Phương tiện hạng nặng còn có tên "máy xúc nhện" này đã xuất hiện trong video về quân đội Trung Quốc tại cao nguyên Tây Tạng. Quân khu Tây tạng đã đăng tải video vào đầu tháng 7.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) đưa tin rằng "máy xúc nhện" có thể đứng và bước qua chướng ngại vật, vượt suối và hào sâu, hoạt động trên địa hình gần như thẳng đứng.
Quân đội Trung Quốc sử dụng 2 loại máy xúc do doanh nghiệp quốc doanh chuyên về máy móc xây dựng XCMG sản xuất. Một loại có trọng lượng 11 tấn di chuyển với vận tốc 10km/h trong khi loại còn lại có thể điều khiển từ xa không cần người lái. Những máy xúc này còn được sử dụng trong các chiến dịch cứu hộ khẩn cấp của cảnh sát.
Trong những năm gần đây, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều nâng cấp các cơ hở hạ tầng dọc Đường kiểm soát thực tế (LAC) giữa 2 quốc gia.
Những dự án này dẫn đến bất đồng giữa lực lượng biên phòng Trung Quốc và Ấn Độ, trong đó có đụng độ ở Doklam năm 2017 và đối đầu tại Thung lũng Galwan ngày 15/6 khiến 20 binh sĩ Ấn Độ tử vong.
Vào tháng 6, Ấn Độ và Trung Quốc thống nhất rút quân khỏi khu vực biên giới tranh chấp. Tuy nhiên, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều duy trì nâng cấp cơ sở hạ tầng ở khu vực này.
Việc xây dựng đường và cơ sở hạ tầng trên dãy Himalaya là khá khó khăn do độ cao lên tới 4.000m và địa hình nhiều hiểm nguy, thời tiết khắc nghiệt, dễ có động đất, sạt lở... Ngay cả việc chuyển thiết bị máy móc hạng nặng tới nơi đây cũng là thử thách lớn.
Ngày 22/6, hai người tại phía Ấn Độ đã bị thương do cầu sập khi xe tải của họ di chuyển qua. Xe tải này khi đó chở theo máy xúc để xây dựng đường.
Vậy nhưng quân đội Trung Quốc vẫn tiếp tục hiện diện và đưa máy móc hạng nặng tới nơi không có đường bộ.
Xuất hiện hình ảnh vệ tinh cho thấy hơn 100 xe tải Trung Quốc cùng nhiều thiết bị hiện diện ở Thung lũng Galwan chỉ vài ngày sau đụng độ giữa binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc.