Những hành động bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc tại Biển Đông tiếp tục gây nên sự sự bất bình trong cộng đồng quốc tế. Ngày 20/6, lãnh đạo Mỹ và New Zealand đã cùng tuyên bố nhấn mạnh Trung Quốc phải tuân thủ những nguyên tắc và quy định của các thỏa ước quốc tế mà nước này đã tham gia, đặc biệt là Công ước Luật Biển của LHQ (UNCLOS) 1982. Phát biểu sau cuộc hội đàm tại phòng Bầu Dục với Thủ tướng New Zealand John Key, hiện đang ở thăm Wasington, Tổng thống Mỹ Barack Obama nhấn mạnh cần phải giải quyết một cách hòa bình bất đồng nảy sinh sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan thăm dò dầu khí tại Biển Đông và tránh leo thang căng thẳng.
Tổng thống Mỹ Obama. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tổng thống Mỹ Barack Obama nói: “Điều quan trọng với chúng ta là có thể giải quyết những tranh chấp trên biển theo luật pháp quốc tế. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan duy trì khuôn khổ luật pháp để giải quyết những vấn đề tranh chấp. Chúng tôi phản đối hành động làm leo thang căng thẳng mà có thể làm ảnh hưởng đến các hoạt động hàng hải và thương mại”.
Về phần mình, Thủ tướng New Zealand John Key cũng bày tỏ quan điểm tương đồng với Tổng thống Mỹ Obama về vấn đề Biển Đông. Ông nói: “New Zealand có quan điểm rất rõ ràng rằng tất cả các bên cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Luật Biển”.
Trước đó, ngày 4/6 vừa qua, Tòa án trọng tài được LHQ hậu thuẫn, cơ quan nhận vụ kiện của Philippines về tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc trên Biển Đông, đã đặt thời hạn cho Bắc Kinh trình phản luận cứ chính thức trước ngày 15/12 tới.
Năm 2013, Philippines đã trình lên tòa án trọng tài quốc tế hồ sơ dày 4.000 trang, trong đó đưa ra chi tiết các luận cứ và bằng chứng pháp lý, phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với hầu hết khu vực Biển Đông - vốn không có giá trị và phi pháp chiểu theo UNCLOS 1982.
TTXVN/Tin tức