Toàn thế giới đã vượt 493 triệu ca mắc COVID-19

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 5/4 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng 493.015.923 ca mắc COVID-19 và 6.180.271 ca tử vong. Số ca hồi phục là 428.766.283 ca.

Chú thích ảnh
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Số ca mắc mới COVID-19 tại bang New York (Mỹ) đã gia tăng trở lại do sự lây lan của dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron. Ngày 4/4, nhà chức trách New York công bố số liệu cho thấy số ca mắc COVID-19 trung bình 7 ngày (tính đến ngày 3/4) tại bang này lên mức 17,8/100.000 người, gấp đôi so với mức 8,2 của 3 tuần trước đó. Tỷ lệ người dân dương tính với virus SARS-CoV-2 trong cùng thời gian trên cũng tăng từ mức 1,4% trong ngày 13/3 lên 3% vào ngày 3/4.

Giới chức y tế bang New York cho biết 59,6% số mẫu thu thập trong thời gian 13 - 26/3 là nhiễm dòng phụ BA.2 của Omicron, đồng thời khẳng định vaccine vẫn là "vũ khí phòng thủ" tốt nhất của mỗi người trong cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 4/4/2022. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Trong khi đó, số ca nhiễm mới tại Hàn Quốc trong ngày 5/4 đã tăng mạnh trở lại so với một ngày trước đó. Cụ thể, nước này ghi nhận số ca nhiễm mới tăng lên mức 266.135 ca, cao hơn gấp đôi so với mức 127.190 ca của một ngày trước đó, đưa tổng số ca nhiễm tại nước này lên 14.267.401 ca. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với mức 347.554 ca ghi nhận một tuần trước đó. 

Cũng trong 24 giờ qua, nước ngày ghi nhận thêm 209 ca tử vong, đưa tổng số người không qua khỏi lên 17.662 ca. Tính đến nay 32,83 triệu người, tương đương 64% dân số Hàn Quốc, đã tiêm mũi tăng cường. Số người tiêm đủ liều cơ bản hiện là 44,5 triệu người, chiếm 86,7%.

Trong khi đó, một quan chức y tế cấp cao Thái Lan cho biết nước này ghi nhận một nhân viên giao hàng nghi nhiễm một biến thể tái tổ hợp mới của virus SARS-CoV-2 chưa từng được phát hiện tại Thái Lan. Tổng Giám đốc Cục Khoa học y tế Thái Lan, Tiến sĩ Supakit Sirilak nêu rõ kết quả giải trình tự gene tại một bệnh viện ở Bangkok vào ngày 22/2 vừa qua cho thấy bộ gene SARS-CoV-2 trong mẫu bệnh phẩm của người đàn ông 34 tuổi nói trên rất giống XJ - một biến thể tái tổ hợp mới kết hợp hai dòng phụ BA.1 và BA.2 của biến thể Omicron và được phát hiện lần đầu tiên ở Phần Lan cách đây không lâu.         

Tuy nhiên, Tiến sĩ Supakit cho biết các đơn vị chuyên môn vẫn đang tiến hành thêm các phân tích chuyên sâu để xác nhận trường hợp trên có phải là nhiễm biến thể XJ hay không. Tiến sĩ Supakit nêu rõ hiện không có bằng chứng nào cho thấy hai biến thể tái tổ hợp mới nói trên nguy hiểm hơn các biến thể hiện đang lây lan tại Thái Lan. Ông cho biết thêm rằng dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron đang chủ đạo ở Thái Lan và có đặc tính dễ lây lan hơn BA.1.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, Thái Lan đang chuẩn bị đối phó với tình huống số ca mắc mới COVID-19 hằng ngày ở nước này có thể lên tới 100.000 ca sau dịp Tết cổ truyền Songkran từ 13 - 15/4 tới. Cục Kiểm soát dịch bệnh (DDC) thuộc Bộ Y tế Thái Lan ước tính kịch bản “lạc quan” là số ca mắc mới COVID-19 hằng ngày sẽ tăng gấp đôi lên khoảng 50.000 ca/ngày sau kỳ nghỉ Songkran. Với kịch bản này, số người tử vong vì COVID-19 sẽ tăng lên trên ngưỡng 100 ca mỗi ngày trong giai đoạn từ ngày 19/4 tới tháng 5, với khoảng 3.000 ca bị viêm phổi và 900 ca phải thở máy. DDC dự báo kịch bản “lạc quan” này nếu đa số người dân tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội...

Về tình hình COVID-19 ở Thái Lan, quốc gia Đông Nam Á này sáng 5/4 ghi nhận thêm 21.088 ca mắc mới (chưa kể 10.884 ca dương tính khi xét nghiệm kháng nguyên nhanh) cùng 91 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm từ đầu dịch đến nay lên 3.757.575 ca, trong đó có 25.603 người không qua khỏi.

Cùng ngày,  chính quyền thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) mở rộng phạm vi áp dụng hạn chế đi lại đối với hệ thống giao thông công cộng trong bối cảnh kết quả lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ người dân ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 tăng cao. Cụ thể, lệnh phong tỏa đối với các quận phía Tây thành phố Thượng Hải được kéo dài qua thời hạn 5/4 cho đến khi chính quyền có thông báo mới. Phạm vi hoạt động của hệ thống giao thông công cộng thành phố tiếp tục được thu hẹp từ ngày 5/4, theo đó nhiều tuyến tàu điện sẽ tạm dừng hoạt động. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 1/4/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 4/4, Thượng Hải đã hoàn tất việc lấy mẫu xét nghiệm đối với toàn bộ 25 triệu người dân, trong đó ghi nhận mức kỷ lục 13.086 ca mắc mới COVID-19 không triệu chứng, tăng từ 8.581 ca ngày trước đó. Trong khi đó, số ca mắc mới có triệu chứng giảm xuống còn 268 ca so với 425 ca ngày trước đó.

Chính phủ Trung Quốc đã huy động 38.000 nhân viên y tế đến Thượng Hải để hỗ trợ thành phố đối phó với đợt bùng phát dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong 2 năm qua.

Trong khi đó, dịch bệnh có chiều hướng cải thiện là yếu tố khiến thêm nhiều nước nới lỏng biện pháp phòng dịch. Bộ Y tế công cộng Cuba thông báo nước này đã quyết định nới lỏng các biện pháp đối với du khách nhập cảnh từ ngày 4/4. Theo đó, du khách khi nhập cảnh đảo quốc Caribe này sẽ không phải xuất trình giấy chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19, cũng như xét nghiệm PCR âm tính với virus SARS-CoV-2.

Theo quy định mới, lực lượng chức năng sẽ tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 ngẫu nhiên tại các cảng và sân bay, chủ yếu đối với những người đến từ các nước có tỷ lệ lây nhiễm cao. Du khách nào có kết quả xét nghiệm dương tính sẽ được nhập viện theo quy trình hiện có. Bên cạnh đó, Cuba sẽ vẫn duy trì các biện pháp y tế, trong đó có giữ khoảng cách, rửa tay, đeo khẩu trang...

Chú thích ảnh
Hành khách tới sân bay quốc tế Changi, Singapore, ngày 1/4/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Singapore, sau 2 năm tạm dừng do đại dịch COVID-19, tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí về đêm ở nước này sẽ được phép mở cửa trở lại hoàn toàn từ ngày 19/4, với các biện pháp an toàn phòng dịch được áp dụng.

Cụ thể, các cơ sở dịch vụ giải trí về đêm như quán bar, quán rượu, quán karaoke, vũ trường và hộp đêm sẽ phải áp dụng các biện pháp quản lý an toàn phòng dịch (SMM), bao gồm cả SMM xác định tình trạng tiêm chủng. Đối với các cơ sở như hộp đêm và vũ trường, khách đến được yêu cầu phải có kết quả xét nghiệm PCR hoặc ART âm tính trong vòng 24 giờ do nhà cung cấp dịch vụ xét nghiệm được Bộ Y tế Singapore (MOH) phê duyệt. Yêu cầu này không áp dụng đối với nhân viên cơ sở kinh doanh.

Ngoài ra, tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí về đêm sẽ phải tuân thủ các SMM chung như quy mô nhóm tối đa là 10 người đã được tiêm chủng đầy đủ, bắt buộc đeo khẩu trang trong không gian kín, duy trì khoảng cách an toàn ít nhất 1m khi bỏ khẩu trang. Với những sự kiện dưới 1.000 người tham gia sẽ không bị giới hạn về công suất. Tuy nhiên đối với những sự kiện với hơn 1.000 người, công suất được giới hạn là 75%.

Thanh Hương (TTXVN)
Đức dỡ bỏ quy định bắt buộc cách ly đối với người mắc COVID-19
Đức dỡ bỏ quy định bắt buộc cách ly đối với người mắc COVID-19

Bộ Y tế Đức thông báo quốc gia này sẽ không áp đặt quy định cách ly bắt buộc đối với những người mắc COVID-19 từ ngày 1/5.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN