng của mình, còn Mỹ và châu Âu tập trung vào giảm dần sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Ông Victor Shum, Phó Chủ tịch tư vấn năng lượng tại S&P Global Commodity Insights (Singapore), cho biết mức tiêu thụ các loại nhiên liệu như xăng và dầu diesel ở Mỹ và châu Âu sẽ vượt châu Á. Ông nói rằng châu Á đã thực hiện nhiều dự án lọc dầu mới do nhu cầu hóa dầu ngày càng tăng của khu vực này.
Cuộc xung đột ở Ukraine và các biện pháp trừng phạt Nga sau đó của các quốc gia phương Tây đã gây bất ngờ cho thị trường năng lượng toàn cầu. Những lo ngại về an ninh nhiên liệu đang chiếm vị trí trung tâm ở các quốc gia không có đủ năng lực lọc dầu. Trong môi trường này, nếu nhà máy lọc dầu ngừng hoạt động do công nhân đình công hoặc đóng cửa bất ngờ sẽ gây ảnh hưởng tới khắp các thị trường.
Bà Lindell tại FGE cho biết: “Các chính phủ châu Âu và người dân phải trả các hóa đơn điện lớn và lạm phát tăng vọt đang là vấn đề chính trong vài năm tới”.
Phương Tây đang cảm thấy căng thẳng vì có ít nhà máy lọc dầu hơn. Theo dự báo của Wood Mackenzie, dự trữ dầu diesel của Tây Bắc châu Âu đang cạn kiệt và sẽ đạt mức thấp nhất vào đầu mùa xuân, khi Liên minh châu Âu tìm cách cắt giảm nhập khẩu nhiên liệu của Nga bằng đường biển vào tháng 2/2023.
Trong khi đó, tình trạng thiếu dầu diesel và xăng ngày càng gia tăng ở Bờ Đông nước Mỹ và điều này đang khiến Tổng thống Joe Biden xem xét yêu cầu các công ty dầu mỏ dự trữ nhiều nhiên liệu hơn trong nước. Tình trạng khan hiếm xăng có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn vào mùa lái xe cao điểm trong mùa hè.
Theo ông John Auers, Giám đốc điều hành RBN Energy, Mỹ Latinh đã trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu khi một số nhà máy lọc dầu ở Caribe đóng cửa, các cơ sở ở Venezuela và Mexico tiếp tục ngừng hoạt động đáng kể và công suất hoạt động thấp. Mexico đang phải mua xăng từ Trung Quốc.
Quá trình vận chuyển các sản phẩm dầu mỏ về phía tây qua những quãng đường dài hơn đang làm tăng mạnh chi phí vận chuyển. Theo dữ liệu của Vortexa, khối lượng nhiên liệu được vận chuyển bằng đường biển cao hơn 3% so với mức trung bình trong 5 năm qua.
Bà Serena Huang, nhà phân tích hàng đầu về châu Á của Vortexa cho biết, khối lượng nhiều nhất là dầu diesel từ châu Á và Trung Đông đến châu Âu và khối lượng này có thể tăng lên khi châu Âu cấm dầu Nga.
Chắc chắn, Mỹ vẫn là nhà xuất khẩu dầu diesel lớn và những nỗ lực tăng cường an ninh năng lượng có thể giúp giảm bớt tình trạng thiếu nhiên liệu, nhưng các nhà phân tích cho rằng tình hình này sẽ không sớm diễn ra.