Tuổi thọ trung bình của người Mỹ đã giảm đáng kể từ năm 2019 đến năm 2021 – theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) công bố ngày 31/8. Đây là mức giảm trong hai năm đầu tiên được ghi nhận kể từ năm 1961-1963.
Trong hai năm qua, tuổi thọ trung bình của người Mỹ đã giảm 2,7 năm, xuống mức 76,1 tuổi – bằng với năm 1996. Theo CDC, yếu tố chính làm giảm tuổi thọ là đại dịch COVID-19 đã dẫn đến cái chết của hơn một triệu người Mỹ.
“Thương tích không chủ ý” - một danh mục bao gồm sử dụng quá liều và các thủ thuật sai khác liên quan đến ma túy - cũng như bệnh tim cũng là những yếu tố chính góp phần vào sự suy giảm tuổi thọ trung bình của người Mỹ. Trước đại dịch COVID-19, bệnh tim từ lâu đã là nguyên nhân gây tử vong được ghi nhận hàng đầu ở Mỹ, trong khi “đại dịch” thuốc gây nghiện đã dẫn đến số ca sử dụng quá liều kỷ lục trong vài năm.
Báo cáo của CDC được phân loại theo chủng tộc cho thấy một xu hướng đáng báo động hơn. Người Mỹ bản địa đã giảm tuổi thọ 6,6 năm từ năm 2019 đến năm 2021, so với khoảng 4 năm đối với người da đen và gốc Tây Ban Nha và 2,4 năm đối với người da trắng. Gánh nặng giảm thọ đổ lên nam giới, với tuổi thọ trung bình giảm xuống còn 73,2 tuổi, trong khi nữ giới có tuổi thọ cao hơn, với 79,1 năm.
Báo cáo cho thấy hầu hết sự suy giảm tuổi thọ diễn ra trong năm đầu tiên của đại dịch xảy ra đối với người không da trắng, trong khi người Mỹ da trắng chịu thiệt hại nặng nề nhất trong năm thứ hai.
Các nghiên cứu tương tự đã phát hiện ra rằng COVID-19 làm trầm trọng thêm khoảng cách về tuổi thọ giữa Mỹ, quốc gia có dịch vụ chăm sóc sức khỏe đắt đỏ nhất thế giới và các quốc gia phát triển khác. Người Mỹ hiện có thể sống ít hơn 5 năm so với người dân các nước phát triển ở châu Âu.
Các nhà nghiên cứu về sự suy giảm tuổi thọ đã đổ lỗi cho tỷ lệ cao người mắc các vấn đề sức khỏe tồn tại từ trước đại dịch như béo phì và bệnh tim là nguyên nhân dẫn đến thiệt hại quá lớn của Mỹ trong dịch COVID-19 so với 19 nước dẫn đầu về kinh tế.