WeWork nộp hồ sơ xin bảo hộ phá sản tại Mỹ

Ngày 6/11, WeWork, công ty khởi nghiệp được coi là biểu tượng gắn với sự thăng-trầm của lĩnh vực chia sẻ văn phòng làm việc toàn cầu- thông báo nộp hồ sơ xin bảo hộ phá sản tại Mỹ. 

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: MarketWatch

WeWork là dự án khởi nghiệp tham vọng hình thành mạng lưới chia sẻ văn phòng làm việc trên toàn cầu, có 60% cổ phần thuộc về Tập đoàn Công nghệ SoftBank (Nhật Bản). Khả năng sinh lời của WeWork hiện nay là dấu hỏi lớn khi công ty đang phải chật vật duy trì các văn phòng cho thuê đắt đỏ trong khi các khách hàng doanh nghiệp dần hủy hợp đồng vì xu hướng làm việc tại nhà vẫn kéo dài sau đại dịch COVID-19. Chi phí đi thuê các văn phòng đã chiếm tới 70% doanh thu của WeWork trong quý II/2023.  Theo hồ sơ xin phá sản, công ty báo cáo tài sản và nợ ước tính từ 10 tỷ tới 50 tỷ USD.

Động thái trên phần nào cho thấy sau những nỗ lực cứu vãn, SoftBank cuối cùng phải thừa nhận rằng quy trình xin phá sản là cách duy nhất giúp WeWork tiếp tục tồn tại thông qua việc định hình lại các hợp đồng cho thuê văn phòng đắt đỏ. Trước đó, trong một thư lưu ý gửi tới các chủ sở hữu tòa nhà văn phòng, Công ty luật Cadwalader, Wickersham & Taft  LPP đã nêu rõ rằng WeWork có thể dựa vào các điều khoản trong đạo luật phá sản của Mỹ để tránh được những hợp đồng cho thuê "khó nhằn". Điều này đồng nghĩa rằng một số chủ sở hữu tòa nhà văn phòng có thể sẽ chịu tác động đáng kể sau khi WeWork nộp hồ sơn xin bảo hộ phá sản.

Dưới sự dẫn dắt của nhà sáng lập Adam Neumann, WeWork đã phát triển thành công ty khởi nghiệp có giá trị nhất tại Mỹ, được định giá 47 tỷ USD. Công ty thu hút các nhà đầu tư lớn trong đó có SoftBank và công ty đầu tư mạo hiểm Benchmark, cũng như sự hậu thuẫn của một số ngân hàng lớn trên Phố Wall như JPMorgan Chase. Kế hoạch niêm yết của công ty đã không thể diễn ra đúng dự kiến vào năm 2019 khi nhà sáng lập Neumann bị truất quyền lãnh đạo do chiến lược kinh doanh đánh đổi lợi nhuận để theo đuổi tăng trưởng thần tốc không nhận được sự ủng hộ.

SoftBank đã buộc phải tăng gấp đôi đầu tư cho WeWork và đưa giám đốc kỳ cựu trong mảng bất động sản là Sandeep Mathrani lên làm CEO của WeWork. Đến năm 2021, SoftBank đã hủy thỏa thuận niêm yết WeWork khi quyết định sáp nhập với một công ty séc trắng (chỉ lập ra để mua lại các công ty khác) với giá trị 8 tỷ USD. WeWork đã chật vật điều chỉnh 590 hợp đồng cho thuê, tiết kiệm khoảng 12,7 tỷ USD trong các khoản thanh toán tiền thuê sau khi điều chỉnh nhưng cũng không thể bù đắp cho khoảng trống thu nhập do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khi các nhân viên văn phòng dần chuyển sang hình thức làm việc tại nhà.

Năm 2023, cựu giám đốc ngân hàng đầu tư David Tolley tiếp quản WeWork. Ông từng giúp Intelsat- công ty cung cấp vệ tinh truyền thông với khoản nợ khổng lồ- hồi sinh sau khi nộp hồ sơ xin phá sản vào năm 2022. WeWork đã bắt đầu tái cơ cấu nợ nhưng vẫn chưa đủ để tránh được việc phải nộp hồ sơ xin bảo hộ phá sản.

Lê Ánh (TTXVN)
Nhà sản xuất đồ thủy tinh Pyrex nộp đơn xin bảo hộ phá sản
Nhà sản xuất đồ thủy tinh Pyrex nộp đơn xin bảo hộ phá sản

Instant Brands, nhà sản xuất đồ thủy tinh Pyrex và nồi áp suất Instant Pot, của Mỹ đã nộp đơn xin phá sản, do lãi suất cao, các điều kiện tín dụng thắt chặt và nhu cầu tiêu dùng giảm gây gánh nặng nợ lớn. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN