Trong bối cảnh thế giới đang phải gồng mình chiến đấu với virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19), Trung Quốc khuyến cáo các quốc gia cần phải chuẩn bị sẵn sàng về mặt tài chính nếu không muốn làm chậm nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh.
Hiện virus SARS-CoV-2 đã lây lan ra 162 quốc gia và vùng lãnh thổ, châu Âu đang được đánh giá trở thành “tâm dịch” mới. Theo ý kiến của giới chuyên gia, việc người dân lo lắng khi phải trả chi phí xét nghiệm và điều trị, trong trường hợp bị chẩn đoán dương tính với virus SARS-CoV-2, có thể là một yếu tố khiến cho các nước gặp khó khăn để kiểm soát tốt được bệnh dịch.
Trong một cuộc khảo sát gần đây của công ty bảo hiểm Prudential với sự tham gia của trên 2.000 người Mỹ trưởng thành, hơn một nửa trong số đó (54%) cho biết họ chưa chuẩn bị sẵn sàng về mặt tài chính để chữa trị dịch bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra khiến họ không thể làm việc trong vài tuần.
Ông Rob Levy – Phó Chủ tịch tổ chức Mạng lưới Sức khỏe Tài chính trụ sở ở Mỹ - cho biết có hai cú sốc tài chính đối với người Mỹ nếu như họ mắc bệnh: một là mất đi thu nhập, hai là chi phí chữa trị.
Một ví dụ gần đây về việc phải trả chi phí xét nghiệm, cách ly liên quan đến dịch bệnh COVID-19 mà người Mỹ vẫn nhớ rõ là câu chuyên của anh Frank Wucinski và cô con gái 3 tuổi được sơ tán từ thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) về lại Mỹ. Sau khi hoàn thành thời gian cách ly, trở về nhà tại Harrisburg, Pennsylvania, ông Frank bàng hoàng khi thấy đống hóa đơn y tế gần 4.000 USD đang chờ, trong đó gồm chi phí cho bệnh viện, chụp X quang và công ty cứu thương.
Chính phủ Mỹ không tính phí xét nghiệm virus SARS-CoV-2 tại các phòng thí nghiệm được chỉ định nhưng nếu vào bệnh viện, người dân sẽ phải chịu các chi phí khổng lồ khác có thể lên tới 3.200 USD. Nhóm vận động hành lang về bảo hiểm có tên gọi “Các chương trình bảo hiểm sức khỏe của Mỹ” cho biết các cá nhân cần xác nhận lại với các nhà cung cấp bảo hiểm của họ để biết mức chi trả liên quan đến dịch bệnh COVID-19.
Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) và các phòng thí nghiệm công của Mỹ mới chỉ xét nghiệm được trên 22.000 người từ giữa tháng Một – một con số khá khiêm tốn so với con số trên 259.000 người tại Hàn Quốc được xét nghiệm virus SARS-CoV-2 chỉ trong vòng một tháng.
Trước đó, cũng trong tháng Một, Hàn Quốc tuyên bố chính phủ và các công ty bảo hiểm sẽ chi trả mọi chi phí liên quan đến việc khám, cách ly và điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19. Đất nước này cũng đã thành lập nhiều trạm xét nghiệm bao gồm dịch vụ xét nghiệm nhanh "Drive-thru" (kiểu tạt qua). Với mô hình trên, mỗi ngày có đến 15.000 người Hàn Quốc được xét nghiệm virus Corona chủng mới.
Các chuyên gia cho rằng chi phí khám chữa bệnh sẽ là một phần nguyên nhân khiến những người dân có thu nhập thấp không hợp tác xét nghiệm và điều trị. Tuy nhiên, để mà thực hiện xét nghiệm và điều trị COVID-19 miễn phí trên quy mô toàn quốc thì không phải quốc gia nào cũng thực hiện được.
Khi bệnh dịch bùng phát tại Trung Quốc, chính phủ nước này đã công bố chính sách miễn phí xét nghiệm và điều trị cho người dân. Chi phí cho một lần xét nghiệm virus SARS-CoV-2 tại quốc gia tỷ dân này rơi vào khoảng 370 nhân dân tệ (khoảng 1,2 triệu đồng). Tại thành phố miền Nam Thâm Quyến, chi phí trung bình để điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 dao động từ 5.600 NDT (18,2 triệu đồng) cho người trẻ tuổi đến 23.000 NDT (76,5 triệu đồng) cho người cao tuổi. Một số phương pháp điều trị bơm oxy nhân tạo thuộc dạng chi phí cao nhưng được chính phủ hỗ trợ. Số tiền này được lấy từ khoản ngân sách 110,48 tỷ NDT (364.738 tỷ đồng) Chính phủ Trung Quốc chi cho công tác điều trị, hỗ trợ nhân viên y tế và mua thiết bị y khoa.
Thông báo COVID-19 là loại bệnh truyền nhiễm từ hồi tháng Hai, Nhật Bản khẳng định chính phủ nước này có trách nhiệm thanh toán các hóa đơn nội trú liên quan đến dịch bệnh.
Giáo sư Dirk Pfeiffer phụ trách chương trình One Health tại Trường Cao đẳng Thú y và Khoa học Đời sống (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết khả năng tài chính sẽ cản trở nỗ lực kiểm soát bệnh dịch.
“Rõ ràng, bất kỳ khi nào phải chi trả phí khám chửa bệnh, những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ đến từ bộ phận có thu nhập thấp sẽ chần chừ tới khám tại các cơ sở chăm sóc y tế. Chuyện này cũng có thể xảy ra đối với một vài cá nhân bệnh nặng. Những hành vi như này sẽ làm lây lan bệnh dịch”, Giáo sư Pfeiffer lý giải.
Tuy nhiên, ông này cũng cho rằng việc mở rộng xét nghiệm quy mô lớn sẽ không thực tế ở hầu hết các nước, và chủ yếu vẫn là cách ly xã hội đóng vai trò như biện pháp hữu hiệu nhất trong việc ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.
Tại các quốc gia dân chủ như phương Tây, biện pháp “cách ly xã hội” vẫn phụ thuộc phần lớn vào ý thức tự giác của người dân. “Hậu quả của sự khác biệt này là bệnh dịch sẽ kéo dài hơn tại các quốc gia mà biện pháp duy trì cách ly xã hội chỉ dựa trên tinh thần tự nguyện”.