Việt Nam ghi dấu ấn đậm nét trên cương vị Chủ tịch ASEAN trong phòng chống đại dịch COVID-19

Ngày 14/4, Hội nghị trực tuyến Cấp cao Đặc biệt Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về COVID-19 và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 đã diễn ra dưới sự chủ trì chủ Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020. Các hội nghị thành công tốt đẹp, được dư luận khu vực và quốc tế đánh giá cao.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 phát biểu khai mạc Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN về ứng phó dịch bệnh COVID-19. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Hai Hội nghị Cấp cao ASEAN thành công rực rỡ

Sau phát biểu khai mạc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo cấp cao các nước thành viên ASEAN đã phát biểu, thảo luận; thể hiện cam kết chính trị ở cấp cao nhất về đoàn kết và hợp tác trong khối, cũng như với các đối tác, khẳng định đây chính là sức mạnh giúp ASEAN chiến thắng đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19).

Các nhà lãnh đạo ASEAN khẳng định ưu tiên hàng đầu hiện nay đối với ASEAN là kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, nhất là lây nhiễm xuyên biên giới; đồng thời cho rằng ASEAN cần chú trọng triển khai các biện pháp giảm thiểu tác động kinh tế-xã hội do COVID-19 gây ra.

Kết thúc Hội nghị, các nhà lãnh đạo cấp cao đã thông qua Tuyên bố của Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN về ứng phó dịch bệnh COVID-19. Lãnh đạo nhiều nước không chỉ ghi nhận thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống COVID-19, mà còn đánh giá cao việc Việt Nam kịp thời hỗ trợ các nước kiểm soát dịch bệnh. 

Tuyên bố Chung khẳng định quyết tâm và cam kết, trên tinh thần một ASEAN “Gắn kết và chủ động thích ứng”, duy trì đoàn kết và cùng nhau hành động một cách quyết liệt nhằm kiểm soát sự lây lan, cũng như giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với đời sống của người dân, nền kinh tế và xã hội khu vực. Tuyên bố cũng kêu gọi đẩy mạnh một Cộng đồng ASEAN quan tâm và sẻ chia, nơi mà các quốc gia thành viên ASEAN hỗ trợ lẫn nhau trong giai đoạn khó khăn này.

Ngay sau thành công của Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN về ứng phó dịch COVID-19, chiều 14/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục chủ trì Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 (gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) bằng hình thức họp trực tuyến cùng về nội dung này.

Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN và các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc cam kết sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm, chính sách, liệu pháp điều trị, nghiên cứu dịch tễ và lâm sàng, hỗ trợ cung cấp trang thiết bị vật tư y tế, đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu sản xuất vắc-xin và thuốc điều trị COVID-19. Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh cần đặt lợi ích người dân lên hàng đầu, bảo đảm sức khỏe và sinh kế của nhân dân, hỗ trợ kịp thời và đối xử bình đẳng với công dân các nước ASEAN+3 bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trong đó có lao động di cư, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tình đoàn kết và tương trợ lẫn nhau giữa các quốc gia là chìa khóa thành công để các quốc gia vượt qua thời điểm khó khăn này. Thủ tướng Chính phủ cũng nêu các đề xuất thúc đẩy hợp tác ASEAN+3 trong ứng phó với dịch bệnh, duy trì ổn định và phát triển kinh tế.

Kết thúc Hội nghị, các nhà lãnh đạo đã ra Tuyên bố chung của Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN+3 về dịch bệnh COVID-19. Các đại biểu đánh giá cao Việt Nam đã tích cực, chủ động tổ chức thành công Hội nghị lần này, đóng góp thiết thực cho cuộc chiến chung chống đại dịch COVID-19 của khu vực và cộng đồng quốc tế.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 chủ trì Hội nghị Cấp cao đặc biệt trực tuyến ASEAN với các đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc (ASEAN+3) về ứng phó với dịch bệnh COVID-19. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Việt Nam thể hiện đậm nét cương vị Chủ tịch ASEAN

Đây là lần đầu tiên Hội nghị cấp cao ASEAN diễn ra dưới hình thức trực tuyến kể từ khi hiệp hội được thành lập vào năm 1967. Tổng Thư ký ASEAN, ông Dato Lim Jock Hoi, ngày 14/4 đánh giá Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN và Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN+3 về ứng phó với dịch bệnh COVID-19 là minh chứng cụ thể cho tình đoàn kết và tầm lãnh đạo của ASEAN, thể hiện qua việc hợp tác với ba nước đối tác láng giềng khu vực, đặc biệt là trong ứng phó với đại dịch COVID-19.

Theo Tổng Thư ký Dato Lim Jock Hoi, Việt Nam với tư cách là Chủ tịch ASEAN đã thể hiện “tầm lãnh đạo mạnh mẽ” trong việc dẫn dắt một phản ứng tập thể của khu vực trước đại dịch COVID-19. Ông đánh giá chủ đề “Xây dựng một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam rất phù hợp với tình hình mà khu vực đang trải qua. ASEAN đã đoàn kết và nhanh chóng ứng phó với đại dịch kể từ tháng 2 và thông qua hai Hội nghị cấp cao đặc biệt được tổ chức trong ngày 14/4.

Tổng Thư ký Jock Hoi cũng cho rằng phản ứng mạnh mẽ của ASEAN phần lớn nhờ có sự lãnh đạo của Việt Nam trong việc khuyến khích tiếp tục đối thoại và hợp tác trong khu vực. Việc tổ chức các Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 theo hình thức trực tuyến là một “thành tựu đúng nghĩa". Tổng Thư ký Jock Hoi khẳng định: "Việt Nam đã chỉ ra rằng chúng ta có thể vượt qua các thách thức của đại dịch COVID-19 nếu các nước trong khu vực hợp tác cùng nhau, đoàn kết và sự kiên cường".

Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu khẳng định Tokyo “đánh giá cao vai trò lãnh đạo của Việt Nam trong thời gian làm Chủ tịch ASEAN”, đặc biệt là việc xúc tiến hội nghị trực tuyến ASEAN+3. Chuyên gia Lăng Đức Quyền, nguyên Trưởng Đại diện Tân Hoa xã tại Việt Nam, đánh giá với tư cách là nước Chủ tịch luân phiên của ASEAN năm 2020, Việt Nam đã và đang đóng một vai trò quan trọng trong việc khởi xướng, tổ chức cũng như thúc đẩy các Hội nghị Cấp cao Đặc biệt đạt được kết quả tích cực. Chính phủ Trung Quốc cũng như cộng đồng quốc tế đều đánh giá cao điều này.

Từ Campuchia, chuyên gia Khieu Kola, thành viên Ban Giám đốc Câu lạc bộ Nhà báo Campuchia (CCJ) đồng thời là nhà bình luận quốc tế trên hai kênh truyền hình thời sự lớn của Campuchia là CNC và CTN, cũng đánh giá cao các nỗ lực và đóng góp của Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Nhà báo Khieu Kola cho rằng trong năm Việt Nam giữ chức Chủ tịch ASEAN 2020, Chính phủ Việt Nam đã hoạt động rất tích cực, nỗ lực hợp tác cùng toàn khối ASEAN, cộng đồng quốc tế và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong công tác phòng chống dịch COVID-19.

Theo ông Khieu Kola, dù còn đang gặp nhiều khó khăn trong công tác chống dịch ở trong nước, Việt Nam đã thể hiện đậm nét vai trò Chủ tịch ASEAN khi không quên nghĩa vụ cao cả hỗ trợ vật tư, trang thiết bị y tế cho hai nước láng giềng là Campuchia và Lào, trong khi cũng hỗ trợ các bộ xét nghiệm COVID-19 cho Indonesia. Ông tin tưởng Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN và Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN+3 sẽ đáp ứng được sự kỳ vọng của hơn 650 triệu công dân ASEAN.

Nhiều hãng thông tấn quốc tế, các tờ báo lớn trên thế giới đều đưa tin về hai Hội nghị Cấp cao Đặc biệt. Hãng thông tấn AFP của Pháp nêu rõ Việt Nam đã thể hiện đậm nét vai trò Chủ tịch ASEAN tại hai hội nghị này. Trong bản tin của mình, hãng tin AP (Mỹ) dẫn phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định “chính vào thời điểm u ám, khó khăn này đã bừng sáng lên tinh thần đoàn kết của Cộng đồng ASEAN về tinh thần tương thân, tương ái, cùng kề vai vượt qua khó khăn”.

Theo Tân Hoa Xã, dù cất lên tiếng nói tại mỗi địa điểm cách xa nhau, song các nhà lãnh đạo ASEAN và các nước đối tác đối thoại đã thể hiện quan điểm gần nhau hơn, mở rộng sự đồng nhất, vạch ra kế hoạch hành động hiệu quả hơn nhằm sớm khống chế đại dịch COVID-19.

Thanh Tuấn (Tổng hợp)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Mỗi thành viên ASEAN phải thực sự 'tư duy Cộng đồng, hành động Cộng đồng'
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Mỗi thành viên ASEAN phải thực sự 'tư duy Cộng đồng, hành động Cộng đồng'

Ngày 14/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, đã chủ trì Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 về ứng phó dịch bệnh COVID-19 theo hình thức trực tuyến.   

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN