Tòa án Mỹ xem xét thu hẹp quyền hạn tổng thống

Tòa án Tối cao Mỹ đang xem xét lại điều khoản của Hiến pháp về việc trao cho tổng thống quyền bổ nhiệm thẳng các thẩm phán và quan chức cấp cao chính phủ trong thời gian Quốc hội đang trong kỳ nghỉ. Đây được xem là động thái của Tòa án Tối cao nhằm hạn chế quyền hạn của tổng thống trong việc bổ nhiệm các ứng cử viên của mình mà không cần sự chấp thuận của cơ quan lập pháp.

Theo luật pháp, Tổng thống Mỹ có quyền chọn ứng cử viên và đưa ra Thượng viện xem xét, chấp thuận. Tuy nhiên, Hiến pháp lại trao thêm cho tổng thống quyền bổ nhiệm thẳng các ứng cử viên nếu như quốc hội đang trong thời gian nghỉ làm việc. Căn cứ theo điều khoản này, 9 thẩm phán của Tòa án Tối cao đang lật lại hồ sơ bổ nhiệm ba quan chức vào Ủy ban Quan hệ lao động quốc gia (NLRB) ngày 4/1/2012, thời điểm Thượng viện Mỹ đang nghỉ họp.

Một số thành viên đảng Cộng hòa chỉ trích việc bổ nhiệm nói trên là một thủ thuật của Tổng thống Barack Obama nhằm tránh nguy cơ bị Thượng viện bác bỏ.


Hiện tại, Tòa án Tối cao đang xem xét vào thời điểm nào và trong trường hợp nào Tổng thống Mỹ có thể vận dụng điều khoản Hiến pháp trên. Các thẩm phán tập trung vào việc phân tích ngôn từ được sử dụng trong Hiến pháp, theo đó dùng tiêu chí nào để xác định Quốc hội đang trong kỳ nghỉ, liệu có phải là bất kỳ thời điểm nào nếu cơ quan lập pháp không làm việc hoặc chỉ là khi Quốc hội chính thức tuyên bố kỳ nghỉ.

Phản ứng về động thái trên của Tòa án Tối cao, luật sư của chính phủ Donar Verrilli cho rằng việc tìm cách diễn giải ngôn từ trong Hiến pháp sẽ làm lung lay tính hợp pháp của hàng nghìn quyết định bổ nhiệm kể từ thời của Tổng thống đầu tiên George Washington.

Mặc dù về hình thức là đây là vụ việc liên quan đến Hiến pháp, song giới phân tích cho rằng thực chất của vụ việc này là khía cạnh chính trị. Việc Tòa án Tối cao xem xét lại điều khoản nói trên được tiến hành sau khi công ty Noel Canning khởi kiện tính hợp pháp trong quyết định của tổng thống bổ nhiệm các thành viên vào NRLB, cơ quan đã ra phán quyết chống lại công ty này trong một vụ kiện liên quan đến luật lao động.

Ngay lập tức, đơn kiện của Noel Canning đã nhận được sự ủng hộ của thủ lĩnh phe thiểu số tại Thượng viện, thượng nghị sỹ Cộng hòa Mitch McConnell. Các nghị sỹ Cộng hòa và các chủ thể kinh tế như Phòng Công nghiệp thương mại Mỹ rất muốn hạn chế việc các tổng thống của đảng Dân chủ thường bổ nhiệm các thành viên ủng hộ người lao động vào NLRB, một cơ quan độc lập của liên bang có chức năng xử lý các vụ việc bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Hiện tại, cả Nhà Trắng và Thượng viện đều do đảng Dân chủ kiểm soát, song đảng Cộng hòa đang hy vọng họ sẽ giành được đa số tại Thượng viện trong kỳ bầu cử Quốc hội vào giữa tháng 11 tới, giúp phe này giành được thế cân bằng với Dân chủ và cản trở các quyết định bổ nhiệm của chính quyền Tổng thống Obama.

Theo kế hoạch, Tòa án Tối cao sẽ ra quyết định về vấn đề này vào cuối tháng 6. Trong trường hợp tòa ra phán quyết thu hẹp quyền bổ nhiệm của tổng thống, hoạt động trong hai năm cuối nhiệm kỳ của chính quyền của Tổng thống Obama sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng.


TTXVN/Tin tức

Những 'con rắn' và 'cái thang' của ông Obama
Những 'con rắn' và 'cái thang' của ông Obama

Nếu Tổng thống Barack Obama nhìn nhận triển vọng chính sách đối ngoại năm 2014 như một trò chơi điện tử phổ biến hiện nay, thì những "con rắn" - các thách thức buộc ông phải nhảy qua, là rất nhiều so với những "cái thang" - các trợ giúp để ông đến được thành công.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN