Cụ thể, ngày 28/3, Mỹ đã bắt giữ một quan chức cấp cao thuộc ngân hàng nhà nước Halkbank của Thổ Nhĩ Kỳ, bị cáo buộc hỗ trợ Iran vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ. Đại diện của ngân hàng Halkbank xác nhận ông Mehmet Hakan Atilla - Phó tổng giám đốc phụ trách mảng ngân hàng quốc tế của ngân hàng này - đã bị bắt giữ tại Mỹ hôm 28/3 khi ông tới đây vì mục đích công việc.
Hãng thông tấn nhà nước Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đưa tin ông Atilla bị Mỹ buộc tội đã hỗ trợ chính phủ và các tổ chức của Iran thực hiện giao dịch bất hợp pháp hàng triệu USD thông qua các ngân hàng của Mỹ.
Ông Atilla đã phải ra hầu tòa tại New York trong ngày 28/3 và bị buộc tội cố tình vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và gian lận trong giao dịch ngân hàng. Với các tội danh trên, ông này có thể phải đối mặt với mức án 50 năm tù giam. Dự kiến, ông Atilla sẽ tiếp tục hầu tòa tại Mỹ vào ngày 10/4 tới và có thể sẽ phải ngồi tù.
Phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cho biết vụ việc nói trên sẽ được thảo luận trong chuyến thăm của ông Tillerson, theo đó Ankara sẽ yêu cầu phía Mỹ đưa ra các lý do cụ thể đằng sau vụ bắt giữ. Ông Yildirim cũng khẳng định Ankara sẽ theo dõi sát sao tiến trình pháp lý liên quan tới trường hợp này.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết nước này sẽ đưa "những quan ngại" liên quan tới vụ giam giữ nói trên vào chương trình nghị sự trong cuộc gặp giữa người đồng cấp Mỹ với Tổng thống Recep Tayip Erdogan, trong đó dự kiến cũng sẽ tập trung vào các vấn đề quan trọng như cuộc xung đột tại Syria và yêu cầu của Ankara về việc dẫn độ Giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen, đang sống lưu vong tại Mỹ và bị Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc chủ mưu vụ đảo chính quân sự bất thành nhằm lật đổ ông Erdogan hồi tháng 7 năm ngoái.
Ngoài ra, căng thẳng giữa hai nước cũng có dấu hiệu gia tăng sau khi Thổ Nhĩ Kỳ ngày 29/3 đã bày tỏ bất bình vì Lãnh sự quán Mỹ tại Istanbul thừa nhận có liên lạc với nhà truyền giáo Adil Oksuz - vốn bị Ankara coi là một trong những nghi can chính trong âm mưu đảo chính quân sự hồi trung tuần tháng 7 năm ngoái. Ông Oksuz từng bị bắt ngay sau vụ đảo chính, song sau đó đã được thả và hiện đang bỏ trốn. Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Oksuz là đối tượng đóng vai trò chính trong việc kết nối Giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen với nhóm quân đội đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ trước khi xảy ra vụ chính biến.
Mặc dù, Đại sứ quán Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định lãnh sự quán Istanbul đã cố gắng liên lạc với ông Adil Oksuz chỉ để thông báo về việc thị thực Mỹ của ông này đã bị thu hồi theo luật pháp Mỹ và cho rằng động thái này phản ánh sự hợp tác giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới vụ đảo chính, song Thủ tướng Yildirim cho rằng lời giải thích của Mỹ là chưa đủ rõ ràng, theo đó nhấn mạnh Ankara sẽ xem xét khả năng có các vấn đề khác đằng sau việc Mỹ liên lạc với nghi can đảo chính nói trên.
Sau vụ chính biến tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi trung tuần tháng 7/2016, chính quyền Ankara đã bắt giữ hơn 41.000 người tình nghi liên quan tới phong trào của Giáo sĩ Gulen và sa thải hoặc đình chỉ công tác khoảng 100.000 người, trong đó có rất nhiều tướng lĩnh, cảnh sát, nhà báo, học giả, giáo viên.... Mặc dù chính quyền Ankara cáo buộc ông Gulen là chủ mưu cuộc đảo chính quân sự hồi năm ngoái ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng Mỹ và nhiều nước phương Tây cho rằng các báo buộc của Thổ Nhĩ Kỳ là thiếu căn cứ.