Phương tiện truyền thông Uriminjokkiri của Triều Tiên đăng bài bình luận nêu rõ Tuyên bố chung Bình Nhưỡng tháng 9 và Tuyên bố Panmunjom cùng thỏa thuận liên Triều trong lĩnh vực quân sự, được thông qua năm 2018, đã cam kết chấm dứt xung đột vũ trang giữa hai miền Triều Tiên, nhưng các văn kiện này chỉ tồn tại trên giấy khi quân đội vẫn Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc.
Báo trên cho rằng Mỹ tiếp tục ở lại Hàn Quốc nhằm chi phối quân đội Hàn Quốc và thúc đẩy các cuộc diễn tập quân sự chung, qua đó đe dọa nghiêm trọng Bán đảo Triều Tiên.
Hiện Hàn Quốc và Mỹ đã kết thúc vòng đàm phán thứ hai Thỏa thuận Các biện pháp đặc biệt (SMA) lần thứ 11 tại Honolulu, trên đảo Hawaii (Mỹ), nhưng chưa đạt được thỏa thuận. Trong năm nay, khoản tiền đóng góp của Hàn Quốc trong chi phí cho lực lượng Mỹ đồn trú tại nước này là 1.038,9 tỷ won (884 triệu USD).
Seoul chủ trương đề xuất mức tăng hợp lý, không chênh quá nhiều so với năm nay. Ngược lại, Mỹ đang yêu cầu phần đóng góp của Hàn Quốc là 5 tỷ USD, cao gấp nhiều lần so với mức đóng góp hiện tại của Seoul.
Washington cho rằng, ngoài các chi phí về nhân công, chi phí xây dựng quân sự, chi phí hậu cần cho lực lượng quân đồn trú Mỹ, phải lập thêm hạng mục mới là “chi phí hỗ trợ tác chiến”, trong đó Hàn Quốc phải gánh vác cả chi phí triển khai vũ khí chiến lược của Mỹ tới Bán đảo Triều Tiên.
Hiệp định SMA lần thứ 10 sẽ hết hiệu lực trong năm nay. Do vậy, cả hai nước đều nhất trí phải hoàn tất đàm phán trong năm 2019. Tuy nhiên, do lập trường của hai bên rất khác biệt, nên tiến trình đàm phán thời gian tới dự kiến không hề dễ dàng.