Nếu Ukraine muốn khắc phục các vấn đề về bãi mìn nguy hiểm, thì họ cần bắt đầu nghiêm túc về các giải pháp rà phá bom mìn, một tướng quân đội đã nghỉ hưu nói với tờ New York Times.
Tuần trước, tờ Washington Post đưa tin rằng các bãi mìn rộng lớn của Nga đã làm suy yếu chiến lược phản công của Ukraine, buộc quân đội phải từ bỏ xe tăng và xe chiến đấu bộ binh do các chính phủ phương Tây cung cấp để tiến lên trên đôi chân người lính. Điều này đã khiến quân đội di chuyển với tốc độ chậm hơn, gây tổn thất sinh mạng và tinh thần trong quá trình này.
"Bạn không thể làm bất cứ điều gì chỉ với một chiếc xe tăng với vài lớp giáp vì bãi mìn quá sâu, và sớm hay muộn, nó sẽ dừng lại, và sau đó nó sẽ bị tiêu diệt bởi hỏa lực tập trung", Tổng tư lệnh quân đội Ukraine, Tướng Valery Zaluzhny nói với các phóng viên tờ Washington Post.
Mick Ryan, một thiếu tướng quân đội Australia đã nghỉ hưu và là thành viên của Viện Lowy (Viện nghiên cứu chính sách đối ngoại hàng đầu của Australia), nói với tờ New York Times rằng công nghệ rà phá bom mìn trong chiến tranh quân sự không tiên tiến như những gì Ukraine cần để vượt qua hàng phòng thủ dày đặc của Nga.
Ukraine sử dụng các hệ thống phá mìn M58 Mine Clearing Line Charge (MICLIC) do Mỹ cung cấp, mà Tướng Zaluzhny nói với tờ Washington Post rằng chúng "cũng đang bị phá hủy".
Tướng Ryan gợi ý rằng Ukraine nên tự mình giải quyết nguyên nhân và chế tạo vũ khí tiên tiến hơn để hỗ trợ họ trong nỗ lực giành lại các vùng lãnh thổ.
"Ukraine cần một Dự án Manhattan để rà phá bom mìn", ông Ryan nói với New York Times, đề cập đến dự án tuyệt mật của Mỹ chế tạo quả bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới trong Thế chiến 2.
Ngoài các bãi mìn, cuộc tấn công kéo dài hai tháng nhằm giành lại các vùng lãnh thổ mà Nga đang kiểm soát đã trở thành một thách thức đáng kể đối với quân đội Ukraine khi họ phải đối phó với các tuyến phòng thủ kiên cố. Các báo cáo cho biết Ukraine đã chuyển chiến thuật chiến đấu, sang trọng tâm là pháo kích thay vì tấn công bộ binh qua phòng tuyến.
Theo tờ New York Times, sau nỗ lực phản công chật vật theo chiến thuật mà phương Tây huấn luyện, sử dụng phương pháp vũ trang phối hợp để vượt qua hàng rào phòng thủ Nga, quân đội Ukraine đang phải thay đổi chiến thuật. Các chỉ huy quân đội Ukraine chuyển sang tập trung vào việc hạ gục lực lượng Nga bằng pháo binh và tên lửa tầm xa thay vì lao vào các bãi mìn dưới làn đạn.
Các quan chức chính quyền Mỹ đã hy vọng 9 lữ đoàn do phương Tây đào tạo, khoảng 36.000 quân, sẽ cho thấy chiến thuật chiến tranh của Mỹ vượt trội hơn so với cách tiếp cận của Nga. Trong khi người Nga có cơ cấu chỉ huy tập trung cứng nhắc, thì người Mỹ đã dạy người Ukraine trao quyền cho các sĩ quan đưa ra quyết định nhanh chóng trên chiến trường và triển khai các chiến thuật vũ trang phối hợp - các cuộc tấn công đồng bộ của lực lượng bộ binh, thiết giáp và pháo binh. Giới chức phương Tây ủng hộ cách tiếp cận đó hơn so với chiến lược tốn kém là tiêu hao lực lượng Nga, vốn có nguy cơ làm cạn kiệt kho vũ khí của Ukraine.
Quyết định thay đổi chiến thuật của Ukraine là một tín hiệu rõ ràng cho thấy hy vọng của NATO về những bước tiến lớn do các đội quân Ukraine được trang bị vũ khí mới, huấn luyện mới đã không thành hiện thực, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại.