Ván bài định sẵn của nước Nga

Cuộc bầu cử Tổng thống Nga năm 2012 dường như đã có lời giải khi gương mặt chính (ứng cử) cho chiếc ghế nóng trong điện Kremli đã lộ diện. Gương mặt đó không phải ai xa lạ mà chính là người đã từng lãnh đạo Kremli cách đây 4 năm: Thủ tướng đương nhiệm Vladimir Putin. Sự trở lại của nhân vật được coi là quyền lực nhất nước Nga và ý tưởng đổi ngôi với Tổng thống đương nhiệm Dmitry Medvedev không thực sự gây bất ngờ cho nhiều người, song cũng phần nào tác dộng tới không khí chính trị nước Nga những ngày này.

Trong bài phát biểu trước khoảng 10.000 đại biểu tham dự Đại hội đảng cầm quyền Nước Nga Thống nhất (UR), Thủ tướng Putin đã có những lời cam kết làm nức lòng người dân Nga: “Tôi và Tổng thống Medvedev đã thỏa thuận với nhau về những điều cần làm cho nước Nga. Nhưng điều quan trọng không phải là ai sẽ làm gì, mà là làm như thế nào và đạt kết quả ra sao”. Tuyên bố đầy tự tin của ông Putin cùng sự hưởng ứng “vô tư” của ông Medvedev cho thấy con tàu chính trị nước Nga sẽ tiếp tục đi theo lộ trình vạch sẵn, như trước nay vẫn vậy, dưới sự chèo lái của cặp bài trùng Putin – Medvedev.

Sức mạnh của bộ đôi quyền lực...

Cách đây không lâu, nhiều nhà đầu tư đã tỏ ra lo ngại khi chứng kiến “mối quan hệ căng thẳng” giữa Putin và Medvedev. Không ít đồn đoán đã được đưa ra. Nào là Tổng thống Medvedev đang cố gắng thoát khỏi bóng ảnh hưởng của ông Putin để tìm kiếm một nhiệm kỳ tổng thống thứ hai. Nào là êkíp quyền lực của nước Nga sẽ xuất hiện gương mặt thứ ba do chính ông Medvedev đề xuất. Hay khả năng diễn ra cuộc tranh đua “một mất, một còn” giữa chính “hai thầy trò Putin - Medvedev”…

Ảnh: Internet

Nhưng mọi lời đồn đoán giờ đã thành quá vãng khi tại Đại hội lần thứ XII của UR hôm 24/9, Thủ tướng Putin đã chính thức tuyên bố sẽ ra tranh cử tổng thống trong cuộc bầu cử vào tháng 3/2012, đồng thời đề xuất một sự hoán đổi vị trí với Tổng thống Medvedev. Theo đó, ông Medvedev sẽ giữ cương vị Thủ tướng trong chính phủ mới. Về phần mình, ông Medvedev cũng đã chấp thuận đề xuất đứng đầu danh sách các ứng cử viên của UR trong cuộc bầu cử quốc hội diễn ra vào ngày 4/12/2011 nhằm giúp UR duy trì 2/3 số ghế tại Đuma quốc gia (Hạ viện) Nga.

Sở dĩ ông Putin công bố sẽ ra tranh cử vào thời điểm này là vì “bộ đôi quyền lực” của nước Nga đang chịu áp lực phải chấm dứt những lời đồn đoán từ nhiều tháng qua liên quan đến việc ai sẽ là ứng cử viên cho chiếc “ghế nóng”. Nếu mọi việc diễn ra theo đúng kịch bản, ông Putin có thể tại nhiệm trong 12 năm, vì từ năm sau một nhiệm kỳ tổng thống sẽ kéo dài 6 năm, thay vì 4 năm như hiện nay. Thậm chí có người còn tiên đoán bộ đôi sẽ tiếp tục chi phối chính trường Nga sau cuộc dàn xếp thứ 3 vào năm 2024 để đưa ông Medvedev (khi đó 57 tuổi) trở lại ghế Tổng thống sau khi ông Putin kết thúc hai nhiệm kỳ liên tiếp ở tuổi 72. Tuy nhiên, theo giới phân tích, dù là Putin hay Medvedev làm tổng thống thì đường lối chính trị của nước Nga dường như không hề thay đổi. Suy cho cùng, sau 4 năm lên thay ông Putin làm tổng thống từ năm 2008 đến nay, ông Medvedev vẫn chỉ được coi là “người giữ chỗ cho Putin” và kế tục những chính sách do ông Putin đưa ra trong hai nhiệm kỳ trước đó của mình (2000 - 2008).

Tất nhiên trong thời gian cầm quyền, ông Medvedev cũng đã ít nhiều tạo được dấu ấn riêng. Đó là việc ông đã kéo nước Nga xích lại gần hơn với Mỹ và phương Tây thông qua ký kết Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) mới và có cách tiếp cận mềm mỏng hơn trong vấn đề triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa NMD tới khu vực giáp giới Nga. Ông cũng có công trong việc thúc đẩy hiện đại hoá đất nước, mở rộng thị trường đầu tư và thực thi dân chủ xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình địa chính trị có nhiều thay đổi và kinh tế thế giới đang phục hồi chậm chạp, dấy lên những quan ngại về một cuộc suy thoái mới, điều mà nước Nga cần là phải đảm bảo vị thế trên trường quốc tế, khôi phục tăng trưởng kinh tế và ổn định trật tự xã hội. Đây lại chính là những thế mạnh của ông Putin.

... và tương lai của nước Nga

Tin tức về sự chuyển đổi vị trí chóp bu trong chính giới Nga đang tạo ra hai luồng ý kiến trái chiều: Ủng hộ từ bên trong và nghi ngại từ bên ngoài.

Đối với người dân Nga, hẳn nhiều người vẫn chưa quên hai nhiệm kỳ tổng thống đầy ấn tượng của ông Putin từ năm 2000 - 2008. Khi đó, với chủ trương phục hưng đất nước bằng nội lực, ông Putin đã biết dựa vào dầu mỏ để làm hồi sinh kinh tế Nga và duy trì tăng trưởng bình quân ở mức 7%/năm. Thu nhập của các hộ gia đình Nga, vì thế, cũng tăng lên rõ rệt. Nước Nga không những giành lại được sự tự tin trên trường quốc tế mà còn khôi phục trật tự xã hội sau thời kỳ dài hỗn loạn trong những năm 1990.

Nhưng thời kỳ hoàng kim của kinh tế Nga đã bị cơn sóng suy thoái kinh tế thế giới nhấn chìm cùng với sự lao dốc của giá dầu mỏ - nguồn thu chính cho ngân sách liên bang Nga. Năm 2009, cũng là năm đầu tiên cầm quyền của Tổng thống Medvedev, kinh tế Nga suy giảm mạnh và là năm tồi tệ nhất trong 15 năm trở lại đây. Sang năm 2011, tăng trưởng kinh tế Nga tuy có dấu hiệu cải thiện song dự đoán cũng chỉ đạt 4,2%, trong khi lạm phát ước tính có thể lên tới 7,5%. Trước sự mỏng đi của túi tiền và mối lo về trật tự xã hội sau các vụ đánh bom ga tàu điện ngầm ở Mátxcơva hồi năm ngoái, người dân Nga có vẻ lại muốn ông Putin ngồi vào ghế tổng thống. Theo nhiều cuộc thăm dò, tỷ lệ ủng hộ chính khách này tuy giảm xuống so với trước kia nhưng vẫn ở mức xấp xỉ 70%.

Trong khi đó, với các chính phủ phương Tây, việc ông Putin trở lại điện Kremli có thể sẽ làm phức tạp hơn quan hệ với nước Nga. Khác với ông Medvedev theo đường lối kỹ trị và muốn dựa vào sức mạnh Âu - Mỹ để hiện đại hóa đất nước, ông Putin là người ủng hộ chủ nghĩa dân tộc, rất thẳng thắn trong việc chỉ trích phương Tây và sẵn sàng bảo vệ quyết liệt các lợi ích quốc gia. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, là người lão luyện, từng trải trên chính trường, chắc chắn trong lần trở lại này, ông Putin sẽ có những bước đi mềm mỏng. Sự thay đổi đó không chỉ nhằm tiếp nối những thành quả đối ngoại mà ông Medvedev đã đạt được trong những năm qua, mà còn khuyến khích giới đầu tư rót vốn trở lại vào nền kinh tế trị giá 1.500 tỷ USD này. Là nhân vật quyền lực và ảnh hưởng nhất ở nước Nga, mục tiêu cuối cùng của ông Putin là đưa nền chính trị thoát khỏi trì trệ, đưa kinh tế phát triển và hội nhập sâu hơn thông qua việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới và ghi danh vào bảng vàng những nhà lãnh đạo tài ba của nước Nga.

Năm 2008, cử tri Nga đã đi bỏ phiếu nhưng không phải cho sự thay đổi (như cử tri Mỹ và phương Tây) mà là cho sự kế thừa, tiếp tục. Sau 4 năm, cử tri Nga sẽ vẫn lại bỏ phiếu cho sự kế thừa và tiếp tục ấy nhằm tiếp thêm sức mạnh cho một trung tâm quyền lực đã, đang và sẽ tiếp tục được hình thành xung quanh nhân vật quyền lực này.

Vũ Hà

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN