Giữa vườn rau chân vịt trên sân của một trường học ở vùng hẻo lánh Campuchia, các em học sinh đang kiểm tra trình độ tính toán của mình thông qua việc cân đo phần nông sản thu hoạch.
Theo hãng tin AFP, hơn 1.000 trường học trên khắp Campuchia đang triển khai chương trình bữa sáng miễn phí do Chươn trình Lương thực Thế giới (WFP) hỗ trợ, với khoảng 50 khu vườn học tập được hình thành từ sự giúp đỡ của nhóm quyền toàn cầu Plan International.
Trước giờ học mỗi ngày, học sinh được phục vụ bữa sáng miễn phí gồm cơm và canh cá với rau trồng trong vườn.
Các trường học thuộc vùng sâu vùng xa ở tỉnh Siem Reap sử dụng mô hình vườn rau này để dạy học sinh các kỹ năng sống như trồng trọt và nấu ăn.
Seyha (12 tuổi) cho biết: “Em được học cách trồng rau, làm phân hữu cơ và xới đất”. Seyha cho biết thêm những kỹ năng này cũng giúp cô bé cải thiện bữa ăn của gia đình.
“Trong khu vườn này, chúng em cảm thấy hạnh phúc và học được kỹ năng quan trọng. Trở về nhà, em đã trồng được rau muống, dưa chuột, đậu và cà chua”, Vireak – một học sinh khác – chia sẻ.
Theo Long Tov - hiệu trưởng trường học ở Chroy Neang Nguon, chương trình vườn trường và bữa ăn miễn phí đã giúp cải thiện mức độ tập trung, trí nhớ và kết quả kiểm tra của học sinh. "Nó cũng làm giảm đáng kể tỷ lệ học sinh bỏ học”, ông nói với hãng tin AFP.
Trước khi đại dịch COVID-19 ập đến và tàn phá nền kinh tế, tình trạng suy dinh dưỡng và nghèo đói luôn đeo bám giới trẻ Campuchia. Tình trạng mất an ninh lương thực đã trở nên tồi tệ hơn kể từ khi thế giới đối mặt với tình trạng thiếu hụt và lạm phát tăng cao.
WFP cho biết giá các mặt hàng chủ lực địa phương đã tăng vọt trong năm qua, như trứng vịt tăng hơn 20% và dầu ăn tăng gần 40%.
Một người bán mì tự do, cô Chhon Puthy (31 tuổi) đã mất một nửa thu nhập do đại dịch và lo lắng cho sức khỏe của các con.
Bà mẹ hai con sinh sống tại làng Chroy Neang Nguon, cách Siem Reap khoảng hai giờ lái xe, cho biết: “Cha mẹ đôi khi phải giảm khẩu phần ăn để dành cho các con”.
Trong những tháng gần đây, gia đình chị trông cậy vào khu vườn và chương trình bữa sáng miễn phí tại trường học của con để giảm bớt sức ép tài chính.
"Người dân nơi đây phụ thuộc vào chương trình bữa ăn miễn phí tại trường vì mỗi sáng cha mẹ bận rộn với công việc đồng áng và không thể nấu ăn cho con cái", Chhon nói.
Theo một nghiên cứu do UNICEF thực hiện, tình trạng suy dinh dưỡng khiến nền kinh tế Campuchia thiệt hại hơn 400 triệu USD mỗi năm, chiếm khoảng 2,5% GDP. Trẻ em và trẻ sơ sinh không nhận đủ chất dinh dưỡng có thể có chỉ số thông minh thấp, mù lòa, tăng trưởng còi cọc và hệ miễn dịch kém.
Trong nhiều năm qua, nước này đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc giải quyết vấn đề như tình trạng suy dinh dưỡng mãn tính ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 32% năm 2014 xuống còn 22% nhưng vẫn xuất hiện lo ngại rằng lạm phát có thể làm trì trệ đà tiến này.
Văn phòng Dinh dưỡng Liên hợp quốc tại Campuchia cho biết: “Giá lương thực tăng cao có khả năng làm trầm trọng thêm tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em vốn đã cao, ngay khi quốc gia này bắt đầu có dấu hiệu phục hồi sau các tác động kinh tế của đại dịch”.