Văn phòng WHO khu vực châu Phi nhấn mạnh mặc dù nguồn cung vaccine ngừa COVID-19 cho châu lục này đã tăng đáng kể. Thống kê cho thấy châu Phi đã tiếp nhận hơn 587 triệu liều vaccine ngừa COVID-19. Tuy nhiên, châu lục này vẫn gặp khó khăn trong việc mở rộng chương trình tiêm chủng, khi mới chỉ có 11% dân số tiêm đủ liều vaccine cơ bản.
Tháng 1/2022, đã có 96 triệu liều vaccine được vận chuyển đến châu Phi, tăng gấp đôi so với 6 tháng trước. Việc tăng nguồn cung giúp giảm tình trạng thiếu hụt, song đặt ra vấn đề phải nhanh chóng tăng cường triển khai tiêm vaccine.
Trong tuyên bố, Tiến sĩ Matshidiso Moeti, Giám đốc WHO khu vực châu Phi khẳng định: “Thế giới cuối cùng đã nghe thấy lời kêu gọi của chúng tôi. Châu Phi hiện đang tiếp cận các loại vaccine mà họ đã yêu cầu quá lâu". Theo bà, đây là "liều thuốc hy vọng cho năm nay". Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải có một chiến lược đáng tin cậy để có thể đưa lượng vaccine này ra khỏi kho và đến tay người dân.
Hiện WHO và các đối tác đang làm việc với các nước châu Phi để có thể nhanh chóng khắc phục những thách thức trong việc triển khai chương trình tiêm chủng, trong đó có việc hỗ trợ nhân viên y tế đẩy nhanh tốc độ cung cấp vaccine, cứu sống bệnh nhân và đẩy lùi đại dịch.
Thống kê cho thấy hiện có khoảng trung bình 6 triệu người tiêm vaccine ngừa COVID-19 mỗi tuần ở châu Phi và con số này cần tăng lên 36 triệu người để đạt được mục tiêu 70% đã được thống nhất trên toàn cầu. Hiện Mauritius và Seychelles đã đạt mục tiêu bao phủ vaccine 70% và 7 quốc gia châu Phi đã tiêm chủng cho 40% dân số, song tỷ lệ tiêm chủng tại "Lục địa Đen" vẫn ở mức thấp. Hiện có tới 21 nước có tỷ lệ tiêm đủ liều cơ bản dưới 10% dân số, 16 nước có tỷ lệ tiêm chủng dưới 5% và 3 nước có tỷ lệ tiêm chủng dưới 2%.
Các tổ chức quốc tế cho rằng tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở châu Phi thấp đòi hỏi các nước và các đối tác toàn cầu cần thiết lập lại chương trình hành động. Theo đó, WHO, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (IFRC) và các đối tác cần tăng cường nỗ lực nhằm vượt qua khó khăn, tăng cường điều phối và đẩy mạnh việc tiêm chủng. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ châu Phi nhằm đảm bảo việc tiêm vaccine được triển khai sớm nhất có thể trước khi vaccine hết hạn sử dụng.
Kể từ khi đại dịch bùng phát, châu Phi ghi nhận hơn 10,8 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 239.000 ca tử vong.