Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, trao đổi với báo giới, ông Sobyanin nhấm mạnh: “Người dân Moskva có trách nhiệm tuân thủ các khuyến nghị và các hạn chế theo yêu cầu (vẫn còn được áp dụng)”. Từ ngày 16/6, chính quyền thành phố cho phép mở lại các quán ăn, tiệm cà phê ngoài trời và phòng khám nha khoa, mở cửa các bảo tàng, thư viện, phòng triển lãm và vườn bách thú.
Theo Thị trưởng Sobyanin, chính quyền thành phố có kế hoạch từ ngày 23/6 bãi bỏ các hạn chế khi sử dụng các cơ sở hạ tầng công cộng, cũng như mở lại các trường mẫu giáo và trung tâm thể thao, vận chuyển và đi lại dọc sông Moskva. Ông nhấn mạnh điều này đồng nghĩa trẻ em có thể ra sân chơi, người dân có thể sử dụng các máy tập thể dục ngoài phố.
Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Mikhail Mishustin đánh giá số ca nhiễm mới COVID-19 mới ở thủ đô Moskva đang ở mức trung bình và chỉ tăng 1% mỗi ngày. Moskva là tâm điểm đại dịch COVID-19 ở LB Nga. Tính đến sáng 8/6, thủ đô nước Nga ghi nhận 2.001 ca nhiễm mới, nâng tổng số người nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 tại Moskva lên 197.018 người.
Trong vòng 24 giờ qua, tại Moskva có thêm 51 ca tử vong, nâng tổng số người tử vong lên 2.970 người, và có thêm 1.633 bệnh nhân bình phục, nâng tổng số người khỏi bệnh được xuất viện lên 104.347 người.
Nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch COVID-19, nhiều quốc gia châu Âu đã áp đặt lệnh phong tỏa trên quy mô lớn, theo đó các loại hình kinh doanh hay trường học đều buộc phải đóng cửa. Một nghiên cứu do các nhà khoa học thuộc Đại học Hoàng gia London công bố cùng ngày cho thấy biện pháp phong tỏa đã giúp giảm tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 ở châu Âu, đủ để kiểm soát đà lây lan của dịch bệnh nguy hiểm này và có thể đã ngăn chặn hơn 3 triệu người tử vong trong khu vực.
Trong một nghiên cứu về tác động của các lệnh phong tỏa tại 11 quốc gia được công bố trên Tạp chí Nature, các nhà khoa học cho biết các biện pháp hạn chế hà khắc được áp đặt phần lớn vào tháng Ba đã "phát huy tác dụng đáng kể" khi giúp đưa tỷ lệ lây nhiễm dịch COVID-19 xuống dưới mức 1 vào đầu tháng Năm vừa qua. Tỷ lệ lây nhiễm, còn gọi là giá trị R, ước tính số người bị lây nhiễm trung bình từ một người nhiễm bệnh. Giá trị R cao hơn 1 có thể dẫn tới gia tăng số người lây nhiễm theo cấp số nhân.
Nhóm nhà khoa học ước tính rằng vào đầu tháng Năm, khoảng 12 triệu người đến 15 triệu người tại 11 quốc gia - Áo, Bỉ, Anh, Đan Mạch, Pháp, Đức, Italy, Na Uy, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Thụy Sĩ - đã bị nhiễm COVID-19. Bằng cách so sánh số người tử vong thực tế với số ca tử vong được dự đoán dựa trên mô hình nghiên cứu với giả thuyết không có các biện pháp phong tỏa, các nhà khoa học nhận thấy rằng có khoảng 3,1 triệu trường hợp tử vong được ngăn chặn . Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh việc đánh giá hiệu quả của các biện pháp can thiệp này có ý nghĩa quan trọng, qua đó có thể chỉ ra biện pháp nào là cần thiết để tiếp tục được duy trì nhằm kiểm soát dịch bệnh.
Trong khi đó, một nghiên cứu thứ hai của các nhà khoa học Mỹ cũng được công bố trên tạp chí Nature cho thấy các chính sách phong tỏa chống lây nhiễm được thực hiện ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Italy, Iran, Pháp và Mỹ đã giúp ngăn chặn khoảng 530 triệu trường hợp nhiễm COVID-19. Tập trung vào những phân tích của họ tại 6 quốc gia trên, nhóm nghiên cứu đã so sánh tốc độ tăng trưởng lây nhiễm trước và sau khi hơn 1.700 chính sách địa phương, khu vực và chính sách quốc gia nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan được triển khai. Họ nhận thấy rằng nếu các chính sách chống dịch tại chỗ được thực thi, tỷ lệ mắc sớm virus SARS-CoV-2 tăng 68% mỗi ngày ở Iran và trung bình 38%/ngày tại 5 quốc gia khác. Bằng cách sử dụng mô hình kinh tế vốn được dùng trong việc đánh giá các chính sách kinh tế, các nhà khoa học kết luận các lệnh phong tỏa đã làm chậm tỷ lệ lây nhiễm, qua đó mang lại nhiều lợi ích y tế quan trọng.