Theo Tân Hoa Xã, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga nhận định tình hình kinh tế hiện tại của Hong Kong là "rất nghiêm trọng" và điều này có liên quan chặt chẽ tới mỗi người dân tại trung tâm tài chính quốc tế này.
Bà cho biết những biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp và bảo vệ việc làm mà Cục trưởng Cục Tài chính Hong Kong Trần Mậu Ba (Paul Chan) đưa ra trước đó nhằm mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ ứng phó với tình hình kinh tế đi xuống và giảm thiểu gánh nặng đè lên vai người dân.
Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong đồng thời nhấn mạnh để có thể giúp nền kinh tế của trung tâm tài chính châu Á này phục hồi, "nhiệm vụ quan trọng nhất ngay lúc này là chấm dứt tình trạng bạo lực và khôi phục trật tự xã hội".
Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cũng cho rằng các hành động bạo lực hay phá hoại liên tiếp xảy ra gần đây dưới danh nghĩa các cuộc biểu tình ở Hong Kong là vô cùng đáng lo ngại, đồng thời tin rằng "những ai yêu mến Hong Kong sẽ không thể chấp nhận khi thấy trung tâm tài chính bị hủy hoại". Bà kêu gọi người dân cùng nhau đương đầu và giải quyết những khó khăn hiện tại nhằm đưa Hong Kong quay trở lại đúng hướng sớm nhất có thể.
Trước đó, Cục trưởng Cục Tài chính Paul Chan đã công bố gói hỗ trợ kinh tế trị giá 19,1 tỷ HKD (tương đương 2,4 tỷ USD). Hong Kong đang phải gánh chịu do hệ lụy từ các cuộc biểu tình. GDP trong quý II vừa qua chỉ tăng 0,6% theo giá trị thực so với cùng kỳ năm ngoái với 3 lĩnh vực gồm cung cấp thực phẩm, du lịch và bán lẻ chịu tác động mạnh nhất. Lượng du khách và tỷ lệ lấp đầy tại các khách sạn đã giảm tới hai con số trong tháng 7 trong khi các hãng kinh doanh du lịch ghi nhận doanh thu trung bình trong 2 tháng qua giảm gần 90% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các chuyên gia nhận định các hoạt động biểu tình đã làm sân bay quốc tế Hong Kong không thể hoạt động trong hơn 2 ngày 12/8 và 13/8 vừa qua gây thiệt hại về kinh tế tương đương 620 triệu HKD (khoảng 79 triệu USD).