Kiev phản ứng khi Thụy Sĩ ủng hộ kế hoạch hòa bình do Trung Quốc-Brazil đặt ra cho Ukraine

Thụy Sĩ vừa qua đã lên tiếng ủng hộ lộ trình chung do Trung Quốc và Brazil đặt ra nhằm chấm dứt xung đột Ukraine. Tuy nhiên, quyết định đánh dấu sự thay đổi lập trường này đã khiến các quan chức Ukraine tỏ ra thất vọng.

Chú thích ảnh
Quân nhân Ukraine tại lễ chuyển giao các thiết bị quân sự và vũ khí hạng nặng tại Kiev. Ảnh tư liệu: TTXVN

Theo kênh truyền hình RT, ngày 27/9, tại cuộc cuộc họp gồm 17 quốc gia bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc, Trung Quốc và Brazil đã thúc đẩy một nỗ lực hòa giải nhằm chấm dứt cuộc chiến đang xảy ra tại Ukraine. Trước đó, vào tháng 5, hai quốc gia này cũng đã trình bày một đề xuất chung kêu gọi Moskva và Kiev giảm leo thang, tiến tới đàm phán và một hội nghị hòa bình quốc tế được cả Nga và Ukraine công nhận.

Thụy Sĩ là một trong những quốc gia tham dự cuộc họp với tư cách là bên quan sát. Sau cuộc họp, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nicolas Bideau nói với hãng tin Reuters rằng Bern "ủng hộ động thái này".

Ông cho biết Thụy Sĩ coi việc tham chiếu đến Hiến chương Liên hợp quốc được thêm vào kế hoạch là một bước ngoặt. “Điều này đã dẫn tới một sự thay đổi đáng kể trong quan điểm của chúng tôi về những sáng kiến ​​hoà bình”, ông Bideau cho biết, đồng thời nói thêm rằng Thuỵ Sĩ cũng đang quan tâm tới một nỗ lực ngoại giao do Trung Quốc-Brazil tổ chức.

Về phần mình, Bộ Ngoại giao Ukraine đã chỉ trích những tuyên bố mới của Thụy Sĩ. Bộ này nêu rõ bất kỳ sáng kiến ​​nào không đảm bảo khôi phục hoàn toàn sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine đều không thể chấp nhận được và phủ nhận rằng sáng kiến ​​này có tham chiếu rõ ràng đến Hiến chương Liên hợp quốc.

“Chúng tôi không thể hiểu được tính logic trong một quyết định như vậy. Sau tất cả, chúng tôi, cùng với Thụy Sĩ, đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu đầu tiên vào ngày 15-16/6 tại Burgenstock”, Bộ Ngoại giao Ukraine tuyên bố.

Bộ trên cũng nhấn mạnh họ coi “công thức hòa bình” mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky - trong đó có nội dung kêu gọi rút quân Nga khỏi lãnh thổ mà Ukraine tuyên bố chủ quyền - là con đường khả thi duy nhất dẫn đến hòa bình. Đối với kế hoạch hoà bình này, Moskva đã nhiều lần bác bỏ vì cho rằng nó xa rời thực tế. Trong khi đó, Nga cũng tự đề xuất các điều kiện để mở lại đàm phán với Ukraine, bao gồm yêu cầu Ukraine rút quân khỏi Donbass và cam kết duy trì tình trạng trung lập.

Hội nghị thượng đỉnh do Thụy Sĩ tổ chức hồi tháng 6 xoay quanh một số điểm khác trong công thức của Kiev, bao gồm an ninh hạt nhân, lương thực và và trao đổi tù nhân. Nga không được mời tham dự hội nghị lần đó.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo RT)
Tổng thống Brazil nhắc lại đề xuất kế hoạch đàm phán giữa Nga và Ukraine
Tổng thống Brazil nhắc lại đề xuất kế hoạch đàm phán giữa Nga và Ukraine

Ngày 24/9, Tổng thống Brazil Lula da Silva cho biết nước này và Trung Quốc đã đề xuất kế hoạch 6 điểm nhằm thúc đẩy đàm phán giữa Nga và Ukraine để chấm dứt xung đột.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN