Phát biểu trước Quốc hội ngày 27/5, Thủ tướng Loughman cho biết mực nước biển dâng cao và thời tiết cực đoan đã gây ảnh hưởng nặng nề tại Thái Bình Dương, theo đó ông nhấn mạnh hai cơn bão nhiệt đới nghiêm trọng và một đợt hạn hán khắc nghiệt trong thập kỷ qua. Ông Loughman cảnh báo "Trái Đất đã trở nên quá nóng bức và không an toàn”, đồng thời kêu gọi các quốc gia có trách nhiệm phối hợp hành động để ứng phó với quy mô và mức độ khẩn cấp của cuộc khủng hoảng khí hậu.
Trước đó, hàng chục quốc gia khác cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu, trong đó có Anh, Canada và Fiji - quốc gia láng giềng của Vanuatu ở Nam Thái Bình Dương.
Việc ban bố tình trạng khẩn cấp là một phần chiến lược "thúc đẩy ngoại giao khí hậu" của Vanuatu trước thềm cuộc bỏ phiếu của Liên hợp quốc về kiến nghị của chính phủ nước này hối thúc Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) hành động để bảo vệ các quốc gia dễ bị tổn thương trước tình trạng biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, Thủ tướng Vanuatu cho biết cần ít nhất 1,2 tỷ USD để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 đạt được cam kết của nước này đối với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Ông Loughman đã công bố một dự thảo kế hoạch hành động chủ yếu tập trung vào thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và khắc phục thiệt hại. Ông cho biết ngân sách ứng phó biến đổi khí hậu của nước này sẽ phải dựa vào các nguồn tài trợ của nước ngoài.