Trên mạng xã hội X, Ngoại trưởng Sybiha kêu gọi các quốc gia đối tác (những nước chưa tham gia vào sáng kiến của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky) chọn một khu vực, địa phương cụ thể của nước này để bảo trợ, đóng góp vào sự thay đổi của Ukraine.
Ông Sybiha nhấn mạnh sự bảo trợ của các quốc gia đối tác đối với các thành phố, khu vực của Ukraine đóng vai trò quan trọng trong việc tái thiết, thúc đẩy đầu tư và phát triển kinh doanh tại quốc gia Đông Âu này, đồng thời tạo điều kiện cho các quốc gia đối tác hỗ trợ trực tiếp cho người dân và đem đến tác động lâu dài.
Ông Sybiha nêu rõ đến nay đã có 5 nước, bao gồm: Estonia, Latvia, Litva, Đan Mạch và Italy tham gia vào sáng kiến của Ukraine.
Trong diễn biến khác, tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Slovakia Robert Fico, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal khẳng định Kiev sẽ không gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt của Nga, vốn dự kiến hết hạn vào cuối năm nay.
Trước đó, Tổng thống Zelensky đã khẳng định lập trường trên, trong khi cựu Ngoại trưởng Dmitry Kuleba nhấn mạnh Kiev sẽ không đề nghị Moskva gia hạn hợp đồng.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), việc ngừng hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt của Nga sang châu Âu qua Ukraine sẽ gây ảnh hưởng đáng kể đến khu vực, đặc biệt là một số quốc gia ở Trung và Đông Âu.
Trong khi đó, một số chuyên gia tin rằng việc này sẽ không tạo ra mối đe dọa ngay lập tức đối với nguồn cung của Áo, Hungary và Slovakia do các quốc gia này đã lưu trữ đầy đủ, có khả năng liên kết hệ thống đường ống dẫn khí đốt và tiếp cận gián tiếp các đường ống dẫn khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) toàn cầu thông qua các trạm tiếp nhận ở Đức và Italy. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, EU vẫn có thể tiếp tục mua khí đốt từ Nga thông qua đấu giá công suất và di chuyển điểm giao khí đốt.