Trong cuộc họp báo ngày 6/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cũng hối thúc Mỹ không lạm dụng vũ lực. Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa trừng phạt Iraq nếu Baghdad trục xuất quân đội Mỹ khỏi nước này, ông Cảnh Sảng khẳng định lập trường của Trung Quốc "phản đối việc tùy tiện đe dọa trừng phạt".
Trong diễn biến liên quan, tối 5/1, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã lần lượt có các cuộc điện đàm với những người đồng cấp Mỹ, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Oman về tình hình phức tạp tại vùng Vịnh trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Washington và Tehran.
Đăng tải trên Twitter, Ngoại trưởng Subrahmanyam Jaishankar nêu rõ trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Pompeo ông đã nhấn mạnh những quan ngại của Ấn Độ. Ông cũng đã trao đổi quan điểm về những diễn biến trong khu vực với Ngoại trưởng UAE Sheikh Abdullah Bin Zayed Al Nahyan. Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Oman Yusuf bin Alawi bin Abdullah, Ngoại trưởng Subrahmanyam Jaishankar khẳng định Ấn Độ quan tâm đến ổn định và an ninh ở vùng Vịnh.
Trước đó, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif, cho biết New Delhi quan ngại về tình hình căng thẳng hiện nay tại vùng Vịnh. Hai bên đã nhất trí duy trì liên lạc trong bối cảnh những diễn biến gần đây đã có bước chuyển biến nghiêm trọng.
Dự kiến, trong ngày 6/1, đại sứ các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhóm họp tại trụ sở ở Brussels (Bỉ), tiến hành tham vấn về tình hình Trung Đông.
Căng thẳng khu vực gia tăng sau khi một máy bay không người lái Mỹ không kích sân bay quốc tế ở thủ đô Baghdad của Iraq ngày 3/1 vừa qua khiến Tướng Iran Qassem Soleimani thiệt mạng. Nhiều đồng minh của Washington bất ngờ về vụ không kích này, trong khi dư luận kêu gọi các bên giảm căng thẳng.
Iran tuyên bố sẽ trả thù cho cái chết của Tướng Soleimani và Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo sẽ đáp trả mạnh nếu các mục tiêu Mỹ bị tấn công.
Trong khi đó, Quốc hội Iraq đã ra nghị quyết yêu cầu 5.200 binh sĩ Mỹ triển khai tại Iraq rút khỏi nước này.
Hiện NATO thực hiện sứ mệnh huấn luyện ở Iraq để chuẩn bị cho các lực lượng nước này tiếp quản nhiệm vụ chống nhóm cực đoan tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS). Người phát ngôn NATO cho biết vẫn duy trì sứ mệnh này nhưng hiện tạm ngừng các hoạt động huấn luyện.