WHO chỉ trích các nước giàu 'thâu tóm' vaccine ngừa COVID-19

Những thỏa thuận trực tiếp giữa các nước giàu và các hãng dược phẩm bào chế vaccine ngừa COVID-19 đang làm suy yếu sáng kiến COVAX - chương trình phân phối vaccine do WHO khới xướng dành cho các nước nghèo bởi nguồn cung bị hạn chế.

Đây là cảnh báo được Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra ngày 22/2.

Chú thích ảnh
Vaccine phòng COVID-19 của công ty dược phẩm Johnson & Johnson. Ảnh: AFP/ TTXVN

Trong cuộc họp báo của WHO, Tổng Giám đốc Ghebreyesus khẳng định thách thức mà WHO gặp phải không chỉ là vấn đề tài chính mà hơn hết là nguồn cung vaccine. Ông nhấn mạnh hiện tại không có vaccine để mua và đây là hậu quả của tình trạng một số nước thu nhập cao đã ký hợp đồng riêng thu mua vaccine từ các hãng bào chế vaccine. Do đó, số lượng vaccine bổ sung cho COVAX giảm sút. 

Người đứng đầu WHO kêu gọi tất cả các nước, bao gồm các quốc gia có thu nhập cao, ngay lập tức chia sẻ nguồn vaccine, đồng thời hối thúc các nhà sản xuất ưu tiên hợp đồng cung cấp cho COVAX và tăng đáng kể năng suất vaccine. Ông nhấn mạnh việc chia sẻ vaccine không phải là vấn đề từ thiện, mà đây là vấn đề dịch tễ học, bởi dịch bệnh toàn cầu chỉ có thể chấm dứt khi dịch bệnh được triệt tiêu tại từng quốc gia trên thế giới. Điều này cần nỗ lực và hợp tác chung của tất cả các quốc gia. 

Theo số liệu báo cáo của WHO, đại dịch COVID-19 đến nay đã lây nhiễm cho hơn 110 triệu người và cướp đi sinh mạng của gần 2,5 triệu người, trong khi đẩy hàng triệu người vào tình cảnh mất kế sinh nhai, nhiều trường học phải đóng cửa, và khiến kinh tế thế giới chao đảo. 

Điều đáng mừng là số ca nhiễm mới ghi nhận theo tuần đã giảm trong 6 tuần liên tiếp và số ca tử vong do COVID-19 cũng đã giảm liên tiếp trong 3 tuần. Trong khi đó, việc phát triển và cấp phép lưu hành vaccine đang là tất cả hy vọng có thể kiểm soát dịch bệnh. Đến nay, có khoảng 200 triệu liều vaccine đã được tiêm chủng, trong đó phần lớn tập trung tại những nước giàu nhất thế giới. Ông Tedros tái khẳng định phân phối công bằng vaccine là ưu tiên hàng đầu của WHO và tổ chức này sẽ không ngừng nỗ lực cho đến khi đạt được mục đích. 

Trước đó, Hãng tin AFP tổng hợp nhiều nguồn tin cho biết tính đến 17h ngày 20/2 (theo giờ Việt Nam), đã có 201.042.149 liều vaccine được tiêm chủng tại ít nhất 107 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó G7 - nhóm các nước công nghiệp phát triển chỉ chiếm 10% dân số thế giới, lại chiếm tới 45% tổng số mũi tiêm.

* Theo phóng viên TTXVN tại châu Mỹ, ngày 22/2, Tổng thống Honduras, Juan Orlando Hernández, đã chỉ trích việc các quốc gia giàu tiếp cận tới 93% lượng vaccine ngừa COVID-19. Ông lên án việc các nước giàu đã không tôn trọng cam kết với cơ chế phân phối vaccine COVAX. 

Cùng ngày, Tổng thống Juan Orlando Hernández đã phê chuẩn một đạo luật được Quốc hội thông qua, ủy quyền cho Bộ Y tế và Viện An sinh xã hội Honduras (IHSS) đẩy nhanh việc mua trực tiếp vaccine ngừa COVID-19. Dự kiến, Honduras sẽ tiếp nhận lô vaccine đầu tiên theo cơ chế COVAX vào đầu tháng 3 tới. Honduras, quốc gia gần 10 triệu dân, đã ghi nhận trên 165.000 ca bệnh, trong đó có gần 4.000 ca tử vong.

Lan Phương - Việt Hùng  (TTXVN)
WHO sẽ điều tra về người đầu tiên mắc COVID-19, chợ hải sản tại Vũ Hán
WHO sẽ điều tra về người đầu tiên mắc COVID-19, chợ hải sản tại Vũ Hán

Theo nguồn tin thân cận từ nhóm điều tra Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cơ quan này sẽ đề xuất nghiên cứu sâu hơn về các manh mối ban đầu tại Vũ Hán trong bản báo cáo sơ bộ về nguồn gốc virus SARS-CoV-2.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN