Theo đó, Ban cố vấn kỹ thuật của WHO sẽ tiến hành thảo luận vào ngày 30/4 tới về việc cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine của hãng Moderna và sẽ đưa ra quyết định từ 1 đến 4 ngày sau cuộc họp trên. Cho tới nay, WHO mới cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với vaccine của các hãng Pfizer, AstraZeneca và Johnson & Johnson (J&J).
Cùng ngày, người đứng đầu Cơ quan Dược phẩm và Thực phẩm Philippines Rolando Enrique Domingo thông báo hãng dược Moderna đã nộp đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 của hãng này tại Philippines. Theo thỏa thuận, Philippines sẽ bàn giao 194.000 liều vaccine cho Philippines vào tháng 5 và 1 triệu liều vào tháng 7. Philippines hiện đã cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với 6 loại vaccine ngừa COVID-19.
Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Indonesia, ông Budi Gunadi Sadikin, cho biết quốc gia này sẽ tiếp nhận ít nhất 3,8 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca (Anh) vào tối 26/4 nhằm đẩy nhanh chương trình tiêm chủng quốc gia hướng tới tạo khả năng miễn dịch cộng đồng.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Bộ trưởng Budi Gunadi Sadikin cho hay số vaccine trên do Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) cung cấp. Một lô vaccine của hãng AstraZeneca khác cũng sẽ được chuyển đến vào tháng 5 tới với khối lượng gấp đôi.
Ngoài ra, Bộ trưởng Budi tiết lộ rằng Indonesia cũng sắp nhận được thêm vaccine Sinovac. Tổng thống Joko Widodo đã thảo luận trực tuyến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ít nhất 10-15 triệu liều vaccine Sinovac sẽ được bàn giao cho Indonesia trong khoảng thời gian từ tháng 4 - tháng 5.
Bộ trưởng Budi mong muốn tái thúc đẩy chương trình tiêm chủng quốc gia khi số vaccine nói trên được chuyển giao cho Indonesia, đồng thời thừa nhận rằng trong tháng qua chương trình này đã bị ảnh hưởng do lượng dự trữ vaccine sắp cạn. Việc tiếp nhận các lô vaccine mới của AstraZeneca và Sinovac sẽ đủ dùng đến hết tháng 5 và giúp hoàn tất kế hoạch tiêm chủng giai đoạn hai trước ngày 17/8.
Trước đó hôm 8/3, Indonesia đã tiếp nhận lô vaccine thứ nhất của hãng AstraZeneca với tổng cộng 1,1 triệu liều từ GAVI. Với việc tiếp nhận lô vaccine thứ hai của AstraZeneca trong tối cùng ngày, Indonesia sẽ có tổng cộng 64,4 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó có 59,5 triệu liều vaccine Sinovac.
Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã yêu cầu người dân nước này không "chính trị hóa" vấn đề vaccine ngừa COVID-19 trong bối cảnh chính phủ nỗ lực đảm bảo đủ nguồn cung vaccine và cam kết chương trình tiêm chủng diễn ra đúng tiến độ.
Phát biểu trước phóng viên, Tổng thống Moon Jae-in cho rằng nhìn vào tình hình hiện nay, người dân có thể biết được liệu mục tiêu 3 triệu người được tiêm chủng đến cuối tháng 4 này hay 12 triệu người, thậm chí nhiều hơn, được tiêm phòng trong 6 tháng đầu năm có thực hiện được hay không. Ông yêu cầu người dân không nên chính trị hóa quá mức vấn đề vaccine vào thời điểm này và cho rằng sự quan ngại của người dân chủ yếu liên quan đến nguồn cung vaccine và tỷ lệ tiêm chủng.
Cho tới nay, chỉ khoảng 2,2 triệu người dân Hàn Quốc, chiếm 4,3% dân số, đã tiêm vaccine ngừa COVID-19. Nhiều ý kiến đã phàn nàn về tỷ lệ tiêm chủng thấp và bày tỏ quan ngại về mức độ an toàn của vaccine AstraZeneca. Hàn Quốc đặt mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 12 triệu người trong 6 tháng đầu năm nay nhằm đạt miễn dịch cộng đồng đến tháng 11 tới.
Chính phủ Hàn Quốc mới đây đã đạt thỏa thuận với hãng dược phẩm Pfizer mua thêm 40 triệu liều vaccine của công ty này, song không công bố chi tiết thời gian giao hàng. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng cân nhắc mua thêm vaccine của Nga để dự phòng.
Dự kiến, Tổng thống Moon Jae-in sẽ có buổi tiếp ông Stanley Erck, Giám đốc điều hành hãng dược Novavax của Mỹ tại Phủ Tổng thống vào ngày 27/4. Hai bên sẽ thảo luận về việc hợp tác sản xuất vaccine giữa Hàn Quốc và Novavax cũng như tạo thuận lợi cho việc sử dụng vaccine Novavax tại nước này.