Trung Quốc - Thị trường năng lượng mới của Nga?

Phó Thủ tướng Nga Arkady Dvorkovich mới đây cho biết Nga dự định ký kết thỏa thuận mua bán khí đốt tự nhiên với Trung Quốc trước khi Tổng thống Vladimir Putin tới Bắc Kinh vào tháng 5 tới. Trong thời gian qua, Nga đã tiến hành nhiều cuộc đàm phán về năng lượng với Trung Quốc, song chỉ khi vị trí của Nga ở phương Tây bị đe dọa, lợi ích chiến lược của Moskva trong việc thúc đẩy bán năng lượng nhiều hơn cho châu Á mới trở thành nhu cầu thực sự.

 

Ngành năng lượng Nga tìm đến khách hàng Trung Quốc.


Là một trong những nhà sản xuất dầu và khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới, Nga xem năng lượng là một trong những nền tảng chính của mình. Tiền thu được từ sản xuất năng lượng đã chiếm 25% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và gần một nửa nguồn thu của chính phủ. Nga cũng sử dụng những kết nối năng lượng rộng lớn của mình để định hình chính sách đối ngoại, đặc biệt với châu Âu - khách hàng lớn nhất của Nga.


Tuy vậy, mong muốn giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga đã trở nên cấp bách hơn trong những tháng gần đây tại châu Âu, khi căng thẳng leo thang giữa Nga và phương Tây trong vấn đề Ukraine. Hơn nữa, người châu Âu đã thảo luận các biện pháp trừng phạt Nga về thương mại, điều có thể ảnh hưởng đến nguồn cung năng lượng.


Dù Moskva biết rằng châu Âu không có nhiều lựa chọn khi tìm nguồn cung năng lượng thay thế trong ngắn hạn, song Nga cũng không thể chắc chắn rằng vị thế của nước này ở châu Âu vẫn còn được như cũ trong dài hạn. Điều này buộc Nga phải tìm kiếm khách hàng mới hoặc đối mặt với sự sụp đổ tài chính và kinh tế. Đây là lý do mà Nga đã tìm đến một trong những khách hàng khổng lồ ở phía Đông - Trung Quốc.


Trong lịch sử, Nga vận chuyển rất ít dầu và khí tự nhiên về phía Đông. Trung Quốc đã chủ yếu dựa vào nguồn cung năng lượng từ Trung Đông và châu Phi qua đường biển. Lý do chính cho việc chưa kết nối này là do việc sản xuất năng lượng của Nga chủ yếu ở phía Tây, trong khi dân số Trung Quốc chủ yếu tập trung ở phía Đông khiến khoảng cách vận chuyển giữa nơi sản xuất và người tiêu dùng lên tới hàng nghìn km.


Trong thập kỷ qua, Moskva và Bắc Kinh đã xem xét lại chính sách năng lượng của mình, khi Nga muốn đa dạng nguồn xuất khẩu và nhu cầu tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc gia tăng nhanh chóng. Tuy nhiên, không bên nào nhận thấy nhu cầu cấp bách phải thúc đẩy tiến độ đàm phán. Trung Quốc đã xây dựng các tuyến đường trên bộ để khai thác nguồn tài nguyên dầu và khí tự nhiên rộng lớn ở Trung Á. Xuất khẩu dầu của Nga sang Trung Quốc đã bắt đầu tăng chậm, từ 4% lên tới gần 20%.


Moskva và Bắc Kinh chưa thể đi đến một thỏa thuận về khí đốt tự nhiên. Thỏa thuận được đề xuất là Nga xuất khẩu 38-68 tỷ m3 khí đốt cho Trung Quốc mỗi năm trong thời hạn 30 năm tới. Trong số này, 38 tỷ m3 sẽ được vận chuyển qua tuyến đường ống dự kiến xây dựng mang tên “Sức mạnh Siberia” dài 2.800 km nối các mỏ khí ở Siberia với vùng duyên hải Thái Bình Dương và xuống Trung Quốc. Điểm khó khăn chính trong thỏa thuận này là vấn đề giá cả. Nga chào bán cho Trung Quốc với giá 350 USD/1.000m3 nhưng Trung Quốc chỉ chấp nhận mức giá dưới 300 USD/1.000m3. Vấn đề là Nga không thể hạ thấp hơn giá khí đốt bán cho châu Á qua đường ống “Sức mạnh Siberia” do chi phí vận chuyển qua đường ống này cao.

Vì lý do này mà Nga và Trung Quốc đã trì hoãn việc đàm phán thỏa thuận mua bán khí đốt suốt thời gian qua. Thế nhưng hiện nay Moskva đang muốn đạt được thỏa thuận này càng sớm càng tốt. Nga biết rằng nước này sẽ phải mất ít nhất ba năm nữa mới có đủ cơ sở hạ tầng kỹ thuật để vận chuyển nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên lớn về phía Đông. Song khi quan hệ với phương Tây đang trở nên căng thẳng như thời Chiến tranh Lạnh, Nga không thể yên tâm rằng châu Âu sẽ không đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng của mình vào thời điểm đó.


Quang Tuyến (Theo mạng tin Stratfor)

Phương Tây sẽ ‘đổ máu’ nếu nổ ra cuộc chiến khí đốt với Nga
Phương Tây sẽ ‘đổ máu’ nếu nổ ra cuộc chiến khí đốt với Nga

Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, cơ hội để phương Tây làm tổn thương nền kinh tế Nga là rất hạn chế. Nếu Liên minh châu Âu (EU) ngừng mua khí đốt của Nga, họ sẽ làm hại đến chính mình và nếu Mỹ cố tình bán khí đốt cho EU với giá rẻ, đồng USD sẽ suy giảm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN