Trung Quốc thúc đẩy toàn diện quản lý đất nước bằng pháp luật

Mới đây, Hội nghị lần thứ 4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18 diễn ra tại Bắc Kinh đã thông qua Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về một số vấn đề quan trọng liên quan đến thúc đẩy toàn diện quản lý đất nước bằng pháp luật. Hội nghị xác định xây dựng hệ thống pháp trị chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc và xây dựng nhà nước pháp trị xã hội chủ nghĩa là mục tiêu chung để thúc đẩy toàn diện quản lý đất nước bằng pháp luật.

Trong đó nhiệm vụ cụ thể bao gồm hoàn thiện hệ thống pháp luật chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc mà Hiến pháp là hạt nhân, tăng cường tính thực thi của hiến pháp; thúc đẩy thực thi quyền lực nhà nước theo pháp luật, đẩy nhanh xây dựng chính quyền pháp trị; đảm bảo tư pháp công bằng, nâng cao tầm ảnh hưởng tư pháp; tăng cường nhận thức pháp trị của toàn dân, thúc đẩy xây dựng xã hội pháp trị; tăng cường phát triển đội ngũ công tác pháp trị; tăng cường và cải tiến cách lãnh đạo của Đảng đối với thúc đẩy toàn diện quản lý đất nước bằng pháp luật.

 

Đây là lần đầu tiên một phiên họp toàn thể của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc lấy pháp trị làm chủ đề trọng tâm. Trên thực tế, “Quản lý đất nước bằng pháp luật” là sách lược quản lý đất nước được đưa ra từ Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc khoá 15, 16, sau đó đến năm 1999 đưa vào Hiến pháp, nhưng thời gian qua chưa được thực thi một cách đầy đủ.

 

Đây là lần đầu tiên một phiên họp toàn thể của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc lấy pháp trị làm chủ đề trọng tâm. Ảnh: Reuters


Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN, ông Trần Hàn Phong, chuyên gia Pháp luật, nguyên Chủ nhiệm Phòng Dự thảo Luật Ủy ban Hoa Kiều thuộc Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc Hội) Trung Quốc cho biết, Hội nghị Trung ương 4 là kỳ hội nghị quan trọng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc kế sau Hội nghị Trung ương 3. Về lý thuyết mà nói, quản lý đất nước được chia làm hai loại, một là quản lý bằng ý chí của con người, hai là quản lý theo pháp luật và các quy định, quy phạm. Thời gian qua, tại Trung Quốc, việc quản lý bằng ý chí con người diễn ra khá nghiêm trọng, có nghĩa là lãnh đạo nói thế nào là làm theo thế ấy. Còn tại Hội nghị lần này là để bàn thảo, nghiên cứu và đưa ra biện pháp để quản lý đất nước bằng pháp luật, bằng chế độ, chứ không phải cá nhân một lãnh đạo nào quyết định là cấp dưới phải phục tùng làm theo. Ngoài ra, cũng có thể hiểu quản lý đất nước bằng pháp luật có nghĩa là quản lý nhà nước theo pháp luật, thực thi chức trách theo pháp luật và Tòa án được hoạt động độc lập không chịu sự chi phối của chính phủ.

 

Thúc đẩy toàn diện quản lý đất nước bằng pháp luật được đề cập trong bối cảnh gần đây Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra khái niệm mới về phát triển kinh tế. Thời gian qua sự phát triển kinh tế nhanh chóng đã che lấp rất nhiều mâu thuẫn xã hội tại Trung Quốc, nay tốc độ phát triển có chậm lại, nhiều vấn đề xã hội càng nổi cộm, như ô nhiễm môi trường, kết cấu kinh tế không hợp lý, áp lực việc làm, y tế, nguồn kinh phí bảo hiểm xã hội gặp khó khăn, xây dựng hạ tầng cơ sở trì trệ....để giải quyết một loạt vấn đề này Đảng Cộng sản Trung Quốc nhận thấy buộc phải dựa vào quản lý theo pháp luật.

 

Hơn nữa, về vấn đề chống tham nhũng, mức độ chống tham nhũng hiện nay rất mạnh nhưng không thể chỉ dựa vào điều tra, trừng trị mà phải giải quyết triệt để vấn đề này, đó là phải làm thế nào để quan chức, lãnh đạo không được tham nhũng, không dễ tham nhũng, và phải chống tham nhũng bằng pháp luật, bằng chế độ. Thông qua việc ban hành một loạt Luật chống tham nhũng, Luật công khai nhà ở công, kê khai tài sản cá nhân của cán bộ lãnh đạo, Luật trình tự hành chính... để không thể tham nhũng và không dễ tham nhũng. Khi pháp chế được kiện toàn, cộng thêm giáo dục và biện pháp trừng trị sẽ khiến cán bộ không những không dám, không thể tham nhũng mà còn không muốn tham nhũng.

 

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN về vụ án Chu Vĩnh Khang có ảnh hưởng như thế nào đến xây dựng pháp trị tại Trung Quốc, ông Khương Minh An, giáo sư Viện Luật, Đại học Bắc Kinh cho rằng, vụ án Chu Vĩnh Khang là tín hiệu quan trọng của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với công tác chống tham nhũng, điều này cho thấy quyết tâm tăng cường chống tham nhũng và chống tham nhũng đến cùng của Ban Chấp hành Trung ương Trung Quốc. Đây là vụ án tham nhũng nghiêm trọng nhất trong lịch sử của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

 

Từ lâu nay nhân dân Trung Quốc đã vô cùng phẫn nộ đối với tội tham nhũng. Một trong những nguyên nhân khiến tham nhũng hàng loạt là trong Trung ương Đảng có người tham nhũng, nhưng thông thường những phần tử tham nhũng luôn kéo theo một nhóm đông người cùng tham nhũng chứ không phải đơn lẻ. Vì thế có thể chống tham nhũng ở các cấp lãnh đạo, nhất là cấp Trung ương thì mới có thể trị tận gốc tham nhũng. Đây cũng chính là một trong những nội dung trọng điểm của Hội nghị lần này, đó là quán triệt lãnh đạo phải quản lý theo pháp luật. Vụ án Chu Vĩnh Khang là bài học sâu sắc đối với toàn Đảng, là tiếng chuông cảnh tỉnh cho các cấp lãnh đạo, đặc biệt là khi thúc đẩy toàn diện quản lý đất nước bằng pháp luật, để họ hiểu rằng nếu không quản lý theo pháp luật sẽ xuất hiện những phần tử như Chu Vĩnh Khang.

 

Ông Chu Vĩnh Khang phát biểu tại một hội nghị ở Bắc Kinh năm 2012. Ảnh AFP/TTXVN


Có thể nói vụ án này được đưa ra ánh sáng và xử lý đã có vai trò thúc đẩy thực hiện quản lý đất nước bằng pháp luật. Ngoài ra, vụ án đã cho thế giới thấy rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc một Đảng cầm quyền đã dám nhìn thẳng vào thực tế, trước pháp luật mọi người đều bình đẳng, dù cán bộ lãnh đạo cấp cao đến đâu mà tham nhũng, phạm sai lầm cũng sẽ đều bị đưa ra ánh sáng pháp luật. Hơn nữa còn củng cố niềm tin của đông đảo quần chúng nhân dân Trung Quốc đối với Đảng.

 

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng để thúc đẩy toàn diện quản lý đất nước bằng pháp luật, Trung Quốc đang đứng trước nhiều thách thức và có những vấn đề phải chờ đến ít nhất năm nữa mới có thể thực sự mày mò ra và hoàn thiện được. Giáo sư Khương Minh An dẫn ví dụ như việc giải quyết mối quan hệ giữa Đảng với chính phủ và Quốc hội, hiện nay nếu cán bộ, lãnh đạo Đảng không tuân thủ pháp luật, tự làm theo ý mình thì chưa có cơ chế nào để khiếu nại, kiện tụng trong Đảng, tất cả đều phải nhờ vào hệ thống Toà án, Viện Kiểm sát thuộc Chính phủ, trong khi những vụ án thuộc thẩm quyền của Chính phủ giải quyết thì lại chịu sự chỉ đạo, can thiệp của lãnh đạo bên Đảng, sự chồng chéo, không rõ ràng cho thấy pháp luật không được thực thi một cách đầy đủ. Ngoài ra, mâu thuẫn một bên là cải cách mở cửa, phát triển kinh tế và một bên là thực hiện pháp trị, đưa quyền lực nhốt vào “lồng” chế độ, điều này Trung Quốc cần dựa trên thực tiễn để tự mày mò và đề ra những bước đi phù hợp thúc đẩy toàn diện quản lý đất nước bằng pháp luật. 

 

Theo ông Trần Hàn Phong, có ba thách thức Trung Quốc phải đối mặt, một là cần tăng cường lập pháp. Hiện nay lập pháp của Trung Quốc còn nhiều tồn tại, vì thế trước hết cần tăng cường lập pháp, nâng cao chất lượng lập pháp, để pháp luật phải bám sát và phù hợp với thực tế Trung Quốc, có tính thực thi cao; Hai là tăng cường tính thực thi pháp luật trong cơ quan hành chính và cơ quan tư pháp, nghiêm khắc thi hành pháp luật. Phản ánh của số đông người dân cho thấy ở nhiều nơi không thực thi chức trách theo pháp luật trên mọi lĩnh vực như chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội..., mà xuất hiện việc quản lý theo ý chí cá nhân lãnh đạo; Ba là cần phổ biến kiến thức về luật pháp cho quần chúng và các cấp lãnh đạo, đây cũng được coi là môt nhiệm vụ trọng yếu, bởi hiểu biết về pháp luật của đại đa số người dân, thậm chí cả một số cấp lãnh đạo còn thấp, vì thế để thực hiện thúc đẩy toàn diện quản lý đất nước bằng pháp luật sẽ gặp phải nhiều khó khăn. Phải tuyên truyền phổ biến pháp luật cho nhân dân, để nhân dân hiểu và nắm được luật pháp, dùng vũ khí pháp luật bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, đặc biệt các cấp lãnh đạo càng cần nắm được luật pháp, nhằm thực thi chức trách theo đúng pháp luật.  

 

Hội nghị Trung ương 4 của Đảng Cộng sản Trung Quốc khoá 18 đề ra, đứng trước tình hình mới, nhiệm vụ mới, Đảng Cộng sản Trung Quốc cần chú trọng đến đại cục trong nước và quốc tế, nắm lấy cơ hội chiến lược, phát huy sức mạnh xã hội, cân bằng lợi ích xã hội, điều tiết quan hệ xã hội quy phạm hành vi xã hội, nhằm đạt được những tiến triển trong đi sâu cải cách, thực hiện phát triển kinh tế, chính trị minh bạch, văn hóa thịnh vượng, xã hội công bằng, môi trường sinh thái. Để thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển hòa bình Trung Quốc cần phát huy tốt hơn nữa vai trò dẫn dắt và quy phạm của pháp trị.

 

Dư luận Trung Quốc kỳ vọng sau Hội nghị lần này đại đa số người dân nghiêm túc chấp hành pháp luật, các cấp lãnh đạo thực thi chức trách, quyền hạn của mình theo đúng luật pháp. Hơn nữa cải cách thể chế chính trị có thể đạt được tiến triển vượt bậc, công tác chống tham nhũng hiệu quả và minh bạch hơn, thực thi quản lý nhà nước có đóng góp đáng kể, nổi trội và Tòa án thực thi quyền xét xử độc lập, không chịu sự chi phối của chính quyền trong thời gian tới. Chỉ khi quản lý đất nước bằng pháp luật đời sống kinh tế xã hội, văn hoá mới được ở trạng thái có trật tự, mới có thể phát triển bền vững. nếu không sẽ hỗn loạn, ai thích làm gì làm nấy. Các lĩnh vực giáo dục, văn hoá, y tế cũng đều cần được quy phạm bởi pháp luật và các quy định, chỉ như vậy mới có thể phát triển lành mạnh. Vì thế có thể nói quản lý đất nước bằng pháp luật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với mọi mặt của đời sống xã hội Trung Quốc.

 

 

Tường Thu (P/v TTXVN tại Trung Quốc)

Trung Quốc ra 'Sách Vàng' về Trung Đông
Trung Quốc ra 'Sách Vàng' về Trung Đông

Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc đã ra Sách Vàng về phát triển Trung Đông hay còn gọi là "Báo cáo phát triển Trung Đông 2013/2014".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN