Trung Quốc điều tàu tuần tra tới quần đảo Điếu Ngư/Senkaku

Trung Quốc vừa điều 3 tàu hải cảnh tới tuần tra quần đảo tranh chấp Điếu Ngư hiện do Nhật Bản kiểm soát và gọi là Senkaku trên Biển Hoa Đông.


Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" đưa tin nhân kỷ niệm 66 năm ngày Quốc khánh Trung Quốc (1/10/1949-1/10/2015), Bắc Kinh mới đây đã điều 3 tàu của lực lượng Hải cảnh nước này tới tuần tra quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku.

Nhóm tàu trên gồm Hải cảnh 2401, Hải cảnh 2101 và Hải cảnh 2112 đã được triển khai tới vùng biển thuộc quần đảo Điếu Ngư hôm 3/10 vừa qua nhằm đáp trả việc Nhật Bản lên kế hoạch thành lập một đơn vị huấn luyện cho trung đoàn cơ động đổ bộ của nước này vào năm tới. Trung đoàn này sẽ được thành lập với nhiệm vụ ngăn lính biệt kích của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) núp dưới vỏ bọc ngư dân đặt chân lên quần đảo này và để ứng phó với các tàu của lực lượng hải cảnh Trung Quốc hoạt động gần Điếu Ngư.

Hồi tháng 9/2011, chính quyền Tokyo đã quốc hữu hóa quần đảo tranh chấp Senkaku - động thái châm ngòi cho làn sóng biểu tình bạo lực chống Nhật Bản tại Trung Quốc Đại lục và dẫn tới việc lực lượng an ninh biển của Bắc Kinh bắt đầu các cuộc tuần tra định kỳ tại vùng biển quanh quần đảo tranh chấp.

Trong một diễn biến khác,
tạp chí "The Diplomat" có trụ sở tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản cho biết, hồi tuần trước, Trung Quốc đã lần đầu tiên cử hạm đội hải quân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) - gồm tàu khu trục tên lửa Lớp 052C Tế Nam, khinh hạm trang bị tên lửa Lớp 0A54 Ích Dương, và tàu tiếp tế Lớp 903 Thiên Đảo Hồ - đi thăm các quốc gia Bắc Âu.

Theo nguồn tin, trên hành trình trở về Trung Quốc sau các chiến dịch chống khủng bố ở Vịnh Aden, hạm đội trên đã thực hiện các chuyến thăm thiện chí tới Sudan, Ai Cập và tiếp đó là khởi hành về phía Bắc với 3 điểm dừng chân ở Bắc Âu là Đan Mạch, Phần Lan và Thụy Điển. Chuyến thăm Bắc Âu này phản ánh sự quan tâm của Trung Quốc ở Bắc Cực.

Trung Quốc đang để mắt tới các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở khu vực này, trong đó dầu mỏ và khí đốt ở Bắc Cực được đánh giá đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của Trung Quốc.

TN (theo WCT)
Trung Quốc thực sự không phải là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Mỹ
Trung Quốc thực sự không phải là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Mỹ

Theo một bản bản báo cáo toàn diện của tổ chức Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Trung Quốc đã không còn là đối thủ cạnh tranh với Mỹ như nhiều người lầm tưởng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN