Theo hãng tin CNN, Ấn Độ đã trải qua 5 ngày liên tiếp ghi nhận số ca mắc COVID-19 trung bình trong 24 giờ đạt kỷ lục. Các bệnh viện từ chối tiếp nhận bệnh nhân vì không còn giường trống, nguồn cung oxy và thuốc men cạn kiệt, máy thở không có sẵn, trong khi nhiều bệnh nhân dồn hết tiền của để tìm cách chữa trị.
Trong tình trạng khẩn cấp quốc gia này, oxy lưu lượng cao là thứ khan hiếm nhất, bởi đây là phương pháp điều trị duy nhất giúp cứu sống bệnh nhân. Chỉ tính riêng trong làn sóng COVID-19 thứ hai bùng phát mạnh mẽ trở lại từ tháng trước, hàng nghìn người đã tử vong.
Các nguồn tin biết rõ vấn đề không chỉ rõ nhân viên ngoại giao Mỹ mắc COVID-19 làm việc ở khu vực nào tại Ấn Độ. Hiện Mỹ đang điều hành 5 lãnh sự quán tại các thành phố khác nhau và 1 đại sứ quán ở thủ đô New Delhi.
Một trong hai nguồn tin cho hay các nhân viên ngoại giao cùng người thân và những nhân viên địa phương được tuyển dụng bắt đầu được tiêm vaccine ngừa COVID-19 trong hai tuần trở lại đây.
Theo các nguồn tin, một số nhân viên Mỹ cảm thấy tức giận vì họ không được cung cấp thông tin rõ ràng về thời điểm các phái đoàn ngoại giao Mỹ được tiêm vaccine cũng như họ cảm thấy không được ưu tiên như những nhân viên ngoại giao các nước khác như châu Âu. Một nguồn tin bức xúc về sự chậm trễ trong việc tiếp cận vaccine và thậm chí đã có hai người tử vong.
Trước đó, trong một cuộc họp báo tháng này, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price khẳng định: “Bộ đã hoàn thành việc tiêm chủng cho toàn bộ nhân viên ở nước ngoài”.
“Không có một ưu tiên nào khác ngoại trừ đảm bảo an toàn và an ninh cho đội ngũ nhân viên. Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ tình hình và sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo sức khỏe của các nhân viên, bao gồm cung cấp vaccine”, Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.
Người phát ngôn Ned Price không xác nhận ổ dịch COVID-19 đang bùng phát trong các phái đoàn ngoại giao tại Ấn Độ.
“Ấn Độ đang hứng chịu một làn sóng đại dịch đáng lo ngại và toàn bộ quốc gia bị ảnh hưởng. Tất nhiên chúng ta có đội ngũ nhân viên ngoại giao lớn ở Ấn Độ song tôi không được phép đề cập đến bất kỳ trường hợp mắc bệnh nào trong đội ngũ hay cộng đồng đại sứ của chúng ta”, Ned Price phát biểu tại cuộc họp báo ngày 26/4.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ từng ban hành một quy định “cho phép các nhân viên Mỹ và người thân của họ tại các lãnh sự, đại sứ quán bất kỳ nơi nào trên thế giới rời khỏi vị trí trong trường hợp nguy cơ phơi nhiễm cao với COVID-19”. Tuy nhiên, quy định này sau đó đã được thu hồi và chỉ áp dụng cho từng quốc gia tùy tình hình cụ thể. Tính đến ngày 26/4, Bộ Ngoại giao Mỹ chưa cho phép nhân viên rời khỏi Ấn Độ.
Cùng ngày, trong một dòng trạng thái Twitter, lãnh sự quán Mỹ tại Chennai viết: "Sau khi xem xét tình hình COVID-19 hiện tại, lãnh sự quán Mỹ tại Chennai tạm ngưng các dịch vụ thông thường từ ngày 26/4 đến ngày 15/5, bao gồm hẹn phỏng vấn xin thị thực định và các cuộc hẹn Dịch vụ Công dân Mỹ thông thường”. Đại sứ quán ở New Delhi cũng ra một thông báo tương tự vào ngày 23/4. Tại Số lượng nhân viên làm việc trực tiếp tại đại sứ quán Mỹ đã được cắt giảm .Trước đó, ngày 9/4, lãnh sự quán ở Mumbai cho biết họ sẽ "chỉ cung cấp các dịch vụ lãnh sự thiết yếu cho đến khi có thông báo mới”.