Dẫn lời nhận định từ giới chuyên gia quan sát, báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin Tổng thống Mỹ Donald Trump nhân cơ hội trong chuyến thăm Trung Quốc tìm cách thúc đẩy Bắc Kinh cam kết thay đổi mô hình kinh tế. Trong khi chuyến thăm có thể giúp xoa dịu căng thẳng thương mại, Bắc Kinh cũng phải chuẩn bị sẵn tinh thần đón nhận sức ép từ nhà lãnh đạo mong muốn có thêm nhiều nhượng bộ hơn từ Trung Quốc.
Ngày 31/12, Tổng thống Trump tuyên bố thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ được ký vào ngày 15/1, cũng như ông sẽ có chuyến thăm Trung Quốc sau đó để đàm phán thêm.
“Lễ ký kết sẽ diễn ra tại Nhà Trắng. Các đại diện cấp cao của Trung Quốc sẽ có mặt. Một ngày sau đó, tôi sẽ bay tới Bắc Kinh để tham gia đàm phán Giai đoạn 2”, Tổng thống Trump đăng trên mạng xã hội Twitter.
Giữa tháng 12 vừa qua, Trung Quốc và Mỹ tuyên bố một bước đột phá sau gần hai năm đàm phán, với việc Washington dỡ bỏ và giảm một số loại thuế quan trọng để đổi lại Bắc Kinh nhất trí tăng cường mua sản phẩm của Mỹ và bảo vệ tài sản trí tuệ nghiêm ngặt hơn.
Theo các quan chức Mỹ, thỏa thuận dài 86 trang đang trong quá trình xem xét về mặt pháp lý và dịch thuật. Văn bản chín chương bao gồm quy định bảo vệ sở hữu trí tuệ, cắt giảm thuế và cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại giữa hai nước. Cố vấn Nhà Trắng Peter Navarro ngày 31/12 cho biết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 đã sẵn sàng. Trả lời phỏng vấn đài CNBC, thỏa thuận bao gồm các điều khoản được đề xuất trong các cuộc đàm phán trước khi bị gián đoạn vào tháng 5/2019.
Zhu Feng, giáo sư chuyên ngành quan hệ quốc tế tại Đại học Nam Kinh, cho biết ông tin chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Trump là một dấu hiệu thể hiện sự thiện chí nhằm cải thiện quan hệ.
“Hành động thăm Bắc Kinh một lần nữa của nhà lãnh đạo Mỹ được đánh giá là một tín hiệu tốt. Ông ấy cũng nên mời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Mỹ, để cải thiện quan hệ Mỹ-Trung”, Giáo sư Zhu nhắc tới chuyến thăm lần trước của ông Trump vào năm 2017.
Tuy nhiên, Shi Yinhong – giáo sư chuyên ngành quan hệ quốc tế thuộc Đại học Nhân Dân Trung Hoa – lại nghĩ rằng Tổng thống Trump muốn nhân chuyến thăm này tạo sức ép đối với người đồng cấp Trung Cấp ra thêm yêu cầu nhượng bộ.
Ông lưu ý Trung Quốc vốn dĩ đã gặp khó khăn trong việc đáp ứng các điều khoản có trong thỏa thuận giai đoạn 1, bao gồm việc tăng giá trị xuất khẩu của Mỹ sang nước này lên 200 tỷ USD trong hai năm tới.
“Nhân đà không khí hòa hoãn tích cực từ thỏa thuận giai đoạn 1, ông Trump có thể tìm thúc đẩy Bắc Kinh đưa ra nhiều nhượng bộ hơn khi đến thăm nơi đây, có thể gồm yêu cầu Trung Quốc mua thêm hàng Mỹ, ngay cả khi nhu cầu trong nước đối với các sản phẩm đó không mạnh”, giáo sư Shi cho hay.
Các quan chức thông báo giai đoạn tiếp theo của thỏa thuận sẽ được quyết định bằng cách thức thực hiện thỏa thuận giai đoạn đầu tiên. Các mâu thuẫn khó giải quyết như Bắc Kinh cắt giảm trợ cấp có lợi cho các doanh nghiệp nhà nước dự kiến được giải quyết trong đàm phán giai đoạn 2/ Tuy nhiên, hầu hết các nhà phân tích vẫn hoài nghi về việc liệu có thể đạt được thỏa thuận trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 3/11/2020 hay không.
“Bất kể chuyện gì đến với thỏa thuận giai đoạn 1, Tổng thống Trump sẽ không thay đổi phương thức tiếp cận trong việc đối phó với Trung Quốc. Ông ấy luôn muốn tìm cách buộc Trung Quốc phải cho nhiều hơn”, chuyên gia Shi kết luận.
Jia Qingguo - giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Bắc Kinh – nhân định chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Mỹ sẽ giúp mối quan hệ thương mại ổn định hơn, nhưng cần nói thêm rằng hai bên sẽ phải nhất trí về những vấn đề sẽ được thảo luận trong cuộc đàm phán giai đoạn hai sắp tới.
“Họ sẽ phải đạt được sự đồng thuận về những gì có thể đạt được cho giai đoạn hai. Nếu không có sự đồng thuận, chuyến thăm sẽ là một khó khăn với Chính phủ Trung Quốc”. ông Jia lưu ý thêm chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống sẽ không giảm bớt căng thẳng liên quan đến các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với công ty viễn thông khổng lồ Huawei và các công ty công nghệ khác của Trung Quốc.
Kể từ tháng 7/2018, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới luôn bị mắc kẹt trong một cuộc chiến thuế quan làm rung chuyển nền kinh tế toàn cầu.