Tính đến ngày 13/3, thế giới có 139.630 người mắc COVID-19, trên 5.000 người tử vong

Tính đến 22h30 ngày 13/3, số ca nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn thế giới đã tăng lên thành 139.630 người. Trong khi đó, số ca tử vong đã vượt con số 5.000 người. Dịch bệnh đã lây lan từ Trung Quốc sang 132 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong ngày, một số nước gồm Azerbaijan, Sudan, Ukraine đã thông báo các ca tử vong đầu tiên và các nước Kenya, Kazakhstan Ethiopia ghi nhận các ca đầu tiên mắc bệnh. Hiện 3 nước có số ca tử vong do bệnh COVID-19 cao nhất trên thế giới gồm Trung Quốc với 3.176 ca, sau đó là Italy với 1.016 ca và Iran với 514 ca. Trong khi đó, số ca mắc bệnh tại Trung Quốc, Italy và Iran lần lượt là 80.815, 15.113 và 11.364 người.

Tiếp tục ghi nhận diễn biến tích cực tại Trung Quốc, Ủy ban Y tế quốc gia nước này cho biết số ca tử vong và nhiễm mới virus SARS-CoV-2 tại Trung Quốc ngày 12/3 đều giảm xuống mức một con số. Với 8 ca nhiễm mới và 7 ca tử vong, ngày 12/3, Trung Quốc ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong thấp nhất kể từ giữa tháng 1 vừa qua. Các ca tử vong mới gồm 6 ca tại tỉnh Hồ Bắc và 1 ca tại tỉnh Sơn Đông.

Cũng trong ngày 12/3 có 1.318 bệnh nhân COVID-19 bình phục và được xuất viện tại Trung Quốc. Như vậy, tính đến thời điểm này, Trung Quốc đã ghi nhận 64.111 ca bình phục hoàn toàn trong tổng số 80.813 ca mắc COVID-19 kể từ khi dịch bệnh này bùng phát cuối năm ngoài tại thành phố Vũ Hán của tỉnh Hồ Bắc. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 11/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Hàn Quốc, nước này ghi nhận thêm 110 ca mới mắc bệnh COVID-19, nâng tổng số ca mắc tại đây lên thành 7.979 người. Số ca tử vong tăng thêm 5 người lên thành 71 ca.

Tại Tây Ban Nha, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đã tăng đột biến từ 3.004 người tối 12/3 lên thành 4.209 người tính đến 12h GMT (tức 19h - giờ Việt Nam). Trong khi đó, số ca tử vong tại đây đã tăng lên thành 120 ca, cao hơn so với 84 ca một ngày trước đó.

Trước tình hình dịch bệnh lây lan, nhiều nước trên thế giới đã quyết định đưa ra biện pháp mạnh mẽ và triệt để hơn để phòng chống dịch bệnh lây lan.

Hàn Quốc và Trung Quốc cùng ngày đã tổ chức cuộc họp trực tuyến cấp chuyên viên. Tại cuộc họp, ông Kang Sang-wook, Vụ trưởng Vụ các vấn đề Đông Bắc Á thuộc Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, cho biết nước này đã thực hiện việc kiểm soát dịch bệnh một cách minh bạch, dân chủ. Ông nhấn mạnh thông qua việc hợp tác quốc tế chặt chẽ, thế giới có thể vượt qua đại dịch COVID-19. Ông cũng kêu gọi Trung Quốc hợp tác chặt chẽ trong việc cung cấp khẩu trang kháng khuẩn, trao đổi kinh tế và nhân dân.

Phía Trung Quốc cam kết sẽ tiếp tục liên lạc và hợp tác với Hàn Quốc nhằm khống chế dịch bệnh.

Chính quyền Singapore cho biết sẽ áp đặt lệnh cấm đi lại với các du khách đến từ Italy, Pháp, Tây Ban Nha và Đức, đồng thời hạn chế số người tụ tập không quá 250. Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Y tế Singapore Gan Kim Yong nêu rõ kể từ 23h59' ngày 15/3, những người đến từ 4 nước trên trong vòng 14 ngày sẽ không được phép nhập cảnh hoặc quá cảnh tại Singapore. Người dân Singapore và những người thường trú tại Singapore đã từng đến 4 nước trên trong vòng 14 ngày qua sẽ phải tự cách ly tại nhà trong 14 ngày sau khi trở về Singapore. Đối với tất cả những người đến Singapore, có biểu hiện sốt hoặc các triệu chứng về hô hấp tại các điểm nhập cảnh, những người có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 cũng phải tự cách ly tại nhà trong 14 ngày.

Bộ Nội vụ Indonesia thông báo nước này và Singapore sẽ xây dựng một nghị định thư trong hợp tác xử lý COVID-19 giữa hai quốc gia láng giềng. Theo đó, hai nước triển khai các biện pháp để phát hiện sớm những trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 khi ở trên biển sẽ được sắp xếp, điều trị tại Batam, quần đảo Riau, Indonesia hoặc Singapore.

Trong khi đó, quân đội Iran thông báo các lực lượng nước này sẽ giải tán đám đông tại các tuyến phố trên khắp cả nước trong 24 giờ tới nhằm ngăn chặn đà lây lan của virus. Trong 10 ngày tới, tất cả người dân Iran sẽ được kiểm tra tình trạng sức khỏe thông qua mạng Internet, điện thoại hoặc nếu cần sẽ gặp trực tiếp nhà chức trách, theo đó các trường hợp bệnh nghi ngờ sẽ được xác định đầy đủ.

Trong bối cảnh dịch bệnh lây lan nhanh tại châu Âu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã ban bố tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất tại nước này trong một thế kỷ qua, đồng thời yêu cầu đóng cửa toàn bộ các trường học và đại học trên phạm vi cả nước cho tới khi có lệnh mới. Pháp đã đưa ra quy định cấm các cuộc hội họp có quy mô từ 100 người trở lên. Lệnh cấm trước đó áp dụng với các cuộc hội họp có sự tham gia của 1.000 người.

Ireland cũng thông báo đóng cửa nhà trẻ, trường học và trường đại học và triển khai phương thức học và dạy học từ xa. Các cơ sở văn hóa sẽ được đóng cửa. Ngoài ra, Ireland cũng quy định hủy bỏ các sự kiện hội họp trong nhà có hơn 100 người tham gia và các sự kiện ngoài trời trên 500 người tham gia.

Chính phủ Bỉ cũng đã ra các quy định nghiêm ngặt để phòng chống lây lan SARS-CoV-2 như tạm ngừng mọi hoạt động giải trí, văn hóa; các sàn khiêu vũ, quán bar, cà phê và nhà hàng đều phải đóng cửa; các cửa hàng như siêu thị, hiệu thuốc hoặc cửa hàng thực phẩm sẽ được mở cửa trong tuần và cuối tuần; các cửa hàng khác sẽ mở trong tuần và đóng cửa cuối tuần; các trường học sẽ tạm thời đóng cửa cho tới khi có lệnh mới, tuy nhiên, vẫn duy trì dịch vụ trông trẻ đối với học sinh có bố mẹ đi làm.

Chính phủ Bồ Đào Nha đã đặt nước này trong tình trạng báo động để huy động các lực lượng hiến binh, cảnh sát và quân đội trong nỗ lực kiểm soát lây lan virus SARS-CoV-2. Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa ngày 12/3 đã thông báo nước này sẽ đóng cửa tất cả trường học, nhà trẻ và đại học từ ngày 16/3 tới.

Cùng ngày, Quốc hội Đan Mạch đã thông qua luật dịch bệnh khẩn cấp trước nửa đêm 12/3, trao cho chính phủ quyền hạn lớn hơn để ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan. Theo luật này, chính quyền có thể cấm tất cả các cuộc hội họp công cộng có trên 100 người tham dự. Luật mới cũng trao quyền cho các cơ quan chức năng thực hiện việc điều trị cho những người nghi ngờ nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh, để các bệnh viện có thể ưu tiên điều trị các trường hợp mắc COVID-19. Ngoài ra, luật mới trao cho chính quyền quyền siết chặt hạn chế giao thông công cộng nếu cần thiết và đóng cửa các tổ chức công cộng, siêu thị, cửa hàng khác cũng phong tỏa viện dưỡng lão và bệnh viện.  

Chính phủ Argentina cũng ban bố tình trạng khẩn cấp y tế, ngừng cấp thị thực cho công dân của các nước đang có sự bùng phát mạnh của SARS-CoV-2 gồm Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran, Anh và tất cả các nước trong khối Schengen.

Công ty dược phẩm Roche của Thụy Sĩ thông báo Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm của Mỹ (FDA) đã nhanh chóng cấp phép cho bộ xét nghiệm nhanh virus SARS-CoV-2 do hãng này sản xuất.

Trong một tuyên bố, Roche cho biết FDA đã "bật đèn xanh" cho việc Roche bán ra thị trường bộ xét nghiệm nhanh virus SARS-CoV-2 nhằm nhanh chóng phát hiện các trường hợp nhiễm virus đã gây đại dịch toàn cầu hiện nay.

Người đứng đầu bộ phận chẩn đoán của Roche, ông Thomas Schinecker cho biết việc xét nghiệm cho kết quả nhanh là yếu tố quan trọng trong cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2 và dịch bệnh COVID-19. Ông cho biết bộ kit của Roche cho kết quả xét nghiệm trong vòng 3,5 giờ đồng hồ.

Roche khẳng định hãng đủ năng lực sản xuất hàng triệu bộ thử trong 1 tháng, đồng thời cam kết nhanh chóng phân phối số lượng bộ kit nhiều nhất có thể. Hiện bộ xét nghiệm mới này của Roche đang được lưu hành tại châu Âu sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Nguyễn Hằng (TTXVN)
Số ca nhiễm mới và tử vong do COVID-19 tại Trung Quốc đều giảm xuống 1 con số
Số ca nhiễm mới và tử vong do COVID-19 tại Trung Quốc đều giảm xuống 1 con số

Theo báo cáo của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, số ca tử vong và nhiễm mới virus SARS-CoV-2 tại Trung Quốc ngày 12/3 đều giảm xuống mức một con số.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN