Trước đó, các nhà khoa học tại các trường đại học Trung Quốc cũng như Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh nước này đã phát hiện một chủng virus cúm lợn mới được cho là có thể gây đại dịch. Theo nghiên cứu được công bố ngày 29/6 trên tạp chí khoa học PNAS của Mỹ, chủng cúm mới mang tên G4, có nguồn gốc gene từ chủng H1N1 từng gây đại dịch năm 2009. Các tác giả nghiên cứu cho biết chủng cúm mới sở hữu "mọi dấu hiệu chính cho phép nó thích nghi cao để lây nhiễm sang con người".
Tuy nhiên, theo người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên, virus G4 nêu trong nghiên cứu kể trên là chủng phụ của chủng virus cúm H1N1. Các chuyên gia cũng đã kết luận quy mô lấy mẫu của nghiên cứu trên quá nhỏ và không mang tính đại diện. Ông này cũng cho biết thêm các cơ quan hữu quan và các chuyên gia sẽ tiếp tục tăng cường giám sát dịch bệnh, gửi cảnh báo và liên tục bám sát xử lý tình hình.
Các nhà khoa học thực hiện nghiên cứu trên từ năm 2011-2018, sử dụng 30.000 mẫu dịch mũi của lợn tại các lò mổ ở 10 tỉnh của Trung Quốc và trong một bệnh viện thú y, và đã phân tách được 179 virus cúm lợn. Thông qua các thử nghiệm liên quan, các nhà khoa học đã phát hiện rằng G4 có khả năng lây nhiễm cao, có khả năng nhân bản nhanh trong các tế bào và gây nhiều triệu chứng nghiêm trọng hơn các chủng virus khác. Các thử nghiệm cũng cho thấy tất cả những miễn dịch của người đối với cúm mùa không có tác dụng bảo vệ con người khỏi G4. Các nhà khoa học lo ngại rằng virus có thể truyền từ động vật sang người, nhưng chưa có bằng chứng nào xác nhận. Các tác giả nghiên cứu kêu gọi áp dụng các biện pháp khẩn cấp nhằm giám sát những người làm việc liên quan đến lợn.
Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, hiện làm hơn 10 triệu người nhiễm trên thế giới, được phát hiện lần đầu tiên ở Trung Quốc và được cho là bắt nguồn từ loài dơi và sau đó lây sang người thông qua một loài vật trung gian mà cho đến nay vẫn chưa xác định được.