Vaccine COVID-19 của Trung Quốc đã có mặt ở đâu?

Các lô hàng vaccine COVID-19 mà Trung Quốc gửi ra nước ngoài là để chứng minh hiệu quả của nước này trong chống đại dịch COVID-19 và nâng cao uy tín của các công ty công nghệ sinh học trên thị trường toàn cầu.  

Chú thích ảnh
Các nhân viên bốc dỡ lô hàng vaccine Sinopharm của Trung Quốc tại sân bay Budapest, Hungary. Ảnh: AFP

Vào giữa năm 2020, có 5 loại vaccine đã được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III tại Trung Quốc: 2 loại của Sinopharm và một loại của Sinovac (được gọi là CoronaVac), CanSino Biologics và An Huy Zhifei Longcom. 

Các thử nghiệm vaccine Trung Quốc đã cho thấy hiệu quả khác nhau. Hiệu quả của CoronaVac, được thử nghiệm ở Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ lần lượt là 50% và 90%. Trong khi đó, Sinopharm đạt hiệu quả ở mức 70% và 86%, và CanSino: 65% và 90%.

Vào tháng 5/2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đảm bảo với Hội đồng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) rằng Bắc Kinh sẽ biến vaccine trở thành “hàng hóa công cộng toàn cầu”. Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ hỗ trợ sản phẩm miễn phí cho 53 quốc gia (như Ai Cập hoặc Montenegro) và bán cho 23 quốc gia. 

Trung Quốc cũng đang cung cấp các khoản vay để mua vaccine, chẳng hạn như 1 tỷ USD cho các nước Mỹ Latinh vào tháng 6/2020. Tổng cộng, Trung Quốc dự kiến sẽ bán tới 530 triệu liều. 

Đến ngày 15/2, hơn 45 triệu vaccine đã được chuyển ra nước ngoài. Một trong những điều kiện mua là sử dụng vaccine để thử nghiệm. Điều kiện này áp dụng đối với Brazil, Nga, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Mexico, Serbia và một số nước khác. 

Chú thích ảnh
Serbia nhận 1 triệu liều vaccine Sinopharm của Trung Quốc tại sân bay Nikola Tesla ở Belgrade ngày 16/1/2021. Ảnh: Reuters

Việc bán sản phẩm cho các quốc gia này cho phép các công ty Trung Quốc mở rộng các nhóm thử nghiệm do có rất ít bệnh nhân lây nhiễm mới ở Trung Quốc. 

Nước này đang thực hiện các hợp đồng cung cấp vaccine (chủ yếu là Sinopharm) ở châu Âu (gồm Serbia và Belarus), Trung Đông (UAE, Bahrain), Nam Mỹ (Brazil, Peru), châu Á (Campuchia, Indonesia) và châu Phi (Maroc, Senegal). 

Các phương tiện truyền thông Trung Quốc cũng nhấn mạnh việc các nhà lãnh đạo nước ngoài công khai tiêm vaccine Trung Quốc (ví dụ tổng thống Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ) là bằng chứng về việc chấp nhận vaccine của nước này. 

Hợp tác trong lĩnh vực y tế, bao gồm cả việc cung cấp vaccine của Trung Quốc, cũng là chủ đề của cuộc họp thượng đỉnh gần đây giữa các nhà lãnh đạo của sáng kiến “17 + 1” (gồm Trung Quốc và 17 nước khu vực Trung, Đông Âu).  

Tại châu Âu, các nhà sản xuất vaccine Trung Quốc có thể sớm nộp đơn xin chứng nhận sản phẩm ở EU. Do các vấn đề của EU trong việc cung cấp vaccine của châu Âu và Mỹ, các nhà chức trách Đức và Ba Lan đã công khai đề cập đến khả năng có thể sử dụng các sản phẩm của Trung Quốc. 

Cho đến nay, chỉ có một quốc gia thành viên EU là Hungary mua vaccine của Trung Quốc (một trong những sản phẩm của Sinopharm). Séc cũng tuyên bố mua vaccine của Trung Quốc nhưng đang “sa lầy” vào một cuộc tranh cãi chính trị. 

Theo chuyên gia phân tích Marcin Przychodniak tại Viện Vấn đề Quốc tế Ba Lan, việc sử dụng vaccine COVID-19 trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc khác với “chính sách ngoại giao khẩu trang” năm 2020. 

Việc sử dụng rộng rãi vaccine của Trung Quốc cũng sẽ cải thiện hình ảnh của ngành công nghệ sinh học của nước này và có thể tăng thị phần trên thị trường toàn cầu. 

Công Thuận (P/v TTXVN tại Séc)
Tranh cãi việc Trung Quốc chỉ cấp thị thực cho người tiêm vaccine 'made in China'
Tranh cãi việc Trung Quốc chỉ cấp thị thực cho người tiêm vaccine 'made in China'

Trung Quốc đang tiếp tục xử lý thị thực cho người nước ngoài từ hàng chục quốc gia, nhưng chỉ khi họ đã được tiêm phòng bằng loại vaccine COVID-19 do nước này sản xuất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN