Vấn đề hạt nhân của Iran: Sai một ly... đi một khu vực

Báo cáo mới đây của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) - rằng Iran có thể đã nghiên cứu phát triển vũ khí hạt nhân - giống như “giọt nước tràn ly”, làm dấy lên những lời đe dọa tấn công nhằm vào Iran. Tuy nhiên, giải pháp này không những không giúp giải quyết hữu hiệu vấn đề, mà thậm chí còn có nguy cơ đẩy cả khu vực vào một vòng xoáy bạo lực không có hồi kết.

Khi dầu được đổ thêm vào lửa...

Vụ Oasinhtơn tuyên bố phá một âm mưu của Têhêran sát hại Đại sứ Arập Xêút tại Mỹ hôm 11/10 đã khiến quan hệ giữa Mỹ và Iran thêm căng thẳng, trong khi Ixraen đã nhân cơ hội này nhắc tới khả năng tấn công Iran. Chưa đầy một tháng sau, vào ngày 8/11, IAEA công bố báo cáo mới về vấn đề hạt nhân của Iran, trong đó khẳng định có thông tin "đáng tin cậy" rằng Têhêran có thể đã nghiên cứu phát triển vũ khí hạt nhân. Báo cáo này giống như đổ thêm dầu vào “chảo lửa” đang cháy ở Trung Đông, đẩy khu vực này đến bên bờ một cuộc khủng hoảng lớn.

Tòa nhà có chứa lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Bushehr của Iran. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tại sao như vậy? Một Iran có vũ khí hạt nhân sẽ là cơn ác mộng tồi tệ nhất của Ixraen – hiện là nước duy nhất trong khu vực sở hữu thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt này – bởi chỉ một vụ nổ hạt nhân cũng có thể xóa Ixraen khỏi bản đồ thế giới. Việc này cũng có thể làm thay đổi cán cân quân sự tại Trung Đông, đe dọa những giếng dầu tại Arập Xêút, Côoét, Irắc và Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE). Iran có thể tìm cách kiểm soát eo biển Hormuz, nơi 40% lượng dầu thương mại của thế giới được vận chuyển hàng ngày, đồng thời có thể đe dọa chuyển giao công nghệ hạt nhân cho các nhóm cực đoan và khủng bố. Cuối cùng, việc Iran sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân trong khu vực, cuộc đua mà Arập Xêút và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không chịu bỏ qua.

Trước những lo ngại trên, có tin đồn là một số quan chức Ixraen đã thảo kế hoạch cho một cuộc tấn công chặn trước Iran "ngay trong Lễ Giáng sinh này hoặc ngay đầu năm mới". Dù ngay sau đó, thông tin này đã bị Bộ trưởng Quốc phòng Ixraen Ehud Barack bác bỏ, nhưng không có gì đảm bảo rằng mọi chiến dịch quân sự nhằm vào Iran đã được loại trừ.

... Hậu quả sẽ khôn lường

Cách đây 30 năm, cuộc không kích của Ixraen năm 1981 nhằm phá hủy chương trình hạt nhân của Irắc đã làm biến đổi Trung Đông trong suốt hơn 25 năm sau đó. Nhưng một chiến dịch quân sự nhằm vào Iran ngày hôm nay sẽ gây ra những hậu quả còn nghiêm trọng hơn nhiều đối với toàn khu vực. Nếu bị tấn công, Iran có thể tấn công trả đũa vào quân Mỹ tại Irắc và Ápganixtan. Tên lửa đạn đạo Shahab-3 của Iran có tầm bắn tới Ixraen và có thể được sử dụng để tấn công các thành phố và nơi đặt lò phản ứng hạt nhân của Ixraen trong sa mạc Negev. Iran cũng có thể đóng cửa eo biển Hormuz và bắn tên lửa vào các giếng dầu của Arập Xêút. Việc Iran bị tấn công cũng có thể châm ngòi cho một làn sóng khủng bố bạo lực khắp thế giới. Sau những rối loạn ở Trung Đông – Bắc Phi từ đầu năm đến nay, thêm một cuộc khủng hoảng nữa sẽ đẩy khu vực cung cấp dầu mỏ chính cho nền kinh tế thế giới rơi vào một vòng xoáy bạo lực không có hồi kết, mà rốt cuộc chẳng ai được lợi.

Ngay cả Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cũng cảnh báo một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Iran có thể gây "tác động nghiêm trọng" tới toàn khu vực mà không giúp ngăn chặn chương trình hạt nhân của Têhêran. Các chuyên gia Mỹ cũng thừa nhận, nếu Mỹ tham gia cuộc tấn công này với Ixraen, họ cũng chỉ có thể lùi thời điểm Iran sở hữu vũ khí hạt nhân thêm khoảng 3 năm nữa. Như vậy, phương Tây không đạt được mục đích là ngăn chặn các chương trình hạt nhân của Iran mà họ liên tục cáo buộc là nhằm chế tạo bom dù không thể đưa ra các bằng chứng xác thực.

Bất khả thi

Dưới nhãn quan của nhiều nhà phân tích, một cuộc chiến mới tại Trung Đông vào thời điểm hiện nay dường như là một nhiệm vụ bất khả thi. Theo họ, lời đe dọa chiến tranh của Ixraen cùng báo cáo của IAEA phần nhiều nhằm mục tiêu tăng cường các biện pháp cấm vận đối với Iran, chứ không nhằm dọn đường cho một cuộc tấn công quân sự.

Ngoài những hệ lụy đã nêu trên, không thể bỏ qua các nguyên nhân khác. Thứ nhất, một cuộc tấn công Iran nhằm chấm dứt các chương trình hạt nhân của nước này sẽ khó đạt mục đích. Các cơ sở hạt nhân của Iran nằm rải rác khắp đất nước, một số được đặt ở những khu vực đông dân cư, số khác nằm sâu dưới lòng đất hoặc được bảo vệ kiên cố. Vì vậy, khó có thể phá hủy toàn bộ các cơ sở này chỉ trong một cuộc tấn công.
Hơn nữa, các địa điểm Iran lựa chọn đều là những vị trí được che giấu rất kỹ. Theo kế hoạch tấn công của Ixraen, các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân loại nhỏ sẽ được sử dụng để hủy diệt các cơ sở hạt nhân của Iran. Để đối phó với kế hoạch này, Iran đã xây dựng các lò phản ứng hạt nhân và máy li tâm làm giàu uranium bên trong các hang đá hoa cương chắc chắn. Với vỏ bọc kiên cố như vậy, cho dù Ixraen có sử dụng vũ khí hạt nhân để tấn công cũng khó có thể khẳng định liệu có thể phá hủy được các cơ sở hạt nhân này không.

Thứ hai, nhìn toàn diện hơn, bối cảnh chính trị trong khu vực năm 2011 đã khác trước nhiều. Tại Irắc, Mỹ đã rút gần hết quân đội. Trong khi đó, các cuộc biểu tình từ đầu năm đến nay đã và đang dẫn đến sự ra đi của nhiều nhà lãnh đạo lâu năm trong thế giới Arập, đẩy Ixraen vào thế yếu khi đối đầu với các chính quyền mới trong khu vực, đặc biệt là Ai Cập – một trong hai quốc gia Arập ký hiệp định hòa bình với Ixraen. Trong khi đó, nỗi lo sợ khủng hoảng kinh tế của châu Âu có thể sẽ làm thất bại những biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn của Mỹ chống lại Iran. Bởi lẽ nhiều biện pháp như kiềm chế xuất khẩu năng lượng của Iran, hay nhằm vào Ngân hàng trung ương của nước này đều có thể gây tổn hại nghiêm trọng tới nền kinh tế của chính châu Âu. Các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn, hay hành động quân sự chống lại Iran đều sẽ kéo theo những rủi ro về địa chính trị, đẩy việc giá dầu tăng cao hơn nữa. Một cú sốc dầu mỏ sẽ là điều tồi tệ nữa đối với các nhà hoạch định chính sách của EU giữa lúc họ đang phải đau đầu với cuộc khủng hoảng nợ công và tìm cách vực dậy sự tăng trưởng kinh tế rất ảm đạm của khu vực mình.

Vào năm 2003, Mỹ phát động chiến tranh tại Irắc với lý do nghi Baghdad sở hữu vũ khí hóa học, song không hề phát hiện được loại vũ khí này sau các vụ tấn công xé toạc đất nước của tấm thảm bay và những câu chuyện cổ tích. Hiện tại, nguy cơ chiến tranh lại rình rập, và lần này nhằm vào Iran, vì lý do nghi nước này đang nghiên cứu vũ khí hạt nhân! Nhưng một kịch bản Irắc không thể được phép tái diễn tại Iran. Bởi khu vực này đã quá bất ổn để có thể chịu đựng thêm một cuộc chiến tranh. Rõ ràng, đàm phán là cách duy nhất để giải quyết vấn đề hiện nay. Thay vì nghi ngờ và bác bỏ nhau, phương Tây cần có những bằng chứng thuyết phục để chứng minh các kết luận của mình, trong khi Iran cần chứng tỏ được bản chất hòa bình của chương trình hạt nhân mà họ đang theo đuổi. Chỉ có đối thoại mới giúp các bên hiểu nhau, xây dựng lòng tin, và tạo cơ hội cho hòa bình và tránh những đổ vỡ không thể cứu chữa.

Bạch Dương
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN