Theo tờ Kyiv Post của Ukraine ngày 28/8, trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine và dù không thể cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine do các hạn chế pháp lý cũng như lý do lịch sử, Tokyo đã nổi lên như một đối tác mạnh mẽ của Kiev thông qua viện trợ nhân đạo, kinh tế cho quốc gia Đông Âu này.
Viện trợ nhân đạo và kinh tế
Nhật Bản đã cung cấp nhiều nguồn lực thiết yếu cho Ukraine, bao gồm thực phẩm, hỗ trợ y tế, và các nhu yếu phẩm cần thiết khác nhằm giảm bớt tổn thất cho dân thường và hỗ trợ chính phủ Ukraine giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo. Ngoài việc hỗ trợ nhân đạo, Tokyo cũng đã mở rộng viện trợ kinh tế đáng kể cho Ukraine nhằm ổn định nền kinh tế bị xung đột tàn phá. Với khoản viện trợ tổng cộng hơn 12 tỷ USD từ tháng 3/2022, Nhật Bản đang góp phần vào khả năng phục hồi và duy trì nền kinh tế của Ukraine.
Nhật Bản cũng đã ký Hiệp định song phương về Hỗ trợ Ukraine và Hợp tác giữa hai nước, nêu rõ các định hướng chính của hỗ trợ trong các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, và phục hồi, tái thiết trong thời hạn 10 năm. Thỏa thuận này bao gồm chuyển giao thiết bị phi sát thương, cung cấp dịch vụ y tế cho binh lính Ukraine, tăng cường hợp tác tình báo, bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng, đảm bảo tự do hàng hải cùng an ninh của các tuyến đường biển.
Những nỗ lực của Nhật Bản trong tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Ukraine đã thể hiện qua việc hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh. Hai nước đã ký kết thỏa thuận an ninh đầu tiên giữa Ukraine và một quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quan hệ hợp tác quốc tế của Nhật Bản.
Có thể nói, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đóng vai trò quan trọng trong việc định hình chính sách của Nhật Bản đối với Ukraine. Quan điểm của ông Kishida phản ánh mối quan ngại rộng hơn về động lực an ninh toàn cầu. Ông coi cuộc xung đột Nga - Ukraine không phải là một sự kiện đơn lẻ, mà là một phần của một mô hình lớn hơn.
Mục tiêu của Nhật Bản
Sự hỗ trợ của Nhật Bản dành cho Ukraine không chỉ phản ánh các mối quan ngại về an ninh và nhân đạo mà còn là một phần của chiến lược địa chính trị rộng lớn hơn. Nhật Bản đang tích cực tìm kiếm quyền tự chủ lớn hơn từ Mỹ và muốn khẳng định độc lập hơn trong chính sách đối ngoại. Để đạt được điều này, Nhật Bản mở rộng các cam kết và trách nhiệm quốc tế, từ đó củng cố vị thế của mình như một cường quốc quốc tế quan trọng.
Trên cơ sở đó, Nhật Bản đã nới lỏng các quy tắc về xuất khẩu vũ khí, cung cấp các thiết bị quốc phòng như phương tiện quân sự, áo chống đạn và thiết bị bay không người lái cho Ukraine. Đây là một bước tiến đáng kể đối với Nhật Bản, xét đến các biện pháp kiểm soát xuất khẩu thiết bị quốc phòng nghiêm ngặt của nước này.
Phản ứng của Nhật Bản đối với cuộc xung đột ở Ukraine cũng nhấn mạnh sự phát triển của chiến lược an ninh quốc gia. Nhật Bản đang tăng cường năng lực phòng thủ, thúc đẩy hợp tác với các đồng minh truyền thống như Mỹ và mở rộng quan hệ đối tác với các quốc gia khác như Australia, Ấn Độ và NATO.