Trong tuyên bố đưa ra ngày 24/3, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh rất coi trọng quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu. Khi được hỏi về phiên điều trần của Giám đốc điều hành (CEO) TikTok, Shou Zi Chew trước Ủy ban Thương mại và Năng lượng của Hạ viện Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - bà Mao Ninh (Mao Ning) nhấn mạnh Bắc Kinh chưa bao giờ yêu cầu cũng như chưa bao giờ đề nghị bất kỳ công ty hay cá nhân nào thu thập hoặc cung cấp dữ liệu và thông tin tình báo ở nước ngoài trái với pháp luật Trung Quốc. Bên cạnh đó, bà cho rằng mặc dù Washington “không cung cấp bằng chứng nào cho thấy TikTok đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ, song nước này đã nhiều lần ép buộc và chỉ trích Tiktok".
Trước đó, ngày 21/3, TikTok thông báo đã cập nhật điều khoản hoạt động và quy tắc sử dụng cộng đồng, đồng thời nêu thêm chi tiết về kế hoạch của công ty này nhằm đảm bảo dữ liệu của người dùng tại Mỹ.
Theo TikTok, trong tháng này, công ty đã triển khai xóa dữ liệu người dùng Mỹ được lưu trữ bảo mật tại các trung tâm dữ liệu ở Virginia (Mỹ) và Singapore, sau khi chuyển những thông tin này sang Dịch vụ cơ sở hạ tầng đám mây của Oracle - tập đoàn công nghệ máy tính đa quốc gia của Mỹ - hồi năm ngoái. TikTok cũng đã phối hợp với chính quyền Mỹ trong hơn 2 năm qua để giải quyết các mối lo ngại về an ninh quốc gia. Công ty này đã chi hơn 1,5 tỷ USD cho các nỗ lực bảo mật dữ liệu, đồng thời kiên quyết bác bỏ mọi cáo buộc "tuồn" dữ liệu người dùng ra bên ngoài. Động thái trên được đưa ra sau khi nhiều chính trị gia tại Mỹ yêu cầu cấm TikTok do lo ngại rò rỉ dữ liệu người dùng và kéo theo đó là những rủi ro đối với an ninh quốc qua.
Trong khi đó, ngày 24/3, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy bày tỏ hy vọng các nhà lập pháp nước này sẽ thông qua một dự luật lưỡng đảng để giải quyết những lo ngại về ứng dụng chia sẻ video ngắn TikTok.