Tổng thống Trump muốn châu Âu nhập khẩu nông sản Mỹ

Ngày 25/2, theo tờ Politico, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang gia tăng áp lực buộc Liên minh châu Âu (EU) phải nhập khẩu nhiều hơn nông sản Mỹ nhằm giảm thâm hụt thương mại.

Chú thích ảnh
Người dân mua thực phẩm trong siêu thị tại Glendale, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, những rào cản về kiểm dịch thực vật, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và yếu tố chính trị khiến mục tiêu này trở nên khó khả thi.

Với quan điểm thương mại bảo hộ, ông Trump không ngần ngại chỉ trích mức thặng dư thương mại 198 tỷ euro mà EU đang có với Mỹ. Sau khi áp thuế 25% lên thép và nhôm từ châu Âu, ông tiếp tục yêu cầu khối này tăng cường mua các mặt hàng như ô tô, nhiên liệu hóa thạch, vũ khí, dược phẩm và đặc biệt là thực phẩm từ Mỹ. Trong một phát biểu tại Florida, ông cho rằng EU nhập khẩu quá ít nông sản Mỹ trong khi xuất khẩu lượng lớn thực phẩm sang Mỹ. Ông nhấn mạnh sự mất cân bằng thương mại khi ngành nông nghiệp Mỹ đang thâm hụt 18 tỷ euro so với EU.

Dù một số lĩnh vực có thể được điều chỉnh để cải thiện cán cân thương mại, song vấn đề nhập khẩu nông sản lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Những rào cản về kiểm dịch thực vật và tiêu chuẩn an toàn thực phẩm khiến việc tiếp cận thị trường châu Âu trở nên vô cùng khó khăn.

Sự khác biệt trong quy định quản lý thực phẩm là một trong những rào cản lớn. EU áp dụng nguyên tắc phòng ngừa, yêu cầu sản phẩm phải chứng minh được tính an toàn trước khi lưu thông, trong khi Mỹ sử dụng hệ thống đánh giá rủi ro - các sản phẩm chỉ bị cấm nếu có bằng chứng rõ ràng về tác hại. Cách tiếp cận này khiến châu Âu đặt ra những quy định nghiêm ngặt mà nhiều mặt hàng nông sản của Mỹ khó đáp ứng.

Thịt bò Mỹ bị hạn chế nhập khẩu do sử dụng hormone tăng trưởng, với hạn ngạch chỉ 35.000 tấn/năm. Gia cầm Mỹ gần như bị cấm vì phương pháp xử lý kháng khuẩn không được EU chấp nhận. Ngũ cốc biến đổi gien - một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Mỹ - phải trải qua quy trình cấp phép kéo dài và yêu cầu dán nhãn nghiêm ngặt, khiến người tiêu dùng châu Âu lo ngại. Trong khi đó, hơn 70 loại thuốc trừ sâu bị EU cấm vẫn được sử dụng rộng rãi trong nông nghiệp Mỹ, bao gồm chlorpyrifos - chất có liên quan đến tổn thương não ở trẻ em - và paraquat - có nguy cơ gây bệnh Parkinson. Những quy định này khiến nhiều sản phẩm nông nghiệp Mỹ khó có thể tiếp cận thị trường châu Âu, bất chấp áp lực từ Washington.

Không chỉ khác biệt về quy định, thị hiếu tiêu dùng cũng là một yếu tố quan trọng. Trong khi người Mỹ ưa chuộng thực phẩm chế biến sẵn và các sản phẩm nông sản giá rẻ, người châu Âu có xu hướng tiêu thụ các mặt hàng có giá trị cao hơn như rượu vang, dầu ô liu và pho mát. Thực phẩm Mỹ thường bị đánh giá là quá béo, quá mặn, quá ngọt hay có nồng độ cồn cao so với khẩu vị của người châu Âu.

Sự chênh lệch này phản ánh sự khác biệt trong nền nông nghiệp hai khu vực. Mỹ với các trang trại quy mô lớn tập trung vào sản xuất hàng hóa nông sản thô, trong khi EU phát triển mô hình nông nghiệp giá trị gia tăng, dựa vào hệ thống bảo hộ chỉ dẫn địa lý (GI), giúp nông dân biến sản phẩm nông nghiệp thành hàng hóa cao cấp.

Bên cạnh đó, những yếu tố chính trị cũng khiến việc nhập khẩu nông sản Mỹ vào châu Âu trở nên phức tạp hơn. Trong năm qua, nhiều nước EU đã chứng kiến các cuộc biểu tình lớn của nông dân, phản đối nhập khẩu thực phẩm giá rẻ từ Ukraine và Nam Mỹ. Những lo ngại về cạnh tranh không công bằng, tiêu chuẩn sản xuất thấp hơn và giá đất nông nghiệp rẻ hơn tại các nước xuất khẩu đang khiến chính phủ châu Âu thận trọng hơn trong chính sách thương mại nông sản.

Ủy ban châu Âu đang xem xét áp dụng "quy định tương đồng", yêu cầu hàng nhập khẩu phải đáp ứng các tiêu chuẩn tương tự như sản phẩm nội địa về chăn nuôi động vật và sử dụng thuốc trừ sâu. Điều này càng khiến nông sản Mỹ khó có cơ hội thâm nhập thị trường EU. Trong bối cảnh nhiều quốc gia châu Âu như Pháp, Italy, Tây Ban Nha và Ba Lan sắp tổ chức các cuộc bầu cử quan trọng trong hai năm tới, các chính phủ EU có thể sẽ tránh đưa ra những quyết định có thể gây tổn hại đến ngành nông nghiệp trong nước.

Từng có thời điểm chính quyền Tổng thống Trump hưởng lợi khi vụ thu hoạch kém tại Brazil và Argentina giúp EU phải nhập khẩu đậu nành Mỹ để phục vụ ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, tình hình hiện nay đã thay đổi. Brazil và Ukraine đang gia tăng sản xuất hạt có dầu, khiến EU có thêm nhiều lựa chọn ngoài Mỹ. Trong khi đó, chiến lược protein của EU đang khuyến khích sản xuất trong nước nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài. Cùng với xu hướng tiêu thụ ít thịt đỏ hơn tại châu Âu, nhu cầu nhập khẩu nông sản Mỹ cũng giảm theo.

Hoàng Tuấn Anh/Báo Tin tức (Theo Potilico)
Nông dân Ba Lan biểu tình phản đối nhập khẩu nông sản Ukraine
Nông dân Ba Lan biểu tình phản đối nhập khẩu nông sản Ukraine

Ngày 3/1, nông dân Ba Lan đã tổ chức biểu tình tại thủ đô Warsaw nhằm phản đối việc nhập khẩu nông sản từ Ukraine và các chính sách liên quan của Liên minh châu Âu (EU).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN