Theo trợ lý của ông Kamara, cựu quan chức này bị bắt vào rạng sáng 19/9 và được đưa tới một địa điểm không được tiết lộ. Một nhóm người đã tới nhà ông lục soát và mang đi nhiều vật dụng, trong đó có điện thoại của trợ lý của ông. Ông Kamara sau đó đã được thả vào chiều cùng ngày.
Trong một tuyên bố trên đài truyền hình, chính quyền quân sự ở Guinea, được biết đến với tên gọi Ủy ban Hòa giải và Phát triển quốc gia (CNRD), đã xác nhận việc bắt giữ ông Kamara, cáo buộc cựu quan chức này vi phạm cam kết trung lập đối với chính quyền quân sự.
Theo tuyên bố, sau vụ đảo chính, CNRD đã yêu cầu các quan chức chính phủ bị lật đổ "không có bất cứ hành động hay giao tiếp nào có thể phá vỡ yên bình xã hội". CNRD cáo buộc ông Kamara đã vi phạm cam kết này và cho biết thêm một vài vật dụng ở nhà riêng của ông có liên quan tới vi phạm này đã bị tịch thu.
CNRD đã cấm các bộ trưởng trong chính phủ bị lật đổ rời khỏi đất nước và yêu cầu họ giao nộp giấy thông hành và trả lại xe công.
Sau vụ đảo chính tại Guinea, ngày 16/9 vừa qua, các nhà lãnh đạo của Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) đã ra một tuyên bố chung kêu gọi quốc gia này tiến hành bầu cử trong vòng 6 tháng nhằm nhanh chóng trở lại chế độ điều hành dân sự.
ECOWAS cho biết sẽ áp đặt lệnh cấm đi lại đối với các thành viên của chính quyền quân sự ở Guine, cũng như đóng băng tài sản của lực lượng đảo chính. ECOWAS kêu gọi Liên minh châu Phi, Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu ủng hộ các biện pháp trừng phạt đối với lực lượng đảo chính.
Trước đó, ngày 14/9, chính quyền quân sự tại Guinea đã bắt đầu các cuộc đàm phán nhằm bầu ra các nhà lãnh đạo đất nước hướng tới chế độ dân sự. Chỉ huy lực lượng đảo chính, Trung tá Mamhady Doumbouya và các sĩ quan cầm quyền cũng đã gặp các nhà lãnh đạo chính trị, các nhà chức trách tôn giáo và các nhà hoạt động nhân quyền và dự kiến sẽ gặp các nhà ngoại giao nước ngoài, công đoàn viên. Ông Doumbouya cam kết thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc và sẽ đảm bảo quá trình chuyển tiếp, song không đưa ra thời gian biểu cụ thể khôi phục chính quyền dân sự.
Kể từ khi giành độc lập năm 1958, quốc gia Tây Phi với dân số 13 triệu người này đã trải qua 3 cuộc đảo chính.