[Trực tiếp] Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Mỹ: Tổng thống Putin, Trump họp báo công bố kết quả hội đàm

Trong bối cảnh quan hệ Nga-Mỹ xuống dốc kỷ lục với nhiều vấn đề bất đồng sâu sắc, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm nay lần đầu tiên có cuộc gặp chính thức tại thủ đô Helsinki, Phần Lan. Hội nghị đã bắt đầu chậm hơn dự kiến khoảng 1 tiếng do hai nhà lãnh đạo trễ giờ.

22:57 Ngày 16/07/2018

Cuộc họp báo chung của hai tổng thống Nga-Mỹ đã kết thúc. Hai ông cùng các phóng viên đã rời phòng họp báo.

22:30 Ngày 16/07/2018

Hai tổng thống vẫn khác quan điểm về Crimea

Khi được phóng viên AP hỏi về Crimea - vấn đề chưa được cả hai lãnh đạo nhắc tới, Tổng thống Putin cho biết: Ông Trump tiếp tục duy trì quan điểm rằng sáp nhập Crimea là bất hợp pháp. Quan điểm của chúng tôi là khác nhau.

22:25 Ngày 16/07/2018

Tổng thống Trump trả lời phỏng vấn của phóng viên

Một phóng viên hãng tin Interfax,  Nga đặt câu hỏi về kế hoạch của Đức xây dựng đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2, Tổng thống Trump trả lời, ông Putin là "một đối thủ cạnh tranh mạnh". "Chúng tôi sẽ cạnh tranh nếu anh nói về đường ống", ông Trump khẳng định.

Tiếp đó, một phóng viên Mỹ hỏi Tổng thống Mỹ về câu tweet vào sáng 16/7 của ông rằng chính "sự ngu dốt, khờ ngốc" của Mỹ đã hủy hoại mối quan hệ Mỹ - Nga. "Tôi nghĩ cả hai nước đều chịu trách nhiệm", ông Trump trả lời, "Tôi nghĩ nước Mỹ đã dại. Tô nghĩ tất cả chúng ta đều khờ dại. Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều có lỗi".

Tổng thống Trump cũng cho biết "cấm phổ biến hạt nhân" là vấn đề quan trọng nhất mà họ đã làm việc với nhau. 

Phóng viên AP đề nghị Tổng thống Trump cảnh báo ngay trước các ống kính camera rằng ông Putin đừng bao giờ can thiệp vào bầu cử Mỹ một lần nữa. Đáp lại, nhà lãnh đạo Mỹ đã lên tiếng mạnh mẽ về các máy chủ của FBI, về những email mà bà Hillary Clinton đã để mất. "Tổng thống Putin hôm nay đã bác bỏ cực kỳ mạnh mẽ (về cáo buộc can thiệp bầu cử)".

Khi được hỏi liệu ông Trump tin tưởng các cơ quan tình báo Mỹ đã kết luận Nga can thiệp bầu cử, hay tin ông Putin, người đã bác bỏ cáo buộc, Tổng thống Mỹ chuyển sang vấn đề máy chủ của Ủy ban tranh cử đảng Dân chủ (bị cho là bị hacker Nga xâm nhập).

22:23 Ngày 16/07/2018

Tổng thống Trump: Quan hệ Nga-Mỹ đã thay đổi sau 4 giờ

Chú thích ảnh
Tổng thống Trump phát biểu tại cuộc họp báo. Ảnh: Reuters

Ông cho biết: "Chúng tôi đã có một cuộc đối thoại trực tiếp, cởi mở và mang tính xây dựng sâu sắc. Cuộc đối thoại diễn ra rất tốt".

Tổng thống Trump đã một lần nữa chúc mừng ông Putin vì tổ chức thành công World Cup và chúc mừng thành tích đội tuyển Nga.

Cũng trong họp báo chung, ông Trump khẳng định: "Bất đồng giữa hai quốc gia chúng ta là điều ai cũng biết và Tổng thống Putin cùng tôi đã thảo luận nhiều về những bất đồng đó ngày hôm nay".

Ông Trump cho rằng để giải quyết các vấn đề thế giới, hai quốc gia sẽ phải hợp tác: "Ngay trong lúc căng thẳng thời Chiến tranh Lạnh, khi thế giới khác nhiều so với bây giờ, Nga và Mỹ đã có thể duy trì đối thoại mạnh mẽ. Quan hệ của chúng ta chưa bao giờ tồi tệ hơn bây giờ. Tuy nhiên, điều đó đã thay đổi. Khoảng 4 giờ trước đây".

Tổng thống Trump cũng nói ông cho rằng quan hệ ngoại giao với Nga là điều cần thiết. Ông cho biết: "Không có gì dễ hơn việc từ chối gặp nhau, từ chối cam kết. Nhưng từ chối gặp nhau sẽ không đạt được điều gì".

Phát biểu trước các phóng viên, Tổng thống Trump khẳng định ông và ông Putin đã có một ngày "rất xây dựng, một vài giờ rất xây dựng" cùng nhau. Ông nói: "Tôi chắc chúng ta sẽ gặp nhau lại trong tương lai, thường xuyên".

22:15 Ngày 16/07/2018

Cuộc họp báo chung bắt đầu với bài phát biểu của Tổng thống Putin.

Chú thích ảnh
Hai nhà lãnh đạo trong cuộc họp báo chung. Ảnh: Reuters

"Chiến tranh Lanh đã là chuyện của quá khứ", ông nói, "Hôm nay, cả Nga và Mỹ đối mặt với một loạt thách thức mới".

Ông Putin cho biết, trong cuộc hội đàm, họ đã vạch ra "những bước đi đầu tiên nhằm cải thiện mối quan hệ này và khôi phục lòng tin ở mức có thể chấp nhận".

Tổng thống Nga cũng cho hay, hai bên đã thảo luận về vấn đề chống khủng bố, an ninh mạng, cuộc khủng hoảng tại Syria và giải pháp đưa người tị nạn trở về nhà, cũng như cách thức Mỹ và Nga trao đổi với nhau về sự can thiệp của mình tại Syria. 

Tổng thống Putin cho biết, ông vui mừng khi các vấn đề liên quan tới Triều Tiên đang bắt đầu được giải quyết. 

"Tôi phải nhắc lại những gì tôi đã nói trước đây, trong những cuộc gặp riêng với Ngài Tổng thống, nước Nga không bao giờ can thiệp và không có ý định can thiệp vào nền chính trị nội địa Mỹ, trong đó có các cuộc bầu cử", ông Putin khẳng định.

Nếu "có bất cứ chứng cứ nào như vậy, nếu bất cứ thứ gì đó xuất hiện, chúng tôi sẵn sàng thảo luận cùng nhau về chúng", Tổng thống Putin nói về cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử Mỹ 2016.

 

22:11 Ngày 16/07/2018

Tổng thống Putin đánh giá Hội nghị Thượng đỉnh Nga - Mỹ tại Helsinki là một thành công.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin họp báo chung. Ảnh: Daily Express
22:11 Ngày 16/07/2018

Phóng viên phá đám, làm cản trở cuộc họp báo Hội nghị Thượng đỉnh Trump-Putin

Chú thích ảnh
Nhà báo của The Nation (phải) bị đuổi ra khỏi phòng họp báo. Ảnh: The Guardian
22:11 Ngày 16/07/2018

Nga đề nghị Mỹ thành lập lại Nhóm chuyên viên phụ trách chống khủng bố

Phát biểu tại cuộc họp báo chung, Tổng thống Nga Putin đã đề nghị Mỹ thành lập lại Nhóm chuyên viên chung phụ trách chống khủng bố.

22:01 Ngày 16/07/2018

Xem trực tiếp họp báo chung giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nga

21:59 Ngày 16/07/2018

Các phóng viên đã tập trung để tham gia họp báo chung giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Putin.

Chú thích ảnh
Bục hai nhà lãnh đạo họp báo. Ảnh: Guardian
20:28 Ngày 16/07/2018

Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Mỹ bước vào phần hội đàm mở rộng

Chú thích ảnh
Hai phái đoàn Mỹ-Nga bước đầu vào cuộc đàm phán mở rộng. Ảnh: AFP

Sau phần hội đàm kín, Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Mỹ đã bước vào phần hội đàm mở rộng. Phía Mỹ có sự tham gia của 5 quan chức nữa gồm: Đại sứ Mỹ tại Nga Jon Huntsman, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly, Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton và Cố vấn của Tổng thống Trump về vấn đề Nga Fiona Hill. 

Phái đoàn Nga cũng có thêm 5 quan chức, trong đó có Ngoại trưởng Sergei Lavrov, và Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitri Petrov.

20:28 Ngày 16/07/2018

Tổng thống Trump tuyên bố đã có một sự khởi đầu tốt với người đồng cấp Putin

Chú thích ảnh
Hai phái đoàn bắt đầu bữa trưa làm việc sau khi Tổng thống Putin, Trump hội đàm kín. Ảnh: Nhà Trắng
20:22 Ngày 16/07/2018

Cuộc hội đàm kín kéo dài 2 tiếng 10 phút giữa hai lãnh đạo Nga-Mỹ đã kết thúc.

19:38 Ngày 16/07/2018

Phóng viên CNN cho biết, cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ diễn ra đúng vào ngày nóng nhất ở thủ đô Phần Lan trong nhiều năm qua. 

Nhiệt độ tại thành phố lúc này là 30 độ C, vượt qua mức nhiệt nóng nhất trong vài năm trở lại đây, và có thể là ngày nóng nhất kể từ năm 2010. Nhiệt độ trung bình tại Helsinki vào giữa tháng 7 chỉ khoảng 20 độ C.

Phòng họp nơi Tổng thống Trump và Putin có màn chào hỏi và đưa ra những lời phát biểu đầu tiên, được cho là không lắp máy điều hòa không khí.

19:26 Ngày 16/07/2018

Theo nguồn tin từ Nhà Trắng, Tổng thống Trump có người phiên dịch riêng của ông trong phòng họp kín với người đồng cấp Putin. Đó là bà Marina Gross, người trước đây từng làm phiên dịch cho Bộ Ngoại giao Mỹ và cựu Đệ nhất phu nhân Laura Bush. 

 

Chú thích ảnh
Nữ phiên dịch viên Marina Gross (thứ hai từ trái sang) từng làm việc cho cựu đệ nhất phu nhân Laura Bush.

Bà Gross từng hộ tống cựu đệ nhất phu nhân Laura Bush trong chuyến thăm Sochi, Nga vào năm 2008. 

 

19:21 Ngày 16/07/2018

Hai Ngoại trưởng Nga-Mỹ hội đàm

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Nga Lavrov (ngồi quay lưng) và Ngoại trưởng Mỹ Pompeo (phải) trong cuộc hội đàm. Ảnh: TASS

Theo phóng viên Sebastian Shukla và Antoine Sanfuentes của kênh truyền hình CNN, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov cũng đang hội đàm song song với phiên thảo luận kín giữa hai tổng thống.

Đây được coi là cuộc gặp đầu tiên giữa hai ông kể từ khi ông Pompeo được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Mỹ.

Trong khi đó, dự kiến sau cuộc gặp kín, hai nhà lãnh đạo Nga Mỹ sẽ có cuộc hội đàm mở rộng, với sự có mặt của các cố vấn, trước khi họ tiến hành cuộc họp báo chung.

18:23 Ngày 16/07/2018

Những chủ đề quan trọng dự kiến được ông Trump-Putin thảo luận kín

Chú thích ảnh
18:18 Ngày 16/07/2018

Tổng thống Putin và Tổng thống Trump bắt đầu đối thoại riêng, dự kiến trong 90 phút (chỉ có phiên dịch tham dự).

18:18 Ngày 16/07/2018

Tổng thống Trump và Tổng thống Putin bắt tay nhau trong 3 giây. Hai nhà lãnh đạo không cười, trông có vẻ căng thẳng.

Video hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nga bắt tay nhau trước khi chính thức phiên thảo luận kín (nguồn: Vox):

 

18:05 Ngày 16/07/2018

Hai nhà lãnh đạo bắt đầu gặp nhau

Chú thích ảnh
Ông Trump và ông Putin tọa đàm. Ảnh: Reuters

Hai nhà lãnh đạo chụp ảnh tại Phủ Tổng thống ở Helsinki.

Tổng thống Putin cho biết rất vui được gặp Tổng thống Trump. Ông nói: "Chúng ta đã duy trì liên lạc qua điện thoại kể từ lần trước và chắc chắn đã tới lúc thảo luận công việc bởi có rất nhiều điều xảy ra trên thế giới này mà chúng ta cần nói đến”.

Video buổi tọa đàm giữa hai nhà lãnh đạo trước khi bắt đầu phiên họp kín (nguồn: Fox News):

Về phần mình, Tổng thống Trump chúc mừng Nga tổ chức thành công World Cup 2018 và chúc mừng thành tích của đội tuyển Nga. Ông Trump nói: "Tôi đã xem một chút... rất tuyệt vời". Ông cho biết hai ông sẽ có nhiều điều để bàn bạc, từ thương mại, quân sự, tên lửa, hạt nhân cho tới Trung Quốc và người bạn chung là Chủ tịch Tập Cận Bình.

Tổng thống Trump phát biểu: "Chúng ta có những cơ hội tuyệt vời cùng nhau. Chúng ta đã không hòa hợp trong nhiều năm rồi. Hòa hợp là một điều tốt. Thế giới muốn thấy chúng ta hòa hợp. Chúng ta chiếm tới 90% vũ khí hạt nhân của thế giới và đó không phải là điều tốt".

18:00 Ngày 16/07/2018

Tổng thống Trump bước vào Phủ Tổng thống Phần Lan, sẵn sàng gặp Tổng thống Putin

Chú thích ảnh
Tổng thống Trump bước vào Phủ Tổng thống Phần Lan. Ảnh: RT
17:51 Ngày 16/07/2018

Thủ đô Helsinki siết chặt an ninh cho cuộc gặp Trump-Putin

Chú thích ảnh
17:46 Ngày 16/07/2018

Đoàn xe hộ tống "Quái Thú" của Tổng thống Trump đã tới Phủ Tổng thống Phần Lan

Chú thích ảnh
Xe đặc chủng "Quái Thú" chở Tổng thống Trump đã có mặt tại điểm hội nghị
17:36 Ngày 16/07/2018

Phái đoàn Tổng thống Nga Putin đã có mặt tại Phủ Tổng thống Phần Lan

 

Chú thích ảnh
Đoàn xe hùng hậu của Tổng thống Nga tiến vào Phủ Tổng thống Phần Lan. Ảnh: Tass
Chú thích ảnh
Đoàn xe đặc chủng của Tổng thống Putin tiến vào Phủ Tổng thống Phần Lan. Ảnh: Yle

 

Chú thích ảnh
Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto và Tổng thống Putin bước vào phòng hội nghị tại Phủ Tổng thống. Ảnh: Yle
17:30 Ngày 16/07/2018

Lùi thời gian Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Mỹ

 Theo thông báo của Nhà Trắng, Hội nghị Thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Trump sẽ phải lùi thời gian khai mạc vì ông Putin đến Helsinki muộn hơn dự kiến. Tổng thống Trump và phu nhân vẫn ở lại khách sạn vào lúc 13h25 phút (giờ địa phương). Hội nghị ban đầu dự kiến khai mạc lúc 13h, song sẽ diễn ra chậm hơn khoảng 40 phút.

Chú thích ảnh
Phủ Tổng thống Phần Lan sẵn sàng cho Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Mỹ. Ảnh: RT
17:16 Ngày 16/07/2018

Đoàn xe đặc chủng của Tổng thống Nga Putin trên đường tới Phủ Tổng thống Phần Lan. Mặc dù chuyên cơ hạ cánh xuống sân bay Helsinki muộn gần một tiếng so với dự kiến, nhưng ông Putin dự kiến sẽ có mặt tại Phủ Tổng thống Phần Lan trước nhà lãnh đạo Mỹ. Tổng thống Donald Trump đã gặp Tổng thống Phần Lan vào buổi sáng 16/7, sau đó ông trở về khách sạn nghỉ trưa.

Chú thích ảnh
Đoàn xe đặc chủng chở Tổng thống Nga Putin rời sân bay Helsinki để tới Phủ Tổng thống Phần Lan để tiến hành Hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ
17:13 Ngày 16/07/2018

Tổng thống Nga Putin bước xuống từ chuyên cơ để tới gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Phủ Tổng thống Phần Lan.

Chú thích ảnh
Tổng thống Nga Putin bước xuống từ chuyên cơ sau khi đến muộn khoảng 45 phút. Ảnh: Bộ Ngoại giao Nga

Video Tổng thống Putin bước xuống chuyên cơ (nguồn: Euronews):

 

17:09 Ngày 16/07/2018

Bước đầu tiên hàn gắn quan hệ Nga-Mỹ

Phát ngôn viên của Tổng thống Putin, ông Dmitry Peskov cho biết ông hi vọng hội nghị thượng đỉnh sẽ là một bước đầu tiên trong hàn gắn quan hệ Nga-Mỹ đang ở giai đoạn xấu chưa từng thấy.

Trước thềm hội nghị ngày 16/7, ông cho biết hai lãnh đạo không có lịch trình cố định nhưng thừa nhận trách nhiệm đặc biệt đối với sự ổn định toàn cầu.

Theo ông Peskov, lãnh đạo Nga tôn trọng quan điểm “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Trump vì Tổng thống Putin cũng đặt nước Nga trên hết. Tuy nhiên, cách duy nhất để đạt tiến triển tại hội nghị lần này là cả hai bên cởi mở để tìm các lĩnh vực chung lợi ích.

Các quan chức Nga cho biết ông Putin dự kiến sẽ nhắc lại lời bác bỏ cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ.

17:02 Ngày 16/07/2018

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tới sân bay Helsinki

Chú thích ảnh
Chuyên cơ của Tổng thống Nga Putin đã hạ cánh xuống Helsinki
16:57 Ngày 16/07/2018

Máy bay Tổng thống Putin tới muộn hơn dự kiến

Chú thích ảnh
Xe limousine chờ Tổng thống Putin tại sân bay Helsinki.

Máy bay của Tổng thống Nga Vladimir Putin hạ cánh xuống thủ đô Helsinki, Phần Lan chậm 45 phút so với giờ dự kiến. Phát biểu với kênh truyền  hình CNN, Thomas Pickering – cựu Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc - cho biết họ vẫn đang chờ máy bay Tổng thống Putin. 

16:53 Ngày 16/07/2018

Cuộc gặp được mong chờ

Sự kiện sẽ đánh dấu cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa hai lãnh đạo sau khi hai ông đã từng gặp mặt không chính thức hai lần trước đó tại hội nghị G20 ở Đức và APEC tại Việt Nam.

Dự kiến, hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nga diễn ra vào lúc khoảng 13 giờ ngày 16/7 (giờ địa phương), tức 17 giờ cùng ngày (giờ Hà Nội). Sau cuộc gặp, hai lãnh đạo sẽ có bữa ăn trưa công việc mở rộng. Cuộc họp báo chung của hai nhà lãnh đạo sẽ bắt đầu vào lúc 16h50 (tức 20h50 giờ Hà Nội).

Chú thích ảnh
Tổng thống Donald Trump, Ngoại trưởng Mike Pompeo, Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton dùng bữa sáng cùng Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö tại Helsinki. Ảnh: Reuters

Theo Tổng thống Trump, ông sẽ thảo luận với người đồng cấp Nga và tình hình ở Syria và Ukraine. Trước đó, có thông tin cho rằng Tổng thống Trump muốn gặp riêng Tổng thống Putin, không có mặt của bất kỳ ai khác. Tuy nhiên, 8 nghị sĩ Dân chủ tại Thượng viện đã viết thư đề nghị Tổng thống Trump không gặp riêng ông Putin.

Trước đó, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John R. Bolton đã gặp Tổng thống Putin ngày 27/6 để thảo luận về chi tiết hội nghị thượng đỉnh và các vấn đề song phương khác.

16:50 Ngày 16/07/2018

Vì sao Helsinki được chọn đăng cai Hội nghị?

Chú thích ảnh
Dinh Tổng thống Phần Lan, nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Trump - Putin.

Helsinki không phải là một nơi xa lạ với những cuộc gặp cấp cao Nga-Mỹ. Nơi đây từng diễn ra nhiều cuộc gặp của lãnh đạo Xô – Mỹ trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Năm 1975, Tổng thống Gerald Ford gặp Tổng bí thư Liên Xô Leonid Brezhnev; năm 1990, Tổng thống Bush cha gặp lãnh đạo Liên Xô Gorbachev và Tổng thống Clinton gặp Tổng thống Nga Boris Yeltsin tại Helsinki năm 1997.

Helsinki thường được chọn tổ chức các cuộc hội nghị lịch sử là vì Phần Lan đóng vai trò trung lập trong suốt cuộc Chiến tranh Lạnh. Nước này chưa từng gia nhập NATO và có mối quan hệ hòa hảo với Nga, đất nước chia chung đường biên giới dài gần 1.300km.

Ngoài ra, trước khi bay tới Helsinki, Tổng thống Putin đã tham dự lễ bế mạc World Cup 2018 và dự khán trận chung kết giữa đội tuyển Pháp và Croatia. Như vậy một chuyến bay ngắn, chỉ một tiếng rưỡi tới Helsinki sẽ rất hợp lý với khoảng thời gian gấp gáp của nhà lãnh đạo Nga. Trong khi đó, Tổng thống Trump sẽ phải bay không đầy ba tiếng sau khi thăm Anh.

16:47 Ngày 16/07/2018

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Đệ nhất phu nhân Melania Trump đã đến Phủ Tổng thống Mantyniemi tại Helsinki vào ngày 16/7. Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto trực tiếp đón người đồng cấp Mỹ.

 

16:45 Ngày 16/07/2018

Hội nghị Thượng đỉnh giữa hai nước có ý nghĩa quan trọng đối với thế giới

Chú thích ảnh
Nikita Khrushchev cùng với John F. Kennedy tại Vienna, Áo tháng 6/1961. Ảnh: Nhà Trắng/Reuters

Rất nhiều hội nghị thượng đỉnh Liên Xô – Mỹ trước đây, hay Nga – Mỹ sau này có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với quan hệ song phương mà còn trực tiếp định hình bản đồ địa chính trị thế giới. Đó là Hội nghị Thượng đỉnh giữa Tổng thống Dwight D. Eisenhower  và nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev tại Mỹ vào ngày 15/9/1959 góp phần định hình ổn định thế giới thời hậu chiến; đó là cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo John Kennedy - Nikita Khrushchev giữa đỉnh cao Chiến tranh Lạnh vào năm 1961; đó là cuộc gặp giữa Mikhail Gorbachev - Ronald Reagan, một trong những hội nghị thượng đỉnh nổi tiếng nhất lịch sử góp phần ngăn chặn thế giới thoát khỏi một cuộc chiến tranh hạt nhân.  
 

Chú thích ảnh
Tổng bí thư LIên Xô Mikhail Gorbachev và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan ký Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung tại Nhà Trắng vào ngày 8/12/1987. Ảnh: Reuters.

Hội nghị Thượng đỉnh giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Trump cũng được chờ đợi sẽ mở ra một chu kỳ hòa hoãn và hợp tác mới giữa hai nước, vì hòa bình ổn định của thế giới.

16:43 Ngày 16/07/2018

Lịch sử thăng trầm các cuộc gặp lịch sử Nga-Mỹ

Chú thích ảnh
Tổng bí thư Liên Xô Nikita Khrushchev (trái) ngồi cạnh Tổng thống Dwight D. Eisenhower trên xe tại Washington.

Lịch sử Liên Xô (trước đây) và Nga hiện nay với Mỹ đã chứng kiến rất nhiều thăng trầm. Từ chỗ cùng phe Đồng minh trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, hai nước đã trở thành những đối thủ chiến lược của nhau trong suốt hơn nửa thế kỷ qua.

Dù có những thời điểm quan hệ song phương khởi sắc, song nhìn xuyên suốt chiều dài lịch sử, xu thế đối đầu và mâu thuẫn chiếm gam màu chính. Kể từ Chiến tranh Thế giới Thứ 2 tới nay, hai nước đã tiến hành hơn 10 lần hội nghị thượng đỉnh chính thức.

16:42 Ngày 16/07/2018

Syria, cuộc chiến ủy nhiệm Mỹ-Nga

Tháng 9/2015, Nga đưa quân vào Syria theo đề nghị của Tổng thống Bashar al-Assad nhằm hỗ trợ lực lượng chính phủ chống khủng bố. Việc Nga can thiệp vào cuộc xung đột tại Syria đã trở thành một trong những vấn đề gây căng thẳng nhất trong mối quan hệ giữa Nga với Mỹ và các nước phương Tây.

Syria trở thành chiến trường cho một cuộc chiến tranh ủy nhiệm Nga - Mỹ. Nga hậu thuẫn lực lượng quân đội chính phủ của Tổng thống Assad, tấn công tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các phe nổi dậy khác. Trong khi đó, Mỹ hỗ trợ tài chính, hậu cần, vũ khí cho lực lượng nổi dậy Quân đội Syria Tự do, nhằm lật đổ chính quyền Tổng thống Assad, từ lâu đã bị coi là "cái gai" trong mắt Mỹ tại Trung Đông.

Cuộc nội chiến bùng phát từ tháng 3/2011 tại Syria đến nay đã bước sang năm thứ 8, với việc quân đội chính phủ Syria giành lại quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ. Khủng bố IS gần như bị quét sạch. Lực lượng người Kurd được sự hỗ trợ của Mỹ đã tham gia cuộc chiến chống IS, nay kiểm soát vùng phía bắc Syria. Các lực lượng nổi dậy được Mỹ hỗ trợ còn kiểm soát tỉnh Idlib ở tây bắc và Deraa ở tây nam Syria.

Chú thích ảnh
Khu vực màu đỏ hiện do lực lượng chính phủ Syria kiểm soát.

Syria sẽ là một trong những nội dung quan trọng được thảo luận tại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Nga diễn ra hôm nay. Giới quan sát nhận định, nhiều khả năng Mỹ - Nga sẽ dàn xếp một thỏa thuận duy trì quyền lực của Tổng thống Syria Assad, với việc Washington từ bỏ yêu cầu "Assad phải ra đi", để đổi lấy cam kết của Nga về kiềm chế ảnh hưởng của Iran.

16:40 Ngày 16/07/2018

Mối đe dọa "Đông tiến" của NATO với Nga

 

Chú thích ảnh
Tập trận Viking 2017 của binh sĩ NATO sát biên giới Nga. Ảnh: RT

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã quyết định mở rộng phạm vi hoạt động lẫn tầm ảnh hưởng ở sườn phía Đông của khối này với 4 tiểu đoàn luân phiên tại Ba Lan, Estonia, Latvia và Litva từ năm 2017, bất chấp những cảnh báo và phản ứng gay gắt của Moskva cho rằng bất kỳ hành động “bành trướng” nào của NATO về khu vực phía Đông giáp biên giới nước này là mối đe dọa an ninh nghiêm trọng và làm giảm lòng tin giữa hai bên.

Video 8.000 binh sĩ NATO tập trận sát sườn Nga (nguồn: RT)

Với lý do tăng cường khả năng phòng thủ và răn đe để trấn an những lo ngại của các quốc gia thành viên Đông Âu về cái gọi là "mối đe dọa" từ Nga, NATO đã tăng cường đáng kể nguồn lực quân sự về phía Đông.

Hành trình "Đông tiến" luôn được NATO coi là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển tương lai của khối này. Bất chấp thỏa thuận năm 1990 giữa NATO và Liên Xô trước đây, NATO đã 3 lần "Đông tiến", trong đó đợt mở rộng quy mô và ồ ạt nhất là năm 2004 với việc kết nạp 3 nước Baltic và 4 nước Đông Âu.

16:40 Ngày 16/07/2018

Làn sóng trục xuất nhà ngoại giao Nga-Mỹ

Chú thích ảnh
Cảnh sát Nga tại Lãnh sự quán Mỹ ở St Petersburg. Ảnh: Reuters

Nga và Mỹ từng dùng biện pháp ăn miếng trả miếng khi trục xuất hàng chục nhà ngoại giao của nhau. Vụ việc xảy ra trong bối cảnh Nga bị Anh cáo buộc đầu độc một cựu điệp viên trên đất Anh – cáo buộc mà Nga kiên quyết bác bỏ.

Ngày 26/3, Mỹ thông báo trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga bị xác định là quan chức tình báo tại Mỹ, đồng thời đóng cửa lãnh sự quán Nga ở Seattle.

Đáp lại, ngày 29/3, Nga tuyên bố trục xuất 60 nhà ngoại giao Mỹ (58 người từ Moskva và 2 người từ Yekaterinburg), đóng cửa lãnh sự quán Mỹ tại Saint Petersburg.

16:28 Ngày 16/07/2018

Cuộc gặp không chính thức Trump-Putin tại Việt Nam

Trước khi cùng tới Helsinki, Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Trump từng hai lần gặp không chính thức bên lề các hội nghị quốc tế. Cuộc gặp đầu tiên giữa hai ông diễn ra bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Đức vào tháng 7/2017. Lần gần đây nhất, hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ đã gặp nhau và có cuộc trao đổi nhanh bên lề Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác châu Á Thái Bình Dương tại Đà Nẵng, Việt Nam vào tháng 11/2017 (video dưới). 

 

Báo Tin tức
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN