Theo kênh CNN, ý tưởng này rất đơn giản. Khi khách hàng vào các trang mua sắm như ASOS, Gymshark hay Topshop, họ có thể trả tiền ngay lập tức bằng thẻ hay PayPal hoặc họ có thể trả tiền sau với Klarna. Với Klarna, họ có thể hoàn thành đơn hàng mà không cần trả tiền luôn cho người bán hàng. Thay vào đó, họ trả tiền cho Klarna trong khoảng thời gian lên tới 30 ngày sau khi sản phẩm được giao.
Trong phần lớn trường hợp, khách hàng chỉ phải cung cấp các thông tin như tên, địa chỉ trả tiền, ngày sinh, địa chỉ thư điện tử và số điện thoại. Chỉ trong vòng vài giây, họ sẽ trải qua quá trình “kiểm tra tín nhiệm mềm” và được chấp nhận cho dùng dịch vụ. Klarna dùng machine learning (học máy) và phân tích để đánh giá khách hàng theo thời gian thực chỉ bằng các thông tin ít ỏi như vậy.
Khách hàng có thể chọn trả tiền toàn bộ 30 ngày sau đó hoặc trả dần không lãi suất trong 3 hoặc 4 tháng. Họ có thể đăng ký “Slice it”, tức là chia giá của các đơn hàng đắt tiền thành 36 lần trả tiền theo tháng nhưng có lãi suất.
Dịch vụ mua trước, trả tiền sau không mới nhưng điều khiến Klarna khác biệt so với các nhà cung cấp thẻ tín dụng và các đơn vị cho vay truyền thống khác là có nhiều lựa chọn không tính lãi suất hay phí.
Người dùng cũng không phải đăng ký hay lập tài khoản. Thay vào đó, Klarna tính phí giao dịch cho các nhà bán lẻ và lấy phần trăm đơn hàng.
Đổi lại, Klarna tuyên bố có thể làm tăng số lượng đơn đặt hàng cho nhà bán lẻ. Sau khi kết hợp với Gymshark năm nay, giá trị đơn hàng trung bình của nhà bán lẻ này tăng 33%.
Những loại dịch vụ này ngày càng phổ biến. Klarna cho biết có tới 60 triệu khách hàng toàn thế giới và 26 triệu trong số đó mới sử dụng dịch vụ trong năm 2018. Tuần trước, nhãn hàng thời trang quốc tế H&M (giá trị thị trường 28,7 tỷ USD) đã mở rộng sử dụng Klarna tới thị trường Anh. Hồi tháng 8, công ty này được định giá 5,5 tỷ USD.
Công ty Australia Afterpay đã ra mắt dịch vụ “mua trước, trả tiền sau” ở châu Âu hồi tháng 5 sau khi phục vụ khách hàng ở Australia, New Zealand và Mỹ. Dịch vụ ở châu Âu mang tên Clearpay có hơn 5 triệu người dùng.
Klarna cũng hướng tới đối tượng người dùng tuổi từ 20 đến 35 như Afterpay. Những người thuộc nhóm dân số trẻ này không có thẻ tín dụng và họ thích các dịch vụ ngân hàng khác.
Chuyên gia tài chính Lisa Ellis cho biết giới trẻ rõ ràng thích các dịch vụ cho vay phi truyền thống. Họ chỉ thích dùng thẻ tín dụng để mua những thứ giá trị lớn. Với họ, dịch vụ mà Klarna cung cấp có thể rất hấp dẫn vì nhiều lý do.
Người dùng Klarna tên là Lydia Shing nói: “Giảm giác như tôi không phải cam kết mua hàng thực sự và điều đó khiến tôi không phải lo lắng. Tôi có thể mua sắm nhiều hơn nếu cửa hàng đó dùng Klarna”.
Ông Luke Griffiths, Tổng giám đốc Klarna ở Anh nói: “Với khách hàng, chúng tôi trao cho họ cơ hội nhận hàng và đảm bảo là họ hài lòng với thứ đã mua, kích cỡ vừa vặn, nhận đúng sản phẩm mình muốn. Nếu họ muốn trả lại, họ có thể trả luôn mà không cần chờ hoàn lại tiền vào tài khoản”.
Ông Benjamin Voyer, nhà khoa học hành vi tại Trường Kinh tế London nói: “Thế hệ trẻ dường như dễ thích nghi, đưa ra quyết định luôn. Quy trình xin cấp thẻ ngân hàng có thể mất thời gian, đòi hỏi nhiều giấy tờ hoặc không thể thực hiện trên ứng dụng điện thoại. Chỉ cần đòi hỏi người dùng nhấp chuột nhiều lần là đủ để họ ngại thực hiện”.
Tuy nhiên, xu hướng “mua trước, trả tiền sau” gây lo ngại với một số người vì đây có thể bị coi là hình thức khuyến khích vay nợ.
Ông Richard Lane, giám đốc các vấn đề đối ngoại tại tổ chức từ thiện về nợ StepChange, nói: “Chúng tôi thực sự có một số lo ngại về cách tiếp thị các sản phẩm này. Chúng tôi cho rằng người tiêu dùng không nghĩ hoặc ý thức được là họ đang vay tín dụng”.
Dù vậy, Klarna cho biết chưa đầy 1% khách hàng không thể thanh toán được hóa đơn.