Đây là lần đầu tiên số ca nhiễm mới ở thành phố này vượt ngưỡng 1.000 ca/ngày kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát ở Nhật Bản vào giữa tháng 1.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, số ca nhiễm mới gia tăng đột biến ở Tokyo và một số tỉnh, thành của Nhật Bản sau khi nước này phát hiện các ca nhiễm những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện ở Anh và Nam Phi và được cho là có khả năng lây nhiễm cao hơn.
Giữa tháng 12 này, chính quyền thủ đô Tokyo đã quyết định nâng cảnh báo về tình trạng căng thẳng đối với hệ thống y tế lên mức cao nhất trên thang gồm 4 cấp độ. Đây là lần đầu tiên thành phố này nâng cảnh báo lên cấp độ 4 kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Với quyết định này, chính quyền thủ đô yêu cầu các nhà hàng và quán bar trên địa bàn thành phố phải rút ngắn thời gian hoạt động, theo đó đóng cửa trước 22h hàng ngày.
Ngày 30/12, Thống đốc Tokyo Yuriko Koike đã kêu gọi người dân thành phố ở nhà càng nhiều càng tốt trong kỳ nghỉ Năm mới để kiềm chế dịch bệnh lây lan. Bà nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 trong kỳ nghỉ cuối năm và Năm mới, nếu không, chúng tôi không còn lựa chọn nào khác phải đề nghị chính quyền trung ương ban bố tình trạng khẩn cấp”. Bà Koike cho rằng những gì người dân Tokyo làm trong kỳ nghỉ này sẽ quyết định tốc độ lây lan của dịch bệnh.
* Tại Hàn Quốc, nhà chức trách trong tuần này đã chuyển hàng chục bệnh nhân COVID-19 là người cao tuổi từ các nhà dưỡng lão sang các bệnh viện sau khi có ý kiến cho rằng chính sách của chính phủ đã khiến số ca tử vong tăng vọt ở những người dễ bị tổn thương.
Chủ tịch Hiệp hội Y học Hàn Quốc Choi Dae-zip cho rằng do hầu hết người sống trong các viện dưỡng lão là người cao tuổi và có bệnh nền nên họ có nguy cơ tử vong cao nếu mắc COVID-19. Do đó, họ cần được ưu tiên chữa trị ở bệnh viện với chế độ chăm sóc phù hợp.
Tổng số ca nhiễm tại Hàn Quốc hiện đã vượt quá 60.000 ca sau khi nước này ghi nhận thêm 967 ca nhiễm mới ngày 31/12. Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (KDCA), trong tổng số 900 ca tử vong do COVID-19 tại Hàn Quốc, ít nhất 316 ca ở các nhà dưỡng lão. Riêng ngày 29/12 vừa qua, trong số 40 ca tử vong trong vòng 24 giờ, số ca tử vong trong một ngày cao nhất từ trước đến nay, có đến 70% là những trường hợp ở các nhà dưỡng lão.
* Thái Lan ngày 31/12 ghi nhận thêm 194 ca nhiễm mới, trong đó phần lớn là các ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 6.884 ca. Kể từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên hồi cuối tháng 1 đến nay, quốc gia Đông Nam Á này đã có 61 ca tử vong do COVID-19.
* Cũng trong ngày 31/12, Bộ Y tế Séc cho biết số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua ở nước này đã tăng cao kỷ lục với 16.939 ca, nâng tổng số ca bệnh lên 718.661 ca, trong đó 11.580 ca tử vong. Hiện quốc gia Trung Âu gồm 10,7 triệu dân này là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch trong khu vực.
* Bộ Y tế Nam Phi cho biết nước này có thêm 17.710 ca nhiễm mới trong ngày 30/12, mức tăng theo ngày cao nhất từ trước đến nay, cao hơn mức kỷ lục ghi nhận cách đây vài ngày với khoảng 14.500 ca. Hiện tổng số ca bệnh tại Nam Phi tăng lên 1.039.161 ca, trong đó hơn 28.000 ca tử vong.
Nam Phi hiện là nước có số ca mắc COVID-19 cao nhất ở châu Phi và đang phải nỗ lực ngăn chặn tình trạng số ca nhiễm mới tăng vọt kể từ cuối tháng 11 vừa qua, chủ yếu do sự lây lan biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có tên là 501.V2. Điều này đã gây căng thẳng cho hệ thống y tế, trong đó một số bệnh viện rơi vào tình trạng quả tải, khiến Chính phủ Nam Phi phải áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn.