Mỹ tiếp tục là tâm dịch của thế giới với 989.838 trường hợp mắc COVID-19 và 55.497 trường hợp tử vong. Xếp sau là Tây Ban Nha với 229.422 trường hợp mắc bệnh và 23.521 trường hợp tử vong. Italy có 197.675 ca mắc bệnh và 26.644 ca tử vong.
Ổ dịch lớn thứ 4 trên thế giới là Pháp với 162.100 ca nhiễm và 22.856 ca tử vong. Đứng sau Pháp là Anh, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Đáng chú ý, số ca nhiễm COVID-19 tại Nga đã vượt Trung Quốc đại lục. Nga đã ghi nhận thêm gần 6.200 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số người nhiễm lên tới 87.147, vượt Trung Quốc đại lục - hiện có 82.830 người.
Nhìn chung, tình hình dịch ở châu Âu đang có xu hướng lắng dịu khi số ca tử vong giảm xuống ở một số quốc gia vốn được coi là tâm dịch của "Lục địa già". Nhiều nước châu Âu đang từng bước nới lỏng các biện pháp hạn chế và phong tỏa sau khi có những dấu hiệu tích cực, với số ca tử vong và nhiễm mới giảm mạnh trong những ngày qua, trong đó có nước mức tăng ca nhiễm và tử vong trong ngày đã giảm từ 20% xuống còn 2%.
Tây Ban Nha đang dần nới lỏng dần các biện pháp phong tỏa. Theo đó, các nhà máy và công ty bắt đầu mở cửa trở lại. Ngoài ra, ngày 26/4, lần đầu tiên sau 6 tuần, trẻ em Tây Ban Nha được phép ra khỏi nhà đi dạo phố. Trẻ em dưới 14 tuổi được phép rời nhà trong 1 giờ với sự giám sát của người lớn và không được phép đi quá phạm vi 1 km tính từ nhà và mỗi ngày chỉ ra khỏi nhà một lần trong khung giờ từ 9h00 đến 21h00.
Tại Italy, Thủ tướng Giuseppe Conte cam kết sẽ mở lại các trường học vào tháng 9, đồng thời sẽ cho phép các doanh nghiệp hoạt động trở lại ngay trong tuần sau khi dừng lệnh phong tỏa được áp đặt gần như trên toàn quốc, vốn là biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhất và lâu nhất ở châu Âu. Theo kế hoạch, ông Conte sẽ thông báo cụ thể các giai đoạn nới lỏng lệnh phong tỏa trong bài phát biểu trên truyền hình đêm 26/4 theo giờ địa phương.
Pháp cũng đang lên kế hoạch dừng các biện pháp phong tỏa. Thủ tướng Edouard Philippe cho biết sẽ đưa ra chiến lược quốc gia nhằm chấm dứt lệnh phong tỏa áp đặt từ ngày 17/3. Chiến lược sẽ được công bố sau cuộc thảo luận và bỏ phiếu tại quốc hội trong ngày 28/4.
Chính quyền Pháp đã nêu rõ 17 ưu tiên để từng bước đưa đất nước trở về trạng thái bình thường, theo tiến độ được kiểm soát kể từ ngày 11/5. Sau khi các trường học, công ty, giao thông công cộng được hoạt động trở lại, việc cung cấp khẩu trang, nước diệt khuẩn, xét nghiệm và hỗ trợ người cao tuổi sẽ được chú trọng.
Đối với Bỉ, chính phủ nước này đã đưa ra kế hoạch rõ ràng về việc gỡ lệnh phong tỏa trong những ngày tới. Từ ngày 11/05, gần như tất cả các hoạt động thương mại có thể sẽ được hoạt động trở lại. Từ ngày 18/05, các trường học sẽ từng bước được mở cửa trở lại.
Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson đã lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng sau gần một tháng điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Ông dự kiến sẽ thông báo nới lỏng lệnh phong tỏa trong tuần này sau khi ông trở lại làm việc.
Trong ngày 27/4, Na Uy đã mở lại các trường tiểu học cơ sở trong nỗ lực hướng tới dần trở lại nhịp sống bình thường cho dù một số bậc phụ huynh tiếp tục bày tỏ lo ngại khi cho con đi học trở lại. Các học sinh từ 6 đến 10 tuổi đã bắt đầu quay trở lại trường học sau 6 tuần học trực tuyến ở nhà.
Tuy nhiên, mỗi lớp chỉ được phép có số học sinh tối đa là 15 em. Một tuần trước đó, các trường mầm non, mẫu giáo ở Na Uy đã mở cửa trở lại. Tuy nhiên, một số phụ huynh cho rằng việc đi học như vậy là quá sớm với lý do một số nhân viên ở trường mẫu giáo có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 kể từ khi họ trở lại làm việc hồi tuần trước.
Tại Cộng hòa Séc, Bộ trưởng Nội vụ Jan Hamacek thông báo kể từ ngày 27/4, công dân châu Âu có thể tới nước này, nhưng không được lưu trú quá 3 ngày.
Tại Hungary, Thủ tướng Viktor Orban thông báo sẽ công bố các biện pháp để từng bước gỡ lệnh phong tỏa nhằm phục hồi nền kinh tế vào đầu tuần này. Tuy nhiên, theo ông Orban, người già và người có tiền sử bệnh lý cần phải tiếp tục ở nhà.
Tại Kazakhstan, Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev cho biết sẽ nới lỏng một số biện pháp hạn chế trong những ngày tới, mặc dù nước này đã kéo dài tình trạng khẩn cấp đến ngày 11/5 sau khi dự kiến hết hiệu lực vào ngày 30/4. Tổng thống Tokayep cho biết quốc gia Trung Á gồm 19 triệu dân này sẽ nối lại các chuyến bay giữa hai thành phố lớn từ ngày 1/5.
Tình hình dịch COVID-19 tại Đông Nam Á cũng đã có dấu hiệu tích cực và đến nay đã ghi nhận tổng cộng 40.766 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 1.445 người tử vong, số ca nhiễm và tử vong mới ở các nước thấp hơn hôm qua.
Singapore hôm nay ghi nhận thêm 799 ca dương tính với SARS-CoV-2 , giảm so với 931 ca một ngày trước đó, nâng tổng số ca nhiễm lên 14.423. Số người tử vong không tăng và hiện là 12, trong khi 1.060 người đã hồi phục. Trong số ca nhiễm mới, 14 người là công dân Singapore và thường trú nhân, còn lại là lao động nhập cư sống trong các ký túc xá. Quốc đảo 5,7 triệu dân là vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á, đồng thời là một trong những nước có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất châu Á.
Indonesia thông báo thêm 214 ca nhiễm mới, nâng số ca nhiễm toàn quốc lên 9.096. Nước này hiện ghi nhận 765 người chết do bệnh COVID-19, tăng 22 trường hợp trong 24 giờ qua. Quan chức chính phủ Indonesia hôm nay tỏ ý hy vọng cuộc sống của người dân sẽ trở lại bình thường vào tháng 7.
Philippines - vùng dịch lớn thứ ba Đông Nam Á - ghi nhận thêm 198 ca nhiễm và 10 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 7.777 và 511. Bộ Y tế nước này thông báo có 932 bệnh nhân đã hồi phục, tăng 70 người so với hôm qua.
Malaysia ghi nhận 5.820 ca nhiễm và 99 ca tử vong sau khi báo cáo thêm 40 ca nhiễm và một người chết trong 24 giờ qua. Chính phủ Malaysia đã áp lệnh phong tỏa toàn quốc, đi kèm với loạt biện pháp cách biệt cộng đồng để kiềm chế đại dịch.
Thái Lan ngày 27/4 báo cáo 9 ca mắc bệnh mới mới và lần đầu không ghi nhận ca nhiễm mới ở thủ đô Bangkok kể từ khi COVID-19 xuất hiện hồi tháng 1/2020. Tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này hiện là 2.931, trong đó 52 người đã tử vong, tăng thêm một trường hợp so với hôm qua.
Phát ngôn viên Chính phủ Thái Lan tuyên bố tình trạng khẩn cấp nhằm ứng phó COVID-19 được ban bố từ ngày 26/3 sẽ gia hạn đến cuối tháng 5, song một số hạn chế với doanh nghiệp và các hoạt động công cộng sẽ được nới lỏng trong bối cảnh số ca nhiễm mới có chiều hướng giảm.
Timor Leste và Lào tiếp tục là hai nước trong khu vực chịu ít ảnh hưởng nhất với lần lượt 24 và 19 ca nhiễm SARS-CoV-2. Việt Nam, Campuchia, Timor Leste và Lào chưa ghi nhận ca tử vong nào.
Các nhà phân tích của BofA Global Research ước tính có khoảng 7% người lao động (khoảng 20,7 triệu người) tại các nước ASEAN-6 (gồm Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Philippines và Việt Nam) có thể bị mất việc làm trong cuộc suy thoái kinh tế đang hiện hữu do đại dịch COVID-19 gây ra. Viễn cảnh này cũng sẽ là mối đe dọa đối với sự phục hồi kinh tế khi đại dịch COVID-19 qua đi.
Dựa trên tỷ trọng số lượng người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và các ngành nghề không chính thức tại các nước này, BofA Global Research cho rằng Indonesia sẽ là nước buộc phải cắt giảm việc làm nhiều nhất, với 9,4 triệu việc làm. Số lao động mất việc làm tại các nước khác như Philippines, Thái Lan và Việt Nam cũng có thể lên tới hàng triệu người. Những người lao động trong một số lĩnh vực cụ thể như là dịch vụ lưu trú và thực phẩm, bán buôn - bán lẻ, bất động sản và dịch vụ kinh doanh… sẽ có nguy cơ mất việc cao hơn những người khác.
Thông qua việc phân tích, đánh giá một số yếu tố như quy mô suy thoái dự kiến, cơ cấu việc làm và chính sách tài khóa đối phó với dịch COVID-19 của từng nước, BofA Global Research cũng cho rằng Indonesia và Thái Lan là hai nước có nguy cơ đối mặt với sự suy giảm lớn có tính lịch sử. Trong khi đó, thị trường lao động tại những nước còn lại trong ASEAN-6 cũng sẽ gặp những tác động tiêu cực đáng kể.
Hiện tại, theo BofA Global Research đánh giá, chỉ có Singapore và Malaysia cung cấp những sự hỗ trợ trực tiếp chi phí lao động thông qua hoạt động trợ cấp chi trả tiền lương, trong khi các quốc gia khác có hình thức hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thông qua việc chuyển tiền mặt và áp dụng chính sách ưu đãi thuế. Và với việc nhận định vẫn có các mối nguy cơ vẫn làm trầm trọng thêm xu hướng suy thoái, BofA Global Research nhấn mạnh sự cần thiết phải có thêm nhiều hơn và đúng mục đích hơn những sự hỗ trợ tại các quốc gia này.