Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu nêu rõ đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên kể từ khi ông Tập Cận Bình tái đắc cử cương vị Chủ tịch Trung Quốc hồi tháng 3 vừa qua, đồng thời là bước tiến quan trọng trong kế hoạch ngoại giao của nước này. Chuyến thăm sẽ đẩy mạnh mối quan hệ song phương giữa Trung Quốc với Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE); thúc đẩy hòa bình và ổn định cho khu vực Trung Đông; đồng thời gây dựng một cộng đồng vì tương lai chung giữa Trung Quốc và châu Phi.
Sau chặng dừng chân đầu tiên ở UAE, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tiếp tục đến thăm Senegal, Rwanda và Nam Phi. Ngoài ra, ông Tập Cận Bình cũng sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 10 Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) diễn ra từ ngày 25 đến 27/7 tại thành phố Johannesburg của Nam Phi. Trên đường trở lại Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình sẽ thăm hữu nghị Mauritius (Đông Phi).
Trung Quốc đang hướng đến thị trường nhiều tiềm năng Trung Đồng. Ảnh: THX/ TTXVN |
Trung Đông-châu Phi từ lâu là những khu vực ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, trước hết là vì lợi ích kinh tế. Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, đặc biệt là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới (khoảng 9 triệu thùng/ngày), Trung Quốc nhiều năm nay đã tăng cường sự hiện diện về kinh tế và quân sự tại Trung Đông - châu Phi.
Từ năm 2016, Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất trong thế giới Arab với 32% (gần 30 tỷ USD) đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Đông, tập trung vào các lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Trong thập niên qua, trao đổi thương mại của Trung Quốc với khu vực Trung Đông đã tăng gấp 10 lần, hiện đạt trên 230 tỷ USD. Như vậy, Trung Quốc hiện đã là đối tác thương mại lớn thứ hai của các nước Arab Trung Đông. Các quốc gia Vùng Vịnh hiện đã trở thành nguồn nhập khẩu dầu lớn nhất của Bắc Kinh, đứng thứ hai về thị trường lao động và xây dựng kỹ thuật.
Trung Đông, với vị trí địa lý và vai trò cầu nối trung chuyển giữa châu Á và châu Âu, cũng giữ vai trò hết sức quan trọng trong dự án kinh tế "Vành đai và con đường" của Trung Quốc. Bởi vậy, ngoài các khoản đầu tư khổng lồ, Trung Quốc đang xúc tiến tăng cường quan hệ hợp tác với các quốc gia Trung Đông thông qua việc hình thành một khu vực tự do thương mại kết nối các nước ở Vùng Vịnh. Bắc Kinh đã cam kết cho các nước Trung Đông vay 20 tỷ USD và viện trợ 1,6 tỷ USD cho các dự án kinh tế.
Trong khi đó, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất ở châu Phi với kim ngạch thương mại lên đến 220 tỷ USD. Trong năm 2016, Trung Quốc nhập khẩu từ 15% - 16% hàng hóa của châu Phi, phần lớn là nhiên liệu, khoáng sản, dầu thô, quặng sắt, kim loại, một lượng nhỏ lương thực, nông sản. Trên thực tế, lợi ích của Trung Quốc ở châu Phi không chỉ là thương mại, châu lục này còn là nơi cung cấp các nguyên liệu thô dồi dào cho Trung Quốc. Trong vài thập kỷ qua, sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc hình thành nên các ngành công nghiệp cần nhu cầu cao về năng lượng. Nhằm đảm bảo cung cấp năng lượng lâu dài để duy trì nền công nghiệp, Trung Quốc đã đầu tư vào châu Phi thông qua việc đẩy mạnh các ngành khai thác dầu mỏ. Châu Phi là nguồn nhập khẩu dầu lớn thứ 2 của Trung Quốc sau Trung Đông với 1,4 triệu thùng/ngày.
Từ năm 2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố kế hoạch 60 tỷ USD vào các dự án phát triển châu Phi tại Johannesburg nhằm thúc đẩy nông nghiệp, giao thông, bến cảng, đường sắt và xóa một số khoản nợ. Sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với châu Phi đã mang lại kết quả hữu hình với hàng nghìn km đường sắt mới và hàng chục cảng, sân bay và nhà máy điện được xây dựng từ các dự án đầu tư của Bắc Kinh. Nghiên cứu Hội đồng Quốc tế Nga (RIAC) cho biết năm 2017, Trung Quốc đã đầu tư thông qua cung cấp các khoản vay cho các nước châu Phi với tổng số tiền vượt quá 100 tỷ USD.
Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã tham gia xây dựng hơn 100 khu công nghiệp và 40% trong số đó đã đi vào hoạt động. Trung Quốc đã hỗ trợ 5.756 km đường sắt, 4.335 km đường cao tốc, 9 cảng, 14 sân bay, 34 nhà máy điện, cũng như 10 nhà máy thủy điện lớn và khoảng 1.000 nhà máy thủy điện nhỏ đã được xây dựng ở châu Phi tính đến cuối năm 2016. Các dự án đường sắt của Trung Quốc ở châu Phi phần lớn được coi là một sự thay đổi cục diện khu vực và có thể giúp thúc đẩy hội nhập chính trị ở "Lục địa đen".
Chính sách "ngoại giao đường sắt" đã giúp tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại "Lục địa đen" trở nên bao trùm, khi Bắc Kinh sở hữu nhiều nhà máy, mỏ khai thác khoáng sản kết hợp với sự gia tăng nhanh chóng lượng khách du lịch Trung Quốc đổ đến lục địa này. Các chương trình hỗ trợ giáo dục và tác động đến truyền thông càng góp phần làm gia tăng tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh trong suy nghĩ của những người trẻ châu Phi. Trung Quốc còn tăng cường sự hiện diện quân sự tại đây với việc cử các đội lính gìn giữ hoà bình gia nhập lực lượng của LHQ xây căn cứ quân sự hải quân ở Djibouti. Về mặt ngoại giao, châu Phi mang đến cho Bắc Kinh một khối đồng minh lớn trong LHQ.
Trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng, Bắc Kinh tiếp tục củng cố vị thế địa-chính trị ở "Lục địa đen" thông qua việc gia tăng doanh số bán vũ khí cho các quốc gia trong khu vực với quy mô rộng lớn hơn các đối thủ cạnh tranh như Nga và Mỹ. Trung Quốc đã vượt Mỹ khi chiếm 11% xuất khẩu vũ khí sang châu Phi.
Chuyên gia về Trung Quốc công tác tại Viện Nam Phi về các vấn đề quốc tế Cobus van Staden nhận định: "Nắm trong tay các tuyến đường thương mại có ý nghĩa quan trọng đối với Trung Quốc bởi đường bờ biển phía Đông Bắc của châu Phi chạy dài tới Kênh đào Suez là một khúc đoạn của con đường tơ lụa hàng hải mới". Trung Quốc đang tiếp tục theo đuổi việc thiết lập những quan hệ đối tác mới ở Trung Đông và châu Phi với các thỏa thuận về thương mại, năng lượng và hạ tầng. Với những nỗ lực đầu tư về thương mại lẫn quốc phòng trong suốt thời gian dài, chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình một lần nữa thể hiện sự nhất quán về chính sách của Bắc Kinh trong việc coi trọng vai trò kinh tế và chính trị của khu vực Trung Đông lẫn châu Phi. Đây được xem là đòn bẩy chiến lược giúp Trung Quốc gia tăng sức mạnh và tầm ảnh hưởng tại hai khu vực lớn này.