Theo tờ The Moscow Times, các cơ quan thực thi pháp luật Nga đã bắt giữ 4 nghi phạm vào sáng sớm 23/3 ở khu vực Bryansk, gần biên giới của Nga với cả Ukraine và Belarus.
Các quan chức Nga, trong đó có cả Tổng thống Vladimir Putin, đều nói rằng các nghi phạm bị bắt khi đang lái xe về phía Ukraine.
Tuy nhiên, Tổng thống Lukashenko cho biết các nghi phạm ban đầu đã tìm cách vào Belarus nhưng đã đổi ý vì Belarus áp dụng các biện pháp an ninh tăng cường.
Hãng thông tấn nhà nước Belta dẫn lời ông Lukashenko: “Đó là lý do tại sao chúng quay lại và đi về phía biên giới Ukraine - Nga”.
Khi kể lại cuộc điện đàm với Tổng thống Putin trong thời gian Nga truy lùng thủ phạm vụ tấn công, Tổng thống Lukashenko khẳng định nhà lãnh đạo Nga đã nhờ ông chặn đường của các nghi phạm vào Belarus. Ông kể: “Ông Putin hỏi tôi rằng có thể giúp đóng biên giới Nga – Belarus đuợc không. Tôi trả lời là tôi sẽ đóng biên giới và chúng tôi sẽ làm mọi thứ. Cuộc điện đàm có nội dung như vậy”.
Theo Tổng thống Lukashenko, ông đã tiết lộ chi tiết cuộc nói chuyện với ông Putin để đáp lại những lời chỉ trích rằng nhà lãnh đạo Nga sau tới 19 tiếng mới phát biểu trước công chúng về vụ tấn công Crocus City Hall. Ông nói: “Tổng thống Putin và tôi đã thức suốt 24 giờ. Những người chỉ trích không biết về điều đó”.
Ngày 26/3, các quan chức an ninh Nga tuyên bố rằng Ukraine và phương Tây chịu trách nhiệm một phần về vụ tấn công ở Moskva khiến 130 người chết.
Giám đốc Cơ quan An ninh Nga (FSB), ông Alexander Bortnikov, cho biết thông tin chính từ những người bị tạm giữ xác nhận có dấu vết liên quan Ukraine trong vụ tấn công khủng bố tại nhà hát Crocus City Hall. Ông Bortnikov nói với nhà báo Pavel Zarubin của tập đoàn truyền thông VGTRK: “Tôi có thể nói chắc chắn rằng có cơ sở chính trị. Chỉ những người Hồi giáo thì không thể chuẩn bị một hành động như vậy. Tất nhiên, họ đã được giúp đỡ. Và chúng tôi thấy dấu vết Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói điều này”.
Ông Bortnikov nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm thông tin để biết liệu thực sự phía Ukraine có hiện diện hay tham gia vụ này hay không. Cho đến nay, có mọi lý do để nói như vậy. Vì chính những tên này muốn chạy ra nước ngoài, tới lãnh thổ Ukraine. Theo thông tin sơ bộ của chúng tôi, có người đã chờ họ ở đó”.
Trong khi đó, Thư ký Hội đồng An ninh Nga, ông Nikolai Patrushev, cũng cho rằng chính quyền Ukraine đứng đằng sau vụ tấn công khủng bố trên khi trả lời câu hỏi của báo giới về sự dính líu của Ukraine hoặc IS trong vụ tấn công.
Phía Ukraine đã bác bỏ những cáo buộc này của phía Nga. Tờ Pravda (Ukraine) ngày 23/3 dẫn lời Mykhailo Podoliak, người phát ngôn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, tuyên bố trên Telegram: "Hãy nói thẳng điều này: Ukraine hoàn toàn không liên quan gì đến những sự kiện đó”.
Ông Podoliak cũng lưu ý Ukraine chưa bao giờ sử dụng các phương pháp chiến tranh khủng bố. Ông nhắc lại rằng trước vụ tấn công khủng bố khủng bố tại Nga, nhiều đại diện nước ngoài ở Moskva đã cảnh báo về nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công khủng bố.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Ukraine cũng đã phủ nhận nước này có liên quan đến vụ tấn công khủng bố trên, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế bác bỏ mạnh mẽ những cáo buộc như vậy và tăng cường hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến với Nga.
Về phần mình, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố rằng họ không thấy bằng chứng nào cho thấy Ukraine có liên quan đến vụ tấn công trên.