Hậu quả của áp lực đè nén
Khắp Trung Quốc, nhiều thanh niên như Li Xiaoming đang thấm mệt vì cuộc cạnh tranh gay gắt để vào đại học, có việc làm và sau đó là cuộc đua không ngừng nghỉ khi làm việc.
Kênh CNN (Mỹ) cho biết những thanh niên như Li Xiaoming đang theo đuổi triết lý mới có tên gọi “tang ping” (tạm dịch là 'nằm bẹp'). Cụm từ này xuất phát từ một bài đăng trên diễn đàn của Baidu vào đầu năm nay với tác giả kêu gọi rằng thay vì làm việc cả đời để mua một căn hộ, thanh niên nên theo đuổi cuộc sống đơn giản, nói cách khác là chỉ “nằm bẹp”.
Những lời bàn tán về việc "nằm bẹp" đã lan truyền nhanh chóng ở Trung Quốc khi những người trẻ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt cho những công việc hấp dẫn nhất, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ... Công chúng Trung Quốc ngày càng cảnh giác với thứ mà nhiều người coi là văn hóa làm việc kiệt sức. Điểm chung tại nhiều công ty công nghệ và công ty khởi nghiệp là yêu cầu người lao động làm việc gần gấp đôi số giờ làm việc điển hình trong một tuần ở nhiều ngành khác.
Áp lực ngày càng đè nặng lên vai thanh niên Trung Quốc. Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, riêng năm nay, sẽ có tới 9,09 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học. Trong khi đó, ngay cả khi tìm được việc làm thì họ lại phải đối mặt với lượng công việc lớn, điển hình là văn hóa làm việc mang tên gọi “996” trong ngành công nghệ Trung Quốc.
“996” khuyến khích người lao động trong ngành công nghệ cống hiến làm việc hết mình từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối trong 6 ngày/tuần. “Cha đẻ” Alibaba là Jack Ma và nhà thành lập JD.com Lưu Cường Đông đều ca ngợi hình thức “996” này.
Bên cạnh đó, ông Terence Chong tại Đại học Hong Kong (Trung Quốc) đề cập đến việc giá bất động sản ngày càng tăng cũng khiến thanh niên từ bỏ hy vọng và chỉ muốn “nằm bẹp”. Theo Cục Thống kê Trung Quốc, trong khoảng thời gian 6 năm tính đến 2019, giá nhà ở tại Bắc Kinh đã tăng gấp đôi.
Ông Terence Chong phân tích: “Trong một xã hội nơi bạn có hy vọng, nếu chăm chỉ bạn sẽ mua được một căn nhà và rồi bạn có thể làm việc chăm chỉ hơn. Nhưng nếu không thấy hy vọng, bạn chỉ muốn nằm bẹp”.
Khi học cấp 3, Li Xiaoming dành toàn bộ thời gian cho học hành. Ở kỳ thi tuyển sinh đại học, điểm số của Li Xiaoming nằm trong nhóm 0,37% cao nhất trong số tất cả học sinh trung học phổ thông ở tỉnh Sơn Đông. Li Xiaoming học thạc sĩ tại một trong ba trường luật hàng đầu ở Trung Quốc và hy vọng sẽ kiếm được việc làm tại một công ty luật quốc tế danh tiếng có trụ sở tại Bắc Kinh.
Nhưng khi nộp đơn thực tập vào tháng 3, Li Xiaoming bị 20 công ty luật quốc tế tại Trung Quốc từ chối. Cuối cùng, anh được một công ty luật trong nước nhận vào thực tập. Li Xiaoming bộc bạch: "Khi nhìn thấy những sinh viên khác vẫn cố gắng để vào được các công ty luật quốc tế uy tín, tôi cảm thấy kiệt sức và không muốn cạnh tranh với họ nữa. Nhiều người giỏi hơn tôi và chăm chỉ hơn tôi. Do vậy tôi thấy lo lắng".
Li Xiaoming quyết định “nằm bẹp” bằng việc chấp nhận sống với mức lương tối thiểu từ công việc thực tập hiện tại.
Chủ đề “nằm bẹp” đã bùng nổ trên mạng xã hội Trung Quốc. Hiện tượng này không chỉ xảy ra tại Trung Quốc mà còn các quốc gia Đông Á khác. Thanh niên Hàn Quốc, Nhật Bản cho biết họ đã kiệt sức.
Ở Hàn Quốc, nhiều thanh niên đã từ bỏ việc lập gia đình và mua nhà. Thanh niên Nhật Bản trong khi đó còn trốn tránh của cải vật chất.
Giáo sư Lim Woon-taek tại Đại học Keimyung (Hàn Quốc) nhận định: “Giới trẻ đang mệt mỏi. Họ không hiểu tại sao phải vắt kiệt sức để làm việc”.
Khi ngày càng có nhiều thanh niên thấy chán nản với áp lực không ngừng nghỉ, họ thể hiện quan điểm muốn từ bỏ việc kết hôn hoặc có con.
Tình trạng chung ở Đông Á
Trong khi “nằm bẹp” mới xuất hiện ở Trung Quốc thì thanh niên Hàn Quốc và Nhật Bản đã phải đấu tranh với thất vọng tương tự trong nhiều năm.
Mới chỉ 22 tuổi nhưng Shin Ye-rim đã từ bỏ ý muốn kết hôn, sinh con hoặc sở hữu một ngôi nhà. Hiện Shin Ye-rim đang là sinh viên trường Đại học Yonsei danh giá. Cô chia sẻ: “Tôi cho rằng vấn đề lớn nhất là giá nhà đã tăng quá cao”. Cô gái trẻ cũng nói rằng không dự trù được liệu bản thân có đủ khả năng tài chính để nuôi một đứa trẻ.
Năm 2017, có tới 74% trong 3.888 người trưởng thành Hàn Quốc tham gia một khảo sát do Incruit thực hiện cho biết họ đã từ bỏ tối thiểu một thứ trong hẹn hò, kết hôn, sở hữu nhà, hoạt động giải trí… bởi khó khăn về kinh tế.
Dịch COVID-19 đã gây áp lực lên thị trường lao động Hàn Quốc. Năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp tại nước này là 4%, cao nhất trong 19 năm qua. Giáo sư Lim đánh giá: “Bởi vì không có việc làm nên bạn khó có thể lên kế hoạch cho một cuộc sống trong tương lai”.
Nhiều thanh niên Nhật Bản cũng thất vọng với áp lực công việc và đình trệ kinh tế trong những năm qua. Năm 2010, một thuật ngữ đã xuất hiện đó là "satori sedai" (tạm dịch: thế hệ buông xuôi) để đề cập đến tình trạng thiếu tích cực với tương lai và không có nhu cầu vật chất.
Kenta Ito (25 tuổi) kiếm được mức lương trung bình từ một công ty tư vấn ở Tokyo, anh chỉ dùng tiền để mua những thứ bản thân thấy giá trị. Ito không quan tâm đến việc sở hữu nhà hoặc xe ô tô.
Công ty tư vấn Dot ở Tokyo trong năm 2017 thực hiện nghiên cứu với 2.824 người trong độ tuổi từ 16 đến 35 tại Nhật Bản và thu được kết quả 26% trong số họ tự nhận bản thân có tính cách của thế hệ "satori sedai".
Theo Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng GDP của Nhật Bản từ mức 4,9% của năm 1990 đến năm 2019 đã đi xuống chỉ còn 0,3%. Trong khi Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết mức lương thực tế trung bình hàng năm giảm từ 4,73 triệu yên (43.000 USD) năm 1992 xuống 4,33 triệu yên (39.500 USD) vào năm 2018.
Sinh viên Nanako Masubuchi (21 tuổi) tại Đại học Gakushuin chia sẻ: “Tôi không cảm thấy tích cực về kinh tế Nhật Bản”.
Thay đổi nhân khẩu học cũng là mối quan tâm ở Đông Á khi tình trạng già hóa dân số có thể gây ra nhiều khó khăn. Năm 2020, lần đầu tiên Hàn Quốc ghi nhận tỷ lệ tử vong đã cao hơn tỷ lệ sinh. Cùng năm, dữ liệu thống kê của Trung Quốc cho thấy tỷ lệ tăng dân số ở nước này đang thấp nhất trong thập niên qua.
Một số chuyên gia cho rằng xu hướng “nằm bẹp” có thể phản ánh tâm tư của một bộ phận người trẻ ở Đông Á nhưng sẽ không thể phổ biến. Ông Terence Chong đánh giá: “Mọi người vẫn muốn làm việc chăm chỉ và có một cuộc sống tốt đẹp”.