Tổng thống Erdogan tái đắc cử và thách thức địa chính trị với Thổ Nhĩ Kỳ

Sau khi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử vòng 2 hôm 28/5 vừa qua với 52,14% số phiếu ủng hộ, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tái đắc cử lần thứ ba liên tiếp và sẽ tiếp tục nắm quyền thêm 5 năm nữa. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo kỳ cựu Thổ Nhĩ Kỳ được dự báo sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là trong vấn đề địa chính trị.

Cân bằng các mối quan hệ

Trong hơn 20 năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã từ một "cường quốc khu vực" vươn lên thành "cường quốc toàn cầu" trong nền chính trị thế giới. Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành cường quốc quân sự lớn thứ hai trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và là nhân tố không thể thiếu trong liên minh này xét về địa chính trị.

Mặc dù vậy, mối quan hệ giữa chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và NATO trong những năm gần đây gặp không ít bất đồng trong những vấn đề chung, đặc biệt Ankara thường có quan điểm cứng rắn với bất cứ mối đe dọa nào tới lợi ích quốc gia. Thổ Nhĩ Kỳ chính là một trong hai nước thành viên NATO không ủng hộ việc Thụy Điển gia nhập liên minh quốc phòng này bất chấp lời kêu gọi của Mỹ và các nước thành viên khác do Stockholm đã từ chối giao nộp 120 phần tử cực đoan và điều này được coi là nguy hai tới an ninh quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ.

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh: Tổng thống Erdogan phát biểu trước những người ủng hộ, sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống vòng 2, tại Istanbul, ngày 28/5. Ảnh: AFP/TTXVN

Chuyên gia Dmitry Suslov, Phó giám đốc Trung tâm Châu Âu. và Nghiên cứu Quốc tế tại Trường Kinh tế Cao cấp của Nga và là Phó giám đốc nghiên cứu tại Hội đồng Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng Nga, đánh gia: "Washington sẽ phải tiếp tục đối phó với Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia một mặt là thành viên của NATO, có quyền phủ quyết; mặt khác đang ngày càng thể hiện mình là một trung tâm quyền lực độc lập ở Trung Đông, khu vực Đông Địa Trung Hải và châu Âu nói chung".

Mặt khác, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang kỳ vọng sẽ "xóa bỏ hành lang khủng bố ở Syria" và từ quan điểm này chính sách bình thường hóa quan hệ với Syria có tầm quan trọng lớn để có thể đối phó với lực lượng dân quân người Kurd ở Syria vốn bị Ankara coi là tổ chức khủng bố. Rõ ràng, việc bình thường hóa quan hệ với Tổng thống Syria Bashar al-Assad có thể giúp Ankara bắn một mũi tên trúng hai đích: kiềm chế người Kurd ở phía bắc Syria và tạo điều kiện cho khoảng 4 triệu người tị nạn Syria mà Thổ Nhĩ Kỳ đang hỗ trợ quay trở lại quê nhà. Việc bình thường hóa Thổ Nhĩ Kỳ-Syria đã mang một ý nghĩa mới sau khi Damascus nối lại tư cách thành viên của mình trong Liên đoàn Arab.

Cũng như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không quay lưng lại với Trung Đông và châu Á, cũng như sẽ tiếp tục củng cố quan hệ chặt chẽ hơn với Nga. Tổng thống Erdogan đã tham gia giải quyết các vấn đề an ninh toàn cầu. Mới đây nhất là vai trò trung gian hòa giải, tổ chức đối thoại Nga - Ukraine và đạt được thỏa thuận xuất khẩu lúa mỳ, giải quyết cuộc khủng hoảng thiếu lương thực nghiêm trọng của các quốc gia Trung Đông và châu Phi.

Trong quan hệ với các quốc gia lớn như Nga, Trung Quốc, Mỹ, dường như Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục thực hiện chính sách cân bằng lợi ích của mình. Hiện Thổ Nhĩ Kỳ đang nhập khẩu 56% khí đốt từ Nga, cùng với dầu lửa và lượng khách du lịch rất lớn từ Nga. Bên cạnh đó, Trung Quốc đã đầu tư 32 tỷ USD vào Thổ Nhĩ Kỳ, một đối tác quan trọng trong Sáng kiến Vành đai con đường (BRI). Rõ ràng Ankara sẽ tiếp tục thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, song sẽ tìm cách cải thiện quan hệ với các nước phương Tây để thu hút đầu tư, vực dậy nền kinh tế.

Nan giải vấn đề kinh tế

Tuy nhiên, để có thể củng cố vị thế quốc tế và theo đuổi những mục tiêu về đối ngoại, giới quan sát cho rằng ưu tiên đầu tiên của của Tổng thống Erdogan sẽ giải bài toán kinh tế trong nước, cũng như tìm kiếm các biện pháp xử lý cuộc khủng hoảng tài chính mà Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt. Trong chiến dịch tranh cử vừa qua, ông Erdogan đã thành công trong việc đưa cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ra khỏi trọng tâm tranh luận khi thực hiện được một loạt các biện pháp nhằm tăng đáng kể lương hưu và tiền lương, giảm giá hóa đơn điện hộ gia đình, đồng thời chuyển sự chú ý sang các vấn đề như an ninh và giá trị gia đình.

Chú thích ảnh
Cử tri bỏ phiếu bầu Tổng thống vòng 2 tại điểm bầu cử ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 28/5/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Mặc dù vậy, nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang ở trong tình trạng hết sức khó khăn và trong bài phát biểu chiến thắng vào tối 28/5, ông Erdogan nhấn mạnh lạm phát là vấn đề chính mà đất nước phải đối mặt. Lạm phát ở Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tới 85% vào cuối năm ngoái và giảm xuống còn 44% vào tháng trước, song đây vẫn là con số rất cao so với mặt bằng chung ở châu Âu.

Trong bối cảnh đồng lira nội tệ đang bị trượt giá mạnh do dự trữ ngoại hối của Thổ Nhĩ Kỳ đang ở mức thấp kỷ lục, chính phủ nước này đã chi hàng chục tỷ USD để cố gắng hỗ trợ đồng lira khỏi sụt giá. Mặc dù vậy, chuyên gia kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ Timothy cho rằng mức giá hiện tại của đồng lira là "không bền vững". Ông nhấn mạnh rằng với dự trữ ngoại hối hạn chế và lãi suất thực âm ồ ạt, áp lực lên đồng lira là rất lớn.

Tuy nhiên, cũng cần phải nhớ rằng trong 20 năm cầm quyền (Thủ tướng trong giai đoạn 2003-2014 và Tổng thống từ năm 2014), ông Erdogan đã đem lại nhiều thành tựu cho đất nước Thổ Nhĩ Kỳ. Nhờ những cải cách kinh tế triệt để, Thổ Nhĩ Kỳ đạt được vị thế nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2020 và tỷ lệ nghèo của nước này đã giảm gần một nửa, xuống còn 9,8%. Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ hiện đứng thứ 18 trên thế giới về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) danh nghĩa, đạt 1.029 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt 11.932 USD. Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong top 5 về tốc độ tăng trưởng GDP trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).

Chính phủ của ông Erdogan cũng đang cho thấy dấu hiệu muốn đưa Thổ Nhĩ Kỳ thoát khỏi sự phụ thuộc kinh tế tổng thể vào các đối tác phương Tây. Trong thời gian gần đây, nước này đang nhận được sự hỗ trợ từ dòng vốn các nước vùng Vịnh. Các nước như Qatar, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã gửi hàng tỷ USD vào Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ hoặc thành lập các quỹ đầu tư trị giá hàng tỷ USD. Trong khi Nga cũng đã từng đổ rất nhiều vốn đầu tư cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ.

Có thể thấy, kết quả trong cuộc bầu cử vừa qua là kỳ vọng lớn lao mà người dân Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt lên vai Tổng thống Erdogan để tiếp tục tạo ra những bước phát triển đột phá mới cho đất nước, cũng như nâng cao vị thế và tầm ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ trên trường quốc tế.

 

Hoài Nam/Báo Tin tức (Tổng hợp)
Bầu cử Thổ Nhĩ Kỳ: Tổng thống Erdogan tái đắc cử
Bầu cử Thổ Nhĩ Kỳ: Tổng thống Erdogan tái đắc cử

Rạng sáng 29/5/2023 theo giờ Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng bầu cử tối cao Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận đương kim Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã giành chiến thắng trong vòng 2 của cuộc bầu cử tổng thống qua đó tiếp tục lãnh đạo đất nước này trong 5 năm tiếp theo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN