Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 diễn ra vào ngày 5/11 đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử chính trị của nước này. Đến ngày 6/11 (giờ Việt Nam), kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 tại Mỹ đã ngã ngũ với việc ứng cử viên Donald Trump của đảng Cộng hòa giành chiến thắng. Kết quả này không chỉ ảnh hưởng đến tình hình nội bộ nước Mỹ mà còn có tác động sâu sắc đến chính sách đối ngoại và vị thế của Mỹ trên trường quốc tế.
Nước Mỹ sang trang mới
Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ, ông Trump đã giành được ít nhất 270 phiếu đại cử tri, vượt qua ngưỡng 270 phiếu theo luật định và qua đó đánh bại ứng cử viên Kamala Harris của đảng Dân chủ để trở thành tổng thống thứ 47 của nước Mỹ. Chiến thắng quyết định diễn ra tại bang chiến trường Pennsylvania với 19 phiếu đại cử tri. Đây cũng là nhiệm kỳ thứ 2 ông Trump giữ cương vị chủ nhân Nhà Trắng, sau nhiệm kỳ một từ năm 2016-2020.
Ngay sau khi kết quả được công bố, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã có bài diễn văn ăn mừng trước đông đảo người ủng hộ tại Palm Beach, bang Florida. Ông nói: "Đây thực sự sẽ là thời kỳ hoàng kim của nước Mỹ. Đây là một chiến thắng vĩ đại cũng sẽ giúp chúng ta đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại".
Dự kiến, các đại cử tri đoàn tại các bang sẽ nhóm họp vào ngày 17/12 tới để bỏ phiếu đại cử tri chính thức bầu ứng cử viên Donald Trump làm tổng thống tiếp theo của nước Mỹ. Ông Trump sẽ tuyên thệ nhậm chức tại Đồi Capitol vào ngày 20/1/2025. Kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 đã mở ra một trang mới trong lịch sử nước Mỹ. Với việc giành chiến thắng, ông Trump đã trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên giành chiến thắng trong các nhiệm kỳ không liên tiếp trong hơn một thế kỷ.
Tiếp theo trong cuộc bỏ phiếu, cử tri sẽ quyết định thành phần của Quốc hội Mỹ nhiệm kỳ tiếp theo. Tại Thượng viện, 34 ghế được bầu, với các Thượng nghị sĩ giữ nhiệm kỳ 6 năm. Theo tờ Wall Street Journal, đảng Cộng hòa đã giành quyền kiểm soát Thượng viện, một chiến thắng cho đảng này vốn đã bị loại khỏi đa số tại cơ quan trên kể từ năm 2021. Đảng Cộng hòa hiện đang chuẩn bị quyết định số phận chương trình nghị sự của tổng thống tiếp theo. Thượng nghị sĩ John Barrasso, người chủ trì Hội nghị Cộng hòa Thượng viện, cho biết: “Với tư cách là đa số Cộng hòa mới tại Thượng viện, trọng tâm của chúng tôi sẽ là thực hiện chương trình nghị sự phản ánh các ưu tiên của Mỹ - giá cả thấp hơn, chi tiêu ít hơn, biên giới an toàn và sự thống trị về năng lượng của Mỹ”. Tại Hạ viện, theo CNN, đảng Cộng hòa đang bảo vệ một đa số hẹp và có thể mất một tuần hoặc hơn trước khi quyền kiểm soát được xác định chính thức.
Có thể nói, kết quả của cuộc bầu cử lần này sẽ có tác động đáng kể đến hướng đi của Mỹ và các chính sách quan trọng trong tương lai. Trước thềm cuộc bầu cử, tình hình chính trị tại Mỹ đã trở nên phân cực hơn bao giờ hết. Các vấn đề như nhập cư, quyền sở hữu súng, quyền lợi của các nhóm thiểu số, biến đổi khí hậu và quyền phá thai đã trở thành những chủ đề nóng bỏng, chia rẽ sâu sắc các nhóm cử tri. Kinh tế cũng là một yếu tố quan trọng sau cuộc bầu cử này. Sau đại dịch COVID-19, nền kinh tế Mỹ đang phải đối mặt với nhiều thách thức như lạm phát gia tăng và chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Khi vận động tranh cử, ông Trump đã tập trung vào các vấn đề kinh tế nội địa và nhập cư, kêu gọi cử tri ủng hộ chính sách "Nước Mỹ trên hết".
Khi trở lại Nhà Trắng với tư cách "Chính quyền Trump 2.0", ông Trump được dự đoán sẽ không phải là một Tổng thống ôn hòa. Thay vào đó, ông sẽ coi sự trở lại khó tin của mình là một nhiệm vụ để điều hành theo chương trình nghị sự cấp tiến mà ông đã vận động. Trọng tâm trong các thiết kế của ông Trump là kế hoạch tập trung quyền lực của chính quyền liên bang vào Văn phòng tổng thống.
Trong các cuộc vận động tranh cử, ông Trump đều thể hiện rằng các đề xuất đầy tham vọng nhất của ông sẽ được thực hiện thông qua hàng loạt những hành động hành pháp: Đóng cửa biên giới phía nam và khởi xướng trục xuất hàng loạt người di cư; áp đặt thuế quan trên diện rộng đối với hàng hóa nhập khẩu.
Ngoài ra, ông Trump cũng tỏ rõ quan điểm sẽ "thay đổi tận gốc" bộ máy hành chính liên bang bằng cách sa thải các công chức theo ý muốn, và ông sẽ nhắm đến việc vô hiệu hóa quyền lực chi tiêu của “Đồi Capitol” bằng cách kiểm soát các quỹ do Quốc hội phân bổ. Để thúc đẩy tầm nhìn của mình về quyền hành pháp được tăng cường, ông Trump dự kiến sẽ bổ nhiệm những người ủng hộ cho Chính quyền của mình, cam kết xóa bỏ các rào cản vẫn tồn tại trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông. Russ Vought, cựu Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách của ông Trump, hiện là người đứng đầu một nhóm nghiên cứu chuẩn bị cho nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, cho biết: "Tổng thống chưa bao giờ có một quy trình chính sách được thiết kế để mang lại cho ông những gì ông thực sự muốn. Đã có rất nhiều trở ngại về mặt thể chế".
Định hình thế giới
Việc ông Trump tái đắc cử không chỉ định hình tương lai nước Mỹ mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến cục diện chính trị và kinh tế toàn cầu. Đặc biệt khi ông Trump đã thể hiện những quan điểm có thể làm thay đổi căn bản chính sách đối ngoại của siêu cường này.
Với lĩnh vực kinh tế, chính sách của ông Trump có thể tác động mạnh đến quan hệ thương mại của Mỹ với cả Trung Quốc và châu Âu. Trong lĩnh vực thương mại quốc tế, ông Trump đã công bố kế hoạch áp đặt thuế quan mạnh tay: 10% đối với mọi mặt hàng nhập khẩu và đặc biệt là mức thuế 100% với hàng hóa từ Trung Quốc. Mặc dù các chuyên gia cảnh báo về nguy cơ lạm phát, ông Trump tin rằng chính sách này sẽ thúc đẩy sản xuất trong nước và giảm phụ thuộc vào nước ngoài.
Về địa chính trị, những phát biểu của ông Trump về NATO đang gây lo ngại cho các đồng minh truyền thống. Ông tuyên bố sẽ không bảo vệ các quốc gia thành viên không đóng góp đủ cho ngân sách quốc phòng chung. Đáng chú ý, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton còn dự đoán ông Trump có thể hoàn toàn rút Mỹ khỏi liên minh này.
Đối với cuộc xung đột Nga - Ukraine, ông Trump đã nhiều lần bày tỏ thiện cảm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và hứa sẽ kết thúc cuộc chiến chỉ trong một ngày sau khi nhậm chức. Việc ông chọn Thượng nghị sĩ JD Vance, người nổi tiếng phản đối viện trợ cho Ukraine, làm “phó tướng” càng củng cố quan điểm này.
Với Trung Đông, cương lĩnh chính thức của đảng Cộng hòa năm 2024 không đề cập nhiều đến chính sách đối ngoại ở Trung Đông ngoài việc “ủng hộ Israel” và “khôi phục hòa bình ở Trung Đông”. Theo Viện Trung Đông, Chính quyền Trump 2.0 có thể tiếp tục các chính sách trước đó từ năm 2017-2021, như cách tiếp cận “gây sức ép tối đa” đối với Iran, tập trung vào các lệnh trừng phạt kinh tế, phản đối mạnh mẽ việc ngoại giao với Iran về thỏa thuận hạt nhân; thúc đẩy việc đạt được thỏa thuận giữa Mỹ - Saudi Arabia - Israel tương tự như Hiệp định Abraham năm 2020 đã mở ra quan hệ chính thức giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain và Maroc.
Tóm lại, với tầm ảnh hưởng lớn của Washington trong 80 năm qua, những thay đổi trên sau cuộc bầu cử ở Mỹ không chỉ định hình lại vị thế của siêu cường này mà còn có thể làm thay đổi cơ bản trật tự thế giới hiện tại.