Trao đổi với tờ Financial Times (FT), ông McKenzie cho biết Mỹ có nhiều lựa chọn quân sự “rất mạnh mẽ” nhằm kiềm chế Iran trong bối cảnh Tehran gần đây đẩy mạnh chương trình hạt nhân, phát triển kho tên lửa đạn đạo.
Với cảnh báo “gần hết thời gian” cho nỗ lực làm sống lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015 ký giữa Iran với nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức), chính quyền Tổng thống Joe Biden đang gây sức ép nhằm vào Tehran, bóng gió đề cập đến đòn đáp trả quân sự kết hợp với siết thực thi trừng phạt.
“Tôi nghĩ Iran đánh giá sai lầm nghiêm trọng về Mỹ nếu tin rằng vẫn tiếp tục tấn công, gây thương vong cho binh sĩ Mỹ đồn trú ở Iraq, Syria đồng thời vẫn mở các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ như không có chuyện gì xảy ra”, tướng McKenzie bày tỏ quan điểm trong buổi trả lời phỏng vấn tờ FT.
Theo Tư lệnh CENTCOM, Mỹ vẫn luôn bảo lưu sức mạnh đáp trả rất nhanh chóng nếu thấy cần thiết. Luận điểm này được nêu ra khi các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Washington và Tehran được nối lại ở Vienna ngày 9/12 thông qua vai trò trung gian của Liên minh châu Âu (EU). Mỹ và đồng minh phương Tây gần đây không hài lòng trước việc Tehran thiếu thiện chí ngoại giao nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân.
Một nguồn thạo tin ẩn danh cho biết theo chỉ đạo của Tổng thống Biden, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã nhận được báo cáo của lãnh đạo Lầu Năm Góc hồi tháng 10 vừa qua, đề cập đến một loạt giải pháp quân sự hiện hữu nhằm ngăn không để Iran sở hữu vũ khí hạt nhân.
Trong một dấu hiệu gia tăng sức ép nhằm vào Iran, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ cử một phái đoàn tới Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) trong tuần tới để cảnh báo giới ngân hàng, doanh nghiệp của nước này không vi phạm các lệnh trừng phạt hiện hữu chống Tehran. Một quan chức cấp cao Nhà Trắng tiết lộ rằng phái đoàn Mỹ cũng sẽ sớm thăm Nhật Bản, Hàn Quốc để thúc đẩy tuân thủ cấm vận Iran.
Là một đồng minh quan trọng của Mỹ, UAE cũng là một trung tâm thương mại, tài chính lớn ở khu vực, nơi có nhiều doanh nghiệp Iran hoạt động. Trong vài tháng gần đây, UAE tìm cách cải thiện quan hệ với Iran. Cố vấn An ninh Quốc gia UAE Tahnoon bin Zayed Al Nahyan trong tuần này đã có chuyến đi tới Tehran, chuyến thăm Iran đầu tiên của một quan chức cấp cao UAE trong gần một thập kỉ qua.
Theo tướng McKenzie, can dự ngoại giao hiện vẫn là giải pháp đầu tiên và tốt nhất để xử lý chương trình hạt nhân, quân sự của Iran liên quan đến phát triển tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và thiết bị bay không người lái vũ trang. Dự kiến và ý định của Mỹ vẫn là để ngoại giao đảm nhận vai trò dẫn dắt. Đó là con đường tốt nhất cho tất cả các bên và Iran cần nhận ra điều đó – ông McKenzie nêu quan điểm.
Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, được gọi với bằng tên chính thức là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA). Washington sau đó triển khai một loạt các biện pháp trừng phạt trong tổng thể chiến lược gây sức ép tối đa chống Iran. Đáp trả, Tehran đẩy nhanh nỗ lực hạt nhân và hiện đạt ngưỡng làm giàu urani cao nhất từ trước đến nay.
Ông Biden sau khi lên nhậm chức cam kết Mỹ sẽ trở lại JCPOA, dỡ bỏ nhiều lệnh trừng phạt nhằm vào Iran nếu Tehran đồng ý quay trở lại tuân thủ triệt để thỏa thuận. Nhưng ông cũng cảnh báo Iran không bao giờ được phép sở hữu vũ khí hạt nhân.
Quan chức cấp cao giấu tên cho biết nếu nỗ lực ngoại giao không giúp đưa tiến trình đàm phán trở lại đúng quỹ đạo và Iran tiếp tục đẩy nhanh chương trình hạt nhân, Mỹ sẽ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc bổ sung biện pháp trừng phạt, siết chặt nguồn thu từ dầu thô và các ngành chế tạo của Iran.
Tướng McKenzie coi Iran là mối đe dọa lớn nhất đối với Mỹ và đồng minh tại khu vực. Ông khẳng định việc gia tăng hoạt động của bay ném bom chiến lược do không quân Mỹ triển khai gần đây kết hợp với tiêm kích của Saudi Arabia, Israel, Bahrain và Ai Cập là nhằm gửi thông điệp cảnh báo tới Tehran, đồng thời trấn an bạn bè, đồng minh của Mỹ tại Trung Đông.
Tiến trình đàm phán tại Vienna được dự báo sẽ gặp trở ngại lớn, do Mỹ và Iran chưa thu hẹp được khoảng cách bất đồng. Iran nêu yêu sách Mỹ từ nay về sau - dù dưới bất kỳ chính quyền nào, cũng không được quyền tự ý đơn phương từ bỏ thỏa thuận như cách mà ông Trump từng làm. Iran đòi Mỹ dỡ bỏ mọi lệnh trừng phạt, không chỉ giới hạn trong các lệnh được dựng lên từ thời Tổng thống Trump và chỉ khi đó Tehran mới xem xét ngưng triển khai chương trình hạt nhân.